Người canh giấc ngủ của Bác suốt 30 năm

Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, vị tướng từng tham gia khắp các mặt trận ở Đông Dương Nguyễn Ngọc Lâm lại tiếp tục cống hiến cuộc đời mình trong nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình.

Trong bộ quân phục thường ngày, với gương mặt cương nghị của người đàn ông trưởng thành nơi trận mạc, ông Nguyễn Ngọc Lâm toát lên vẻ rắn rỏi, trầm tĩnh và bao dung ấm áp. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, từng là một người lính trẻ tham gia khắp các chiến trường Đông Dương, trải qua những trận đánh hút chết. Khi trở thành Chính ủy Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã dành gần 30 năm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng cao cả là bảo vệ, giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài của Người. Tướng Lâm luôn tâm niệm: “Dù ở cương vị nào tôi cũng phải sống sao cho xứng đáng với xương máu đồng đội đã ngã xuống, sao cho xứng đáng với những may mắn mà mình nhận được ở cuộc đời”.

Khuôn viên Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, trên những lối đi rải đá trắng và những bồn cây xanh trĩu lá, bước chân người lính già rắn rỏi và mạnh mẽ. Bên ngoài cánh cổng, từng dòng người từ khắp mọi miền đất nước xếp hàng dài vào Lăng viếng Bác. Thời tiết nắng nóng nhưng không khí ở đây vẫn yên tĩnh thư thái đến kỳ lạ. Bước chân vào nơi này, con người như để lại ngoài kia những lo lắng bon chen của đời thường. Vị tướng lại càng cảm thấy vinh dự khi từng làm công việc thiêng liêng nhất là canh giữ giấc ngủ cho Bác Hồ.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm (hàng đầu ngoài cùng bên trái) trong lần đón đoàn đại biểu Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng vào Lăng viếng Bác.

Thiếu tướng Lâm vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến Lăng Bác làm nhiệm vụ. Suốt cả quãng đường từ đơn vị cũ ra đơn vị mới, trái tim mạnh mẽ và dũng cảm trong trận mạc bao nhiêu lại bối rối, hồi hộp bấy nhiêu. Đặt bước chân đầu tiên lên Thủ đô Hà Nội, trái tim ông không biết bao lần rung lên những nhịp đập bất thường khi nghĩ về đồng đội, những người đã ngã xuống nơi chiến trường, lại đập thêm những nhịp xúc động. Ra đến Lăng Bác, thiếu tướng Lâm đã khóc như một đứa trẻ, khóc vì may mắn trở về và quan trọng hơn là khóc vì một nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả, rồi đây ông sẽ rèn luyện, phấn đấu sao cho xứng đáng với công việc vô cùng vinh dự này. Đêm đầu tiên trong buổi trực ban tác chiến tại công trình Lăng Bác là một đêm cuối thu 1981. Các công nhân vào ca trực ai cũng nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ. Lần đầu tiên mặc bộ lễ phục thật trang nghiêm, đến buồng trực nào kiểm tra, ông cũng đều bắt gặp những nụ cười và sự chăm chỉ chu toàn của những công nhân trực. Cả công trình Lăng như một nhà máy, mỗi con người ở một vị trí lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Khi đó ông Lâm nhớ lại ngày cùng đơn vị giữ chốt ở một điểm cao thuộc tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên. Khi nghe bản tin đặc biệt trên Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cả đơn vị bàng hoàng đau xót, mọi người làm lễ truy điệu Bác tại chiến hào trong cơn mưa tầm tã. Nước mắt ướt đẫm những gương mặt sạm đen dầm mưa dãi nắng đang trong những ngày chiến đấu ác liệt.

Hằng ngày tiếp xúc với những tình huống, những câu chuyện cảm động, ông như nhận thêm bài học quý từ con người, cuộc đời. Cách đây mấy năm có một đoàn bà má miền nam tuổi trên 80, vào Lăng viếng Bác. Lần ấy, các má đã nắm lấy tay ông Lâm mà khóc rằng: “Con ơi lần đầu tiên má ra viếng Bác, má khóc nhiều quá nên khi qua chỗ Bác nằm không nhớ được mặt Bác, con cho má nhìn lại một lần nữa thì về đến nhà có chết cũng mãn nguyện”.

Có những thương binh nặng bị liệt cột sống không thể đi được, mong muốn được một lần gặp Bác. Đơn vị cử 4 chiến sĩ tiêu binh cáng những người đó đặt nằm nghiêng mặt hướng về phía Bác, được nhìn thấy Bác, những người thương binh cùng khóc nấc lên.

Hay những đoàn thương binh mù cả hai mắt khao khát được vào Lăng viếng Bác. Khi đứng gần linh cữu Bác, tất cả họ đều khóc òa: “Chúng con không được nhìn thấy Bác, nhưng đứng đây cũng mãn nguyện lắm rồi!”.

Mới đó mà đã 30 năm trôi qua, công việc bảo vệ Lăng trải qua biết bao sự kiện, tất cả các chiến sĩ đều nhớ nhất 2 ngày trong năm đó là ngày sinh và ngày mất của Bác. Ông Lâm cũng như những chiến sĩ bảo vệ Lăng luôn tâm niệm “vinh quang và tự hào khi được đứng canh giấc ngủ của Người”.

Đến nay, đã nghỉ hưu, song ông Lâm vẫn lưu giữ những kỷ niệm về thời trận mạc hào hùng và những năm tháng vinh dự giữ gìn thi hài của vị cha già dân tộc.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm tâm sự: “Như mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, tôi cảm thấy bồi hồi xúc động khi vinh dự đến Lăng Bác nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người. Nhìn dòng người xếp hàng dài chờ viếng Bác, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì Việt Nam có Bác Hồ, và cảm thấy rằng mặc dù Bác đã đi xa nhưng vẫn như đang ngủ trong Lăng vậy. Mong rằng Lăng Bác ngày càng được tôn tạo, trường tồn để các thế hệ con cháu được vào thăm Bác”.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm sinh năm 1950 trong một gia đình nông dân nghèo. Với 13 năm chiến đấu ngoài chiến trường ác liệt, năm 1972 mới 22 tuổi ông đã giữ chức Chính trị viên phó tiểu đoàn 1, Trung đoàn 207 (quân khu 8). Ông có 48 tuổi quân, 47 tuổi Đảng, 30 năm làm nhiệm vụ bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tuấn Anh
Hồ Chủ tịch với cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên
Hồ Chủ tịch với cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và ngay sau lễ Độc lập, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Chính phủ lâm thời, đề ra các nhiệm vụ cấp bách, trong đó Bác đề nghị Chính phủ tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN