Người giải hạn cho cây lúa làng nghèo

Người ta nhớ đến ông trong lúc cái đói cận kề, đất ruộng nẻ nứt, lúa nếp khô quắt. Và nếu không có ông, hẳn rằng, không ít người ở đất nghèo này phải bỏ ruộng chạy gạo bằng đủ việc làm thuê mướn. Máy bơm nước của ông to, nặng và công suất mạnh nhất làng. Sức trẻ chân mạnh tay khỏe chưa chắc kham nỗi chiếc máy ấy.


Vậy mà, với thân hình “con cò”, đôi chân dị tật teo tóp, đến mùa hạn, ông vẫn gồng gánh chiếc máy bơm gần cả tạ kia đi cứu lúa cho bà con làng nghèo. Ông là Nguyễn Bá Tùng (SN 1968) ở thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam).


Trắng đêm cứu lúa mùa hạn


Đang mùa khô hạn, nắng nóng và gió nam kéo dài thiêu rụi nhiều diện tích lúa đương đoạn ra đòng ở thôn Lộc Đại (xã Quế Hiệp). Mương dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng mùa trước đầy nước thì bây giờ… trắng toát như sân gạch. Làm nông quanh năm ăn nhờ có hạt lúa, ai dám đoạn tuyệt, không lo có… đói.


Thế là, người ta rủ nhau đắp sình các khe chạy quanh các đồng ruộng rồi lần lượt kéo đến gọi “Tùng bơm nước”. Người ta “ưa” gọi ông cũng phải. Bởi, máy bơm của ông to, công suất mạnh nhất làng nên tiết kiệm được thời gian. Và quan trọng hơn cả là kịp thời cứu được hạt lúa cho họ.


Mới sáng tinh mơ một ngày giữa mùa khô hạn này, chưa tỉnh giấc đã có người đến nhà “kêu cứu”, ông lại tất bật cùng thùng đồ nghề, ống dây, kéo máy đi bơm nước cho người ta. Ông Tùng tâm sự: “Cứ đến mùa hạn là mình lại chuẩn bị tư thế sẵn sàng, người ta “bu” mình mãi thế đấy!”.


Ông không nhớ chính xác mình mua cái máy bơm nước ấy từ lúc nào. Chỉ biết, tính đến nay ông gắn bó với nó đã hơn mười năm. “Lúc đầu cứ nghĩ là mua máy về bơm nước lên ao cá nuôi trước nhà thôi, ai ngờ lại chuyển sang làm cái nghề này”– ông Tùng nói.


Trót mang cái nghề “trên trời rơi xuống”, ông gần như phải bỏ mọi việc gia đình để cùng chiếc máy bơm đi cứu lúa cho bà con. Vụ này hạn quá nên lượng người đến gọi ông bơm nước lại càng đông hơn.


Khổ nỗi, ai cũng muốn mình được bơm trước. Để không thiệt lòng ai, cứ người nào đến trước hoặc ruộng lúa khô hạn nặng hơn là ông nhận lời bơm trước. Ngày nào cũng vậy, ông dường như chẳng có thời gian nghỉ ngơi.


Không chỉ vậy, ông còn phải thức trắng đêm canh máy cứu lúa. “Mình phải tranh thủ làm cả ban đêm để sáng mai còn chuyển máy đi bơm cho người khác nữa. Nói thật, nhiều lúc thở không ra hơi nhưng vì “hạt gạo miếng cơm” của bà con, không lẽ mình bỏ mặc!” – ông Tùng tâm sự.


Ông Tùng và chiếc máy bơm nước đã “mắc nợ” làng Lộc Đại chăng?

Ông Tùng đang kiểm tra đường dây bơm và lượng nước tải lên ruộng.


“Bà con khỏi đói ăn, mình cũng ấm bụng!”


Làng nghèo Lộc Đại càng hãnh diện hơn vì “Tùng bơm nước” là gia đình duy nhất trong làng có hai con đang học đại học. Bà Cúc, một hàng xóm của ông nhận xét: “Vợ chồng thằng Tùng hay làm chuyện bao đồng, ăn ở tốt đời nên giờ để phúc cho con cái chúng cũng phải thôi!”. Thấy công việc “đâu đâu” của ông nhọc công hao sức, lại bỏ bê nhiều việc trong gia đình, vợ con ông khuyên thôi bỏ nghề nhưng hiện tại ông vẫn chưa dứt được cái “nghĩa tình xóm làng” mà đoạn tuyệt với nó.

Một ngày đêm theo chân ông Tùng đi bơm nước tôi mới thấm thía hết nỗi cơ cực của cái nghề mà ông đã trót mang hơn một thập kỷ qua. Vị trí đặt máy bơm nước hiếm khi gần đường xá mà toàn những chỗ xa xôi, khó đi. Mỗi lần như vậy, đôi chân “một lớn, một bé”, “bước thấp bước cao” của ông lại phải cùng chủ ruộng gồng gánh cả một đoạn đường bờ ruộng dài mới đến nơi.


Ngoài bị tật bẩm sinh từ nhỏ khiến đôi chân ông teo rí, ông kể, cách đây 5 năm, trong một lần khiêng máy tuốt lúa lên đồng, ông bị lọt chân xuống lỗ nước nên bong gân tới giờ. “Tôi đi chụp phim rồi, kết quả các xương bàn chân không còn khớp nhau như trước nhưng vì nhà nghèo, con lại đang ăn học nên đành kệ. Mỗi lần khiêng máy đi là đau ê ẩm, nhưng biết làm sao được!” – giọng ông buồn rượi.


Gắn với chiếc máy bơm nước, bao chuyện buồn vui được ông bộc bạch khiến người khác phải lay lòng thương cảm. Mỗi khi có người đến gọi bơm nước, chưa biết ngày nay mình có bận việc gì không nhưng ông đã gật đầu ngay. Càng không biết, đôi chân mình còn kham nổi chiếc máy nữa hay không.


“Khổ nhất là bơm cho mấy cụ già, không có người khiêng, máy thì nặng quá, hai vợ chồng tui cứ quảy đi từng đoạn rồi ngồi ạch thở hổn hển! Nhiều khi quảy đi cả hai, ba tiếng đồng hồ mới đến nơi” – ông Tùng bùi ngùi.


Rồi lần nọ, máy bơm nước lên ruộng đương yên đương lành đột nhiên bốc khói, cháy trơ, gần như hỏng toàn bộ. Thế là ông lại ngậm ngùi gánh “cục sắt đen thui” ấy về mang đi sửa chữa hết 3 triệu đồng.


Ông trần lòng: “Khổ nhất là khi máy “trở chứng”. Nhiều lúc chuyển tất thảy đến nơi bơm, lắp ống, tra dây xong xuôi nhưng quay toát mồ hôi hột máy vẫn không nổ, thế là lại khiêng máy về đem sửa. Cứ tưởng bơm nước là cuộc sống khá lên, ai ngờ mỗi lúc một nghèo thêm vì tiền tu sửa máy quá nhiều!”. Máy đã nổ, nước phun xòa lên thửa ruộng trắng toát nhưng ông cũng không thể đi đâu, phải ngồi cạnh canh máy, kiểm tra thùng lạnh, đường dây tải nước, châm dầu nhớt…”.


Dường như là điệp khúc, mùa hạn nào cũng vậy, tối đến, gia đình dọn cơm ra ngồi chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng ông đâu. “Người ta có lòng thì đem chút đồ ăn vặt đến chỗ bơm cho mình lót bụng, còn không thì 10,11 giờ đêm tui mới về nhà ăn vội miếng cơm khuya rồi quay xuống canh máy”- ông kể.


Trời chập choạng tối, tôi ngỏ ý: “Để máy chạy đấy, ta về nhà nghỉ ngơi tí rồi xuống ông hè?”. Nghe lời nhủ, ông bất chợt nhớ ngay cái lần để máy chạy không tốn cả 3,4 lít dầu: “Hôm ấy cũng bỏ về nhà ăn nửa buổi đó, ở dưới này, đường dây tải nước bị đứt chỗ nối, nước xòa chảy cả sang ruộng người khác và đất trống. Bữa ấy coi như tay không!”.


Mới đây là hai ngày 18,19/8, chắc hẳn ông chẳng thể nào quên trong nghiệp cứu lúa. Bởi, trong hai ngày ấy, chiếc máy bơm nước bỗng dưng nổi khùng “vọc” ông mệt rã rời - 6 lần khiêng lên đồng lại khuân về sửa chữa. “Nhiều lúc cắm mặt cắm mũi bơm mãi ruộng người ta, ruộng nhà bỏ cháy đen, vợ tui bả chửi miết. Bả bảo, cứu với vạt ruộng nhà mà ăn chứ? Nhưng chẳng biết sao tôi lại để ngoài tai, “lịch” còn dày là tôi vẫn phải đi, tôi chỉ nghĩ bà con khỏi đói ăn, cái bụng mình nghe ấm ấm là được rồi! – ông vừa nói vừa cười giòn như chẳng hề có chuyện gì xảy ra với mình.


Rồi ông nói thêm: “Thiệt là, mùa này tui cũng biết chắc mình phải mua gạo ăn!”. Hỏi ông chuyện tiền nong, công cán bơm nước, ông lại cười trừ: “Nhà nông mà, ai cũng nghèo cũng khổ cả nên không ai có tiền ngay để trả cho mình đâu, tui để nợ nhiều lắm!”.


Nối ống dẫn nước và vô dầu máy chuẩn bị bơm nước giữa đêm khuya tối đen như mực.


Theo ông đi bơm nước trong đêm khuya khoắt, nhìn hai mắt sâu hõm và tấm thân phờ phạc của ông, lòng tôi chợt đọng lại chút dư âm trước tấm lòng thơm thảo mà đáng quý. Bà con làng nghèo trong lúc lơ lửng miếng ăn vẫn giữ được “hũ gạo” là mừng thật. Nhưng cũng cần nhớ rằng, ngày và đêm ngoài đồng ruộng nắng cháy, tối đen kia vẫn có một con người như thế! Và dù có máy bơm nước to nhất làng nhưng vụ hè thu này, hơn 7 sào lúa đương đòng của “Tùng bơm nước” vẫn chết queo đơ!



Bài và ảnh:Mộc Họa Ca

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN