Người dân Thủ đô không còn sợ hầm bộ hành

Cách đây không lâu những công trình hầm bộ hành tiền tỷ là nỗi "ám ảnh" của người dân Thủ đô Hà Nội. Tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh, thậm chí trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội tại các hầm bộ hành trên các tuyến đường giao thông trọng điểm không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn gây bức xúc trong dư luận.

Đã một thời các hầm bộ hành gắn với hình ảnh không dành cho người đi bộ. Ảnh: TTXVN


Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhếch nhác tại các hầm bộ hành thời gian trước đây, ông Nguyễn Đức Giang, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Duy tu - Hạ tầng Giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc các chủ đầu tư chậm bàn giao các hầm bộ hành cho Hà Nội là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Thời điểm năm ngoái, năm kia, người dân bức xúc về việc một số hầm bộ hành chậm đưa vào khai thác dẫn tới tình trạng nhếch nhác không đảm bảo mỹ quan đô thị. Năm trước, ba hầm bộ hành khu vực trường đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, nút Mai Dịch - Phạm Văn Đồng và nút gần Trung tâm hội nghị Quốc gia trên đường vành đai ba mới đưa vào sử dụng.

Ban quản lý dự án Thăng Long giải thích, lý do chậm đưa vào sử dụng 3 hầm này là vì tại thời điểm thi công, giá có nhiều biến động, các đơn vị thi công yêu cầu điều chỉnh giá khiến chậm tiến độ. Bên cạnh đó, việc cấp vốn cũng không kịp thời.

Trước bức xúc của người dân về việc chậm đưa vào khai thác hầm bộ hành này, Sở Giao thông Vận tải đã nhắc nhở nhiều lần cần đẩy nhanh tiến độ thi công vì tốc độ đô thị hóa nhanh, lưu lượng người dân tham gia giao thông lớn. Với sự phối hợp đôn đốc của Sở Giao thông Vận tải và Bộ Giao thông Vận tải, đến tháng 9/2014 cả ba hầm bộ hành trên đã đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tốt.

Hiện Hà Nội đã đưa vào khai thác 100% các hầm bộ hành và triển khai biện pháp nâng cao công tác quản lý, duy tu, khai thác, sử dụng hầm, bước đầu tạo sự tin tưởng của người dân. Qua kiểm tra, các hầm bộ hành đã được đưa vào khai thác hiệu quả, đơn vị quản lý duy trì luôn đảm bảo thoáng, đủ ánh sáng, an toàn trong hầm.

Theo số liệu quản lý hiện tại, hiệu suất của các hầm bộ hành ở Hà Nội có từ 500 đến 5.000 lượt người qua lại hầm/ngày đêm, cao nhất là hầm bộ hành khu vực bến xe Mỹ Đình có 3.000 - 5.000 lượt người qua lại/ngày đêm. Ban quản lý dự án Duy tu - Hạ tầng Giao thông cùng Công ty công trình giao thông Hà Nội, Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 2 Hà Nội đã thực hiện duy tu, duy trì các hầm.

Hệ thống chiếu sáng, thông gió, bơm nước trong hầm được tăng cường, chốt trực vệ sinh hầm, hướng dẫn giao thông giúp đỡ người tàn tật qua hầm. Tình hình trật tự trị an và các thông tin liên quan đều được phản ánh với đơn vị quản lý và ban quản lý dự án để xử lý kịp thời. Người dân đã cảm thấy hài lòng bởi tính tiện ích của những công trình giao thông này.

Dạo qua các hầm bộ hành khu vực Ngã Tư Sở, khu vực đối diện bến xe Mỹ Đình và trên Quốc lộ 32, các công trình đã thực sự phát huy hiệu quả. Công trình được quản lý, bảo vệ và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đảm bảo công năng, tiện ích sử dụng. Người dân không còn ngần ngại khi phải xuống hầm như trước đây, đã bắt đầu quen với hình thức đi lại này.

Chị Nguyễn Thu Hương, sinh viên trường Trung cấp Tài chính bày tỏ, chị thường xuyên qua lại tại hầm bộ hành này và thấy hầm sạch sẽ, đông người đi lại. Trước đây, khi chưa có hầm, người dân phải băng qua đường trong tình trạng xe cộ đi lại dày đặc rất nguy hiểm. Việc di chuyển bằng hầm bộ hành đảm bảo an toàn cho mọi người. Chị mong muốn tại Việt Nam có thêm nhiều các công trình như vậy.

Để phát huy hiệu quả công trình, Ban quản lý dự án Duy tu - Hạ tầng giao thông, đơn vị quản lý cầu đường địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên ngành Giao thông - Thanh tra Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương và công an trật tự trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm lòng đường, vỉa hè, góp phần lập lại trật tự, đường thông, hè thoáng, đặc biệt là tại các nút giao thông trọng điểm, vị trí cửa hầm, cầu thang lên xuống cho người đi bộ; thiết lập đường dây nóng với cơ quan công an khu vực để phối hợp xử lý các tình huống kịp thời và tại các hầm được bố trí bảo vệ trực 24/24.

Một bảo vệ tại hầm bộ hành Ngã Tư Sở cho biết, trực ở phòng điều hành có thể giám sát được mọi hoạt động bên trong hầm nên xử lý kịp thời những bất trắc xảy ra. Các công trình hầm bộ hành đã tạo được sự thuận lợi, an toàn cho người đi bộ nên hiệu suất sử dụng của các hầm này ngày càng cao. Tuy nhiên, tình trạng người tham gia giao thông vứt rác xuống hầm làm mất vệ sinh vẫn tồn tại, hay người dân còn bày bán hàng quán bên cửa hầm.

Ban Quản lý dự án Duy tu - Hạ tầng Giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được thành phố và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giao quản lý 23 hầm cho người đi bộ; riêng đường vành đai ba có 17 hầm, đường 32 từ cầu Diễn ra đường 70 có 4 hầm, trong nội thành có hai nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt giao với đường Giải Phóng và hầm Ngã Tư Sở.

Để các hầm bộ hành phát huy hiệu quả, các lực lượng chức năng cũng tăng cường xử lý đối với người tham gia giao thông sang đường không đúng quy định; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông sử dụng cầu, hầm đi bộ, góp phần phát huy hiệu quả hệ thống cầu, hầm đi bộ.

Tuyết Mai (TTXVN)
Thưởng thức bò tươi tại Hà Nội
Thưởng thức bò tươi tại Hà Nội

"Quán bò tươi", nhà hàng thứ hai nằm trong chuỗi nhà hàng của Paradise Hotels & Cruises, đã chính thức khai trương tại 165B Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; với mong muốn đem tới cho thực khách Thủ đô những trải nghiệm ẩm thực độc đáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN