Người dân bức xúc vì xe tải trọng lớn gây hư hỏng đường

Tỉnh lộ 242 thuộc địa phận xã Minh Tiến và Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn được Nhà nước đầu tư từ năm 2008, sau khi hoàn thành, việc đi lại, giao lưu hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khai thác đá sử dụng nhiều xe trọng tải lớn đã khiến tuyến đường bị “băm nát”.

Hiện tại, toàn bộ tuyến đường hơn 10 km đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, việc khai thác đá gây ô nhiễm môi trường khiến người dân quanh vùng rất bức xúc.

Bức xúc của người dân

Đỉnh điểm của sự bức xúc trong nhân dân là ngày 6/5/2017, nhiều hộ dân xã Minh Tiến và Nhật Tiến đã chặn xe ô tô chở đá của Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Sơn (Công ty An Sơn). Mâu thuẫn dịu đi một phần với cuộc tiếp xúc trực tiếp ngày 11/5 giữa người dân, chính quyền và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại này, chính quyền và các doanh nghiệp mới đưa ra được lời hứa trấn an lòng dân là “sau một tháng sẽ tìm cách tưới nước cho đường đỡ bụi” còn nguyên nhân sâu xa vì sao đường hỏng, cũng như việc nổ mìn phá đá ảnh hưởng đến nhiều hộ dân đã bị lờ đi.

Tại buổi đối thoại trực tiếp ngày 11/5, ông Nguyễn Đức Hải, người dân thôn Hố Vạng, xã Minh Tiến cho biết: Do quá bức xúc, người dân chặn xe ô tô của Công ty An Sơn không cho lưu thông bởi người dân ở đây kiến nghị với chính quyền các cấp nhiều lần mà chưa được giải quyết. Ông Hoàng Trọng Cát, xã Minh Tiến, nhà sống cạnh tỉnh lộ 242 bức xúc: Cả ngày lẫn đêm, từng đoàn xe có trọng tải lớn 70-80 tấn rầm rập chở đá chạy, bụi đá bay mù mịt làm vỡ cả cửa kính của nhà dân. Hằng ngày, nhiều xe tải trọng lớn đi qua mà không bị bất cứ lực lượng nào kiểm tra, kiểm soát và xử phạt.

Các hộ dân sống gần mỏ đá còn khổ gấp nhiều lần. Bà Trịnh Thị Xuân, thôn Đồng Lão, xã Minh Tiến cho biết: Nhà bà cách Công ty An Sơn chưa đến 300 m, hằng ngày nổ mìn khói bụi bay mù mịt. Do ảnh hưởng từ việc nổ mìn, nhà bà bị nứt vỡ nghiêm trọng, ngói vỡ thường xuyên, đồng ruộng không trồng trọt được gì. Không chỉ vậy, Công ty An Sơn còn lấp một đoạn sông làm thay đổi dòng chảy dẫn đến lở vào bãi tre, đất vườn, thu hẹp diện tích canh tác của gia đình. Sự việc xảy ra đã nhiều năm nay, bà đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết.

Doanh nghiệp quanh co, chính quyền hứa hẹn

Tại buổi tiếp xúc với người dân hai xã Minh Tiến và Nhật Tiến ngày 11/5 vừa qua, trước những bức xúc của người dân, Giám đốc Công ty khai thác mỏ đá Lân Cần, ông Trần Trung Dũng cho rằng: Việc khai thác đá của Công ty được Nhà nước cấp phép. Hàng năm, doanh nghiệp đều đóng góp với Nhà nước đầy đủ các loại thuế, phí môi trường… Vì vậy doanh nghiệp đề nghị, Nhà nước cần dành số tiền đã nộp của công ty để đầu tư phục vụ trở lại cho người dân vùng ảnh hưởng.

Tương tự như vậy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Sơn Nguyễn Văn Hải khẳng định: Doanh nghiệp đã nộp thuế, phí đầy đủ cho ngân sách. Việc tưới nước cho cả đoạn đường dài là khó thực hiện vì doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí. Ông Hải nhấn mạnh: Nếu thực hiện tưới nước, chính quyền và người dân cần phải làm văn bản đề nghị. Doanh nghiệp báo cáo với tỉnh, huyện để thực hiện khi có yêu cầu và Nhà nước phải thanh toán lại toàn bộ chi phí cho doanh nghiệp.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện chính quyền hai xã Minh Tiến và Nhật Tiến, các cơ quan chức năng của huyện Hữu Lũng và đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng, Công an huyện, Phòng Tài nguyên Môi trường đều cho rằng, doanh nghiệp cần lắng nghe, tiếp thu kiến nghị để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân. Cùng với đó, đại diện các ngành chức năng cho biết sẽ tham mưu cho chính quyền triển khai các biện pháp về bảo vệ môi trường như: tăng cường kiểm ra, giám sát quy trình khai thác, xử lý môi trường của các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát tải trọng xe…

Trả lời câu hỏi của người dân có hay không chuyện bảo kê cho xe quá trọng tải chở đá, Thượng tá Đỗ Đình Chiến, Phó Trưởng Công an huyện Hữu Lũng cho biết sẽ kiểm tra lại. Xe chở đá vượt quá trọng tải rất khó phát hiện vì việc cân xe để kiểm tra trọng tải là rất khó. Cảnh sát Giao thông của huyện mỏng, phải phụ trách nhiều việc, không thể thường xuyên kiểm soát hết được các tuyến đường.

Tương tự như vậy, trước câu hỏi việc nổ mìn phá đá, nghiền sàng đá và vận chuyển gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống cũng như sản xuất của người dân, Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hữu Lũng Nguyễn Vĩnh Phú cho biết, ngành sẽ tham mưu cho chính quyền tăng cường kiểm ra, giám sát quy trình khai thác, xử lý môi trường của các doanh nghiệp…

Kết thúc buổi gặp gỡ, bức xúc của người dân Minh Tiến, Nhật Tiến bước đầu tạm thời được tháo gỡ, nhưng còn đó những câu hỏi quan trọng như: Vì sao tài sản của Nhà nước là tuyến đường được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị hư hỏng chỉ sau vài năm? Môi trường ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng chục ha rừng trồng bị tàn phá? Cả một khúc sông bị đổi dòng gây xói lở… vẫn chưa được chính quyền và doanh nghiệp trả lời xác đáng.

Thái Thuần (TTXVN)
Ngành giấy hướng đến xuất khẩu, giảm ô nhiễm môi trường
Ngành giấy hướng đến xuất khẩu, giảm ô nhiễm môi trường

Ngành giấy Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao và ngày càng đổi mới công nghệ nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản xuất, đồng thời hướng đến xuất khẩu giấy bao bì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN