Người bệnh đã tin bệnh viện tuyến dưới

Các bệnh viện tuyến quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh trước đây chủ yếu tiếp nhận sơ cấp cứu, khám và điều trị những bệnh thông thường… bởi các trang thiết bị, cơ sở vật chất và cả đội ngũ y bác sĩ thiếu thốn. Thế nhưng, chỉ 2 - 3 năm trở lại đây, các bệnh viện tuyến cơ sở này đã “thay máu”, khi có thể đảm nhận nhiều ca cấp cứu nguy hiểm, điều trị thành công nhiều ca bệnh khó đòi hỏi kỹ thuật hiện đại và ê kíp y bác sĩ lành nghề.


Tự giải quyết nhiều ca bệnh khó

Sáng sớm ngày đầu tuần, bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh rất đông tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện quận Thủ Đức không kém gì bệnh viện tuyến trên. Chị Trần Thị Ngọc Linh (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) đang ngồi chờ tới lượt khám cho biết, chị bị thoát vị đĩa đệm, trước kia, hay lên Bệnh viện Chợ Rẫy khám, nhưng kể từ khi biết ở Bệnh viện quận Thủ Đức cũng có các kỹ thuật và điều trị được bệnh của mình, chị đã tới đây khám và quyết định mổ tại bệnh viện này luôn. “Trước đây tôi cứ nghĩ bệnh viện ở quận, huyện chỉ khám những bệnh thông thường thôi, không nghĩ là khám và điều trị cả những bệnh phức tạp như của tôi. Khám ở đây vừa gần nhà, vừa không phải chờ đợi lâu, mà còn được thanh toán bảo hiểm y tế nữa”, chị Linh cho biết.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên các bệnh viện tuyến quận, huyện đã dần thay đổi và thu hút người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết: “Nếu như trước đây, những ca bệnh khó, bệnh viện thường chuyển lên bệnh viện tuyến trên, thì nay nhiều ca bệnh khó đã được điều trị thành công tại bệnh viện”. Để có được những chuyển biến tích cực này, bệnh viện đã chú trọng phát triển theo hướng đa khoa chuyên sâu, trong đó phát triển các chuyên khoa kỹ thuật cao như phẫu thuật chấn thương sọ não, bướu não, thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống... “Bệnh viện đã đưa vào sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như CT Scan, máy mổ nội soi, máy kỹ thuật số, máy xét nghiệm huyết học - sinh hóa miễn dịch. Bên cạnh đó còn xây dựng khu chẩn đoán kỹ thuật cao với hệ thống máy móc hiện đại thế hệ tự động mới, tự động thực hiện tất cả các xét nghiệm với chất lượng chẩn đoán chính xác, trả kết quả nhanh không mất nhiều thời gian”, bác sĩ Quân cho biết thêm.

Nhờ có phương tiện kỹ thuật và con người được đầu tư, mới đây Bệnh viện quận Thủ Đức đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 1 cứu sống một bé gái nhập viện trong tình trạng ngưng thở. Đây được xem là một trong những ca bệnh khó nhất được thực hiện thành công ở một bệnh viện tuyến cơ sở như Bệnh viện quận Thủ Đức.

Không chỉ Bệnh viện quận Thủ Đức có thể “giải quyết” các ca bệnh khó, nhiều bệnh viện tuyến cơ sở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay có thể “chia sẻ” với các bệnh viện tuyến trên. Tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, nếu như trước kia các xử lý kỹ thuật như mổ lấy con, mổ tiểu phẫu... người bệnh phải vượt hàng chục cây số, qua phà để đến các bệnh viện tuyến thành phố điều trị, thì nay người dân có thể an tâm điều trị tại bệnh viện huyện. Hay tại Bệnh viện quận 2 mới đây cũng đã xử trí và cứu sống một sản phụ băng huyết. Sản phụ này nhập viện trong tình trạng vỡ ối chuyển dạ sớm.

Ngay sau khi sinh, sản phụ có biểu hiện đờ tử cung, băng huyết. Các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời giúp tình trạng băng huyết ổn định, tử cung co hồi tốt. Tuy nhiên, sáng hôm sau, bệnh nhân đột nhiên khó thở, huyết áp tăng cao, gan lớn và tim có biểu hiện tiếng thổi bất thường. Ngay lập tức lãnh đạo bệnh viện đã điều động các khoa phòng hội chẩn và cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân. “Nhờ triển khai được nhiều kỹ thuật điều trị mới, thu hút được nhân lực có chuyên môn cao nên số bệnh nhân tăng nhanh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến đến 90%, bệnh viện có 250 giường với 20 khoa phòng chuyên môn được trang bị máy móc hiện đại”, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, cho biết.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước đây công suất giường bệnh của các bệnh viện tuyến quận, huyện chỉ đạt 50 - 60%, sau một thời gian thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như khoa khám bệnh vệ tinh, Đề án 1816, luân chuyển cán bộ y tế, nâng hạng bệnh viện... đến nay các bệnh viện tuyến cơ sở đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Cụ thể như Khoa Nhi của Bệnh viện quận Bình Tân trước đây có 30 giường bệnh nhưng chỉ có 1 - 2 bệnh nhân, sau một thời gian Bệnh viện Nhi Đồng 1 xuống xây dựng khoa vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật thì bệnh viện đã có 150 giường bệnh nhi và công suất lúc nào cũng gần 100%.

Còn tại Bệnh viện quận 2, nhờ kết nối với một loạt bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối như: Từ Dũ, Trưng Vương, Ung Bướu, Nhi Đồng 2... Bệnh viện quận 2 đã mở 8 phòng khám vệ tinh, khoa Nhi vệ tinh và khoa Ung bướu vệ tinh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng xây dựng được 2 phòng khám bác sĩ gia đình. Không những thế, bệnh viện còn tăng cường công tác giao tiếp ứng xử, cải tiến quy trình khám chữa bệnh nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Từ đó, bệnh viện đã tạo được sự tin tưởng của người dân, lượt khám bệnh ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám và điều trị cho 1.200 - 1.400 bệnh nhân trong khi trước đó chỉ khoảng 300 lượt bệnh nhân khám/ngày.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhờ triển khai qui trình chủ động phối hợp và hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên thành phố với bệnh viện quận huyện, triển khai qui trình phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh tại mỗi bệnh viện và liên viện… bước đầu cứu sống nhiều trường hợp nặng và tạo niềm tin cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại một số bệnh viện quận, huyện. Điều này đã góp phần vào việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên theo mục tiêu mà ngành y tế đề ra.

“Bên cạnh tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện quận, huyện, Sở Y tế đã cho ra mắt trang web về kho dữ liệu phác đồ điều trị của các bệnh viện tuyến cuối của thành phố để làm cơ sở cho các bệnh viện quận, huyện xây dựng và thống nhất phác đồ điều trị trong toàn ngành. Song song đó, Sở Y tế sẽ định hướng phát triển cho các bệnh viện quận, huyện đảm bảo bao phủ mô hình bệnh tật phổ biến của địa phương, phù hợp vị trí địa lý của bệnh viện và phát triển thêm các chuyên khoa quá tải kéo dài ở các bệnh viện chuyên khoa của thành phố như: sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu”. Ông Tăng Chí Thượng


Bài và ảnh: Đan Phương
Bệnh viện Việt Đức - Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên về ngoại khoa
Bệnh viện Việt Đức - Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên về ngoại khoa

Gần 110 năm (1906 - 2015) xây dựng và phát triển, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bộ Y tế) tại Hà Nội, “cái nôi” của ngành ngoại khoa Việt Nam là một trung tâm phẫu thuật lớn nhất của cả nước gắn liền với tên tuổi nhà phẫu thuật nổi tiếng Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng phương pháp cắt gan khô mang tên ông đã được phổ biến rộng rãi trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN