Ngư dân bỏ cảng hiện đại sang 'bến tự phát'

Cảng cá Vĩnh Trường (phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang) đã đóng cửa được gần 3 tháng theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Thế nhưng, việc di dời tàu thuyền và vựa cá vốn hoạt động ở cảng cá Vĩnh Trường sang cảng cá Hòn Rớ nằm ở phía đối diện (thuộc xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang), vẫn còn bất cập.

Bến tạm nhộn nhịp, bến hiện đại đìu hiu

Bến cá tự phát mới ở Vĩnh Trường. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn

Để chuẩn bị cho việc đóng cảng cá Vĩnh Trường, từ giữa năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản thông báo về việc chấm dứt hoạt động cảng cá này và di dời toàn bộ hoạt động về cảng cá Hòn Rớ. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định số 3436/QĐ-UBND, về việc đóng cảng cá Vĩnh Trường từ ngày 1/1/2017 với lý do cảng cá này đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định.

Theo lãnh đạo phường Vĩnh Trường, địa phương hiện có gần 500 tàu cá, chủ yếu là tàu cá công suất nhỏ làm nghề khai thác hải sản gần bờ. Hiện nay, nghề đi biển và hậu cần nghề này tạo việc làm và thu nhập cho khoảng trên 70% trong tổng số hơn 18.000 người dân Vĩnh Trường. Điều này cho thấy, việc di dời tàu thuyền và hậu cần nghề cá ở Vĩnh Trường sang cảng cá Hòn Rớ, ít nhiều ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm người dân.

Sau gần 3 tháng có chủ trương di dời sang cảng cá Hòn Rớ, ngư dân Vĩnh Trường cho rằng, cảng cá Hòn Rớ chưa phù hợp cho nghề khai thác hải sản gần bờ vốn mang tính nhỏ lẻ. Vì vậy, phần lớn số hộ làm nghề đi biển ở Vĩnh Trường đã không sang cảng Hòn Rớ, mà hoạt động ở bến cá mới được xây dựng gần cảng cá cảng Vĩnh Trường đã đóng cửa.

Bến cá mới có diện tích khoảng 1.000m2, mặt bến được đổ bê tông, phía ngoài có kè làm bằng những tảng đá lớn, còn lại chưa có hệ thống điện, nước, mái che và ban quản lý. Bến cá mới này đi vào hoạt động gần với thời điểm cảng cá Vĩnh Trường đóng cửa. Theo Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, bến cá mới là “bến cá tự phát”. Còn chính quyền và người dân Vĩnh Trường lại cho rằng, bến cá mới được xây dựng theo đúng chủ trương đã được phê duyệt, đây cũng là cơ sở để bến cá mới hoạt động.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Trường khẳng định, bến cá mới không phải là “bến cá tự phát”. Chính quyền địa phương và người dân địa phương rất bức xúc khi thời gian qua, cơ quan chức năng gọi bến cá mới là “bến cá tự phát”. Bởi gọi như thế là đổ lỗi cho chính quyền địa phương buông lỏng quản lý và người dân tự ý lập ra bến cá mới này.

Lý giải cho việc bến cá mới không phải là “bến cá tự phát”, ông Cường cho biết, bến cá mới được xây dựng đúng với chủ trương đã được UBND thành phố Nha Trang thống nhất, theo công văn số 6506/UBND-VP, ngày 11/11/2016. Bên cạnh đó, bến cá mới này do một công ty đầu tư xây dựng, chứ không phải người dân địa phương tự ý làm.

Bến cá mới được xây dựng tạm nhưng luôn nhộn nhịp, khi hoạt động từ khoảng 1h đến 15h hàng ngày. Ngược lại, khu vực cầu cảng Hòn Rớ dành cho ngư dân Vĩnh Trường sang hoạt động mới được xây dựng, có mái che, hệ thống điện, nước, vệ sinh môi trường đầy đủ, lại luôn trong cảnh đìu hiu.
 
Ngư dân Lê Văn Chót, 43 tuổi, tổ 2, phường Vĩnh Trường, làm nghề mành ở gần bờ cho biết, tàu cá của ngư dân Vĩnh Trường chủ yếu có công suất nhỏ nên không thể cập cảng Hòn Rớ. Vì cầu cảng này quá cao, được thiết kế dành cho tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Chuyến biển gần bờ, đi về trong ngày, nhiều thì được vài chục cân cá nhỏ, ít thì được vài cân, khi về bến cá mới là đưa cá lên bờ và bán được ngay, chứ ở bên cảng Hòn Rớ phải chờ lâu hơn và rồi trả phí nữa. Bên cạnh đó, vùng nước đoạn qua bến cá mới và cảng Hòn Rớ có cồn cát, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa tàu thuyền qua lại.

Ông Võ Phi Hòa, 40 tuổi, tổ 2, phường Vĩnh Trường, làm nghề vận chuyển hải sản ở bến cá mới cho biết, người dân làm dịch vụ ở bến cá mới phần nhiều là buôn bán nhỏ với vài chục cân cá, tôm, mực mỗi ngày. Nếu họ sang bên cảng cá Hòn Rớ, phải trả tiền thuê mặt bằng và các loại phí khác, như vậy sao có lãi được nữa. Bên cạnh đó, ở bến cá mới còn có hàng trăm lao động nghèo làm những việc như: vận chuyển, phân loại hải sản, vệ sinh bến cá… thu nhập vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Nếu tàu thuyền của Vĩnh Trường sang bên cảng cá Hòn Rớ, số lao động này sẽ không biết phải làm gì để mưu sinh.

Cần có sự đồng thuận

Để thu hút ngư dân Vĩnh Trường sang cảng cá Hòn Rớ, từ ngày 10/3 – 31/5/2017, Trung tâm Quản lý Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa thực hiện chính sách hỗ trợ cho bà con. Theo đó, trong thời gian này, Trung tâm không thu tiền sử dụng dịch vụ cảng, tiền sử dụng mặt bằng có mái che, không có mái che, tiền thuê máy cẩu để cẩu hàng hóa từ tàu cá lên mặt cầu cảng và tiền vệ sinh cảng đối với ngư dân, các hộ kinh doanh hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá, khi từ Vĩnh Trường sang hoạt động tại cảng Hòn Rớ.

Thế nhưng, đến nay tình hình ở khu vực cầu cảng Hòn Rớ dành cho ngư dân Vĩnh Trường vẫn không có nhiều chuyển biến. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, ông Lê Hải Dũng, cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, bố trí khu vực cho bà con ở Vĩnh Trường, sang cảng cá Hòn Rớ hoạt động. Nhưng được vài ngày, các chủ tàu, vựa cá về lại Vĩnh Trường hoạt động ở bến cá mới. Bến cá mới ở Vĩnh Trường hiện nay hoạt động tấp nập, do thuận tiện cho bà con như: gần nhà, có nhiều người thu mua hải sản…

Cũng theo ông Lê Hải Dũng, về lâu dài vẫn phải đưa tàu thuyền, vựa cá của Vĩnh Trường sang hoạt động ở cảng cá Hòn Rớ. Vì cảng cá này đáp ứng đủ các cá điều kiện cần thiết. Trung tâm cũng kiến nghị cơ quan chức năng, nạo vét cồn cát nằm giữa vùng nước đoạn qua bến cá mới và cảng Hòn Rớ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đưa tàu thuyền qua lại. Về mặt quản lý, khi bến cá có đủ các điều kiện mới được công bố mở bến để hoạt động, trong khi bến cá mới ở Vĩnh Trường chưa đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Bá Thuận, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường cho rằng, việc di dời toàn bộ tàu cá, vựa cá của Vĩnh Trường sang cảng Hòn Rớ là chưa phù hợp với nguyện vọng của người dân. Vì chỉ có vựa và tàu cá lớn mới qua cảng Hòn Rớ được, còn vựa và tàu cá nhỏ không qua được. Tàu cá nhỏ hành nghề đánh bắt hải sản nhỏ lẻ nên cần có bến cá tại địa phương để giao dịch.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuận, địa phương đã có tờ trình gửi UBND thành phố Nha Trang cho ý kiến về việc, thành lập Ban Quản lý bến cá mới để tổ chức và giám sát các hoạt động ở bến cá này theo đúng quy định. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh không đồng ý với chủ trương này.

Ngư dân và những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Vĩnh Trường cũng mong muốn được hoạt động và buôn bán lâu dài ở bến cá mới. Ông Nguyễn Hưởng, 46 tuổi, hàng ngày trông coi vật dụng và vệ sinh bến cá mới Vĩnh Trường cho biết, người dân có chung nguyện vọng là được hoạt động ở bến cá mới. Và bến cá mới sớm được đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tổ chức quản lý. Qua đó, giúp bà con yên tâm mưu sinh bằng nghề đi biển, vốn đã gắn bó từ rất lâu với người dân Vĩnh Trường.

Nguyên Lý (TTXVN)
Cần xem xét lại việc thu phí ở Cảng cá Cửa Sót
Cần xem xét lại việc thu phí ở Cảng cá Cửa Sót

Hơn tháng nay, người dân ở các xã biển ngang huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cũng như xã Thạch Kim rất bức xúc trước việc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh triển khai thu phí, lệ phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN