Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL

Chiều 20/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi Họp báo thường kỳ quý 3 trong đó trọng tâm thông báo về hội nghị của Chính phủ về Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 2 ngày 26 và 27/9 tại Thành phố Cần Thơ sẽ diễn ra Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Hội nghị sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Vùng đồng bằng đang và sẽ chịu các tác động của quá trình phát triển nội tại, của biến đổi khí hậu và các hoạt động của khu vực thượng nguồn. Những ưu thế về tự nhiên cho phát triển và đảm bảo cho sinh kế của người dân trước đây và hiện nay của vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thay đổi, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng. Do đó, cần xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, Tiểu vùng sông Mê Công. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 9253/VPCP-NN ngày 30/08/2017 về việc chuẩn bị tổ chức các Hội nghị về biến đổi khí hậu và Hội nghị các nhà tài trợ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và đi đến phương án thống nhất về việc tổ chức Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trăn trở nhằm đưa ra các quyết sách, các mô hình để phát triển ĐBSCL. “Đồng bằng SCL không chỉ nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mà bạn bè Quốc tế cũng rất quan tâm đến sự phát triển của khu vực này trong bối cảnh thích ứng với BĐKH”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng, với đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước, với sự đóng góp của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý và các nhà tài trợ… Hội nghị sẽ tập hợp được trí tuệ, phát huy sáng kiến, nhận diện đầy đủ, có hệ thống trên cơ sở khoa học, sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, kế thừa được của cả các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương và kinh nghiệm phát triển của các nước trên Thế giới để áp dụng vào xác định mô hình phát triển cho ĐBSCL.

Hội nghị nhằm giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương ĐBSCL định hình các nhóm giải pháp chiến lược để chuyển đổi có quy mô lớn, toàn diện nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.

Đồng thời thảo luận về cơ chế điều phối hiệu quả cho việc thực hiện các hoạt động có quy mô lớn, mang tính chất liên vùng và liên ngành tại ĐBSCL; Xác định nhu cầu nguồn lực cho việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL; các giải pháp huy động từ các nguồn khác nhau bao gồm cả ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ quốc tế và sự tham gia của khối tư nhân; và cơ chế điều phối nguồn lực phù hợp để thực hiện chuyển đổi…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết thêm, quan điểm của Bộ là quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là nhất quán, không vì sự phát triển mà chấp nhận hi sinh môi trường. Việc tìm mô hình phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL sẽ có tiếng nói của người dân. 

“Sẽ có những người đại diện tiếng nói của nhân dân như Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, đại diện địa phương... tham gia góp ý về vấn đề này. Bất cứ công việc lớn lao nào cũng cần chia sẻ để người dân thực hiện như quyết sách hội nghị, quy hoạch ĐB SCL cần công bố để đại diện người dân hiểu và góp ý cũng như có  giám sát”, Bộ trưởng Hà cho biết. 

Hội nghị dự kiến được tổ chức trong 02 ngày, bao gồm 01 ngày dành cho các Phiên thảo luận chuyên đề nhằm định hình chiến lược phát triển, nhu cầu và giải pháp về nguồn lực và 01 ngày tiếp theo dành cho Phiên họp toàn thể do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm thảo luận và đưa ra các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện.

Trang Thu/ Báo Tin Tức
Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài cuối: Chuyển đổi sinh kế và quản trị nguồn nước
Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi - Bài cuối: Chuyển đổi sinh kế và quản trị nguồn nước

Theo ông Trần Hòa Hợp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang), phần lớn cư dân vùng lũ của thị xã này đều có nghề phụ vào mùa nước nổi như giăng lưới, thả câu, dặt dớn… bắt cá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN