Nghịch cảnh vé xe Tết

Sáng 1/1/2014, Bến xe miền Đông (BXMĐ) tại TP Hồ Chí Minh chính thức bán vé xe ủy thác. Tuy nhiên, lượng khách đến mua tại các quầy vé ủy thác chỉ lác đác trong khi các quầy bán vé xe của các doanh nghiệp vận tải có thương hiệu lại nhộn nhịp khách mua.


Mất uy tín


Trong khuôn viên nhà điều hành của BXMĐ, từ quầy số 1 đến quầy số 16 là khu vực bến bán vé ủy thác cho các doanh nghiệp vận tải hành khách chạy các tuyến miền Trung, miền Bắc và từ quầy số 17 trở đi là quầy vé của các nhà xe tự bán vé. Thế nhưng, tại hai khu vực bán vé này lại có hình ảnh trái ngược khi một bên tập trung rất đông hành khách đến mua vé, còn một bên lại đìu hiu, vắng vẻ.

 

Hành khách tập trung mua vé tại quầy doanh nghiệp tự bán vé tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Anh Đức


Từ 7 giờ sáng đến gần 12 giờ trưa, khu vực bán vé ủy thác chỉ lác đác vài khách đến hỏi mua vé và nhân viên bán vé tại đây chỉ biết ngồi “ngáp ngắn, ngáp dài”. Nói đến tình trạng ế ẩm vé xe ủy thác, một nhân viên bán vé ủy thác của BXMĐ cho biết: “Năm nào cũng vậy, hầu hết hành khách đều thích mua vé tại các quầy tự bán vé của doanh nghiệp”.


Anh Võ Tuấn Anh, quê Nghệ An cho biết: “Năm ngoái do công việc áp lực quá nên gần sát Tết tôi mới đi mua vé xe về quê. Lúc đó vé xe của nhà xe tự bán vé đã hết nên tôi buộc lòng mua vé xe ủy thác. Từ đây về quê phải chịu cảnh nhà xe nhồi nhét, một ghế mà phải ngồi 2 - 3 người vì bắt khách thêm dọc đường. Bởi vậy ai cũng tranh thủ “săn” vé xe thương hiệu ngay từ khi có thông tin bán vé trước”.

 

Quầy vé đìu hiu trong ngày đầu tiên bán vé ủy thác tại Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Anh Đức


Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BMXĐ thừa nhận: “Hầu hết những xe bán vé ủy thác đều là xe của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, làm ăn kiểu ‘lời ăn lỗ chịu’ nên rất nhiều hành khách phản ánh tình trạng sau khi xuất bến bắt thêm khách dọc đường để chở càng nhiều càng tốt để kiếm lời. Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của bến”.


Nghịch lý thiếu thừa vé xe Tết này đều xảy ra hàng năm vì xe chất lượng cao không đủ đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách trong khi vé của bến thì lại dư thừa do không ai muốn đi bởi chất lượng phục vụ quá kém. Đã đến lúc cần phải tìm cách nâng chất lượng của xe doanh nghiệp bán vé ủy thác để đảm bảo phục vụ hành khách ngày càng tốt hơn.


Tại TP Hồ Chí Minh, do tâm lý mong muốn đi xe chất lượng cao, hiện tình trạng khan hiếm vé xe thương hiệu đã diễn ra trong tháng 12 cho đến nay. Tính đến thời điểm này, hầu hết các hãng xe có thương hiệu tại BXMĐ đã tạm thời không còn vé đi các ngày cao điểm Tết. Cũng chính từ đó, nhiều nhà xe đã tự ý nâng giá, bán vé khống.


Theo thông tin từ BXMĐ cho biết, trong những ngày cuối tháng 12, Ban quản lý Bến đã phát hiện nhiều vi phạm như: Nhà xe Bình Tâm bán giá vé cao hơn so với quy định, nhà xe Hoàng Long chưa kê khai giá cước cho cơ quan chức năng mà đã bán cho khách, nhà xe Đạt Thành không xuất vé hợp lệ bằng cách ghi biên nhận thu tiền cọc gần bằng giá vé để không xuất hóa đơn…


Không phải chen lấn


Tại Hà Nội, trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát Vương Duy Toàn cho biết: Do lượng hành khách đăng ký mua vé xe khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ tập trung chủ yếu qua bến xe Giáp Bát, bến xe hiện đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé từ 20 - 60%. Trong đó tăng nhiều nhất là hãng xe Hải Vân (Đà Nẵng) tăng từ 380.000 lên 610.000 đồng/vé áp dụng từ ngày 31/1 - 15/2/2014, hãng xe Thuận Phát (Nam Định) tăng từ 70.000 – 100.000 đồng/vé từ 29/12 - 2/1/2014 và 21/1 - 9/2/2014... do đây là các tuyến có đông khách đăng ký mua. Các doanh nghiệp này đăng ký giá vé tăng cao với lý do chiều về của các tuyến này thường chạy xe không, trong khi giá nhiên liệu và phụ phí tăng mạnh vừa qua theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.


Còn ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cũng cho biết: Bến đã có 9 doanh nghiệp đăng kí tăng giá vé, nhưng với mức tăng cao nhất chỉ tới 18%. Dịp Tết năm nay, hành khách đăng ký mua chủ yếu trên các tuyến ngắn.


Dự kiến lượng khách đi lại vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sẽ tăng trung bình so với năm trước từ 20 - 40% và tăng từ 30 - 50% so với ngày thường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Bến xe Hà Nội khẳng định: Việc thiếu vé xe, thiếu xe sẽ không còn là “nỗi ám ảnh” cho hành khách như những năm trước do các bến xe đều chủ động tăng mạnh lượng xe. Hành khách đều có thể yên tâm vào bến mua bất cứ thời gian nào trong dịp cao điểm và thông qua bảng điện tử được bố trí tại các bến, hành khách có thể dễ dàng tra cứu tuyến xe, thời gian chạy, giá vé…


Để tránh hiện tượng tranh giành khách, lấy tiền quá giá quy định, các bến xe đã tổ chức ký cam kết với từng lái xe phục vụ trên bến bảo đảm không thu tiền cao hơn giá vé đã đăng ký, không chở quá số ghế quy định… Những trường hợp nhà xe tự ý tăng giá vé, bán vé không đúng với giá đã đăng ký sẽ bị xử lý theo quy định. Các bến cũng kiên quyết không cho xuất bến với các xe không đủ tiêu chuẩn, chở quá tải, hàng hóa lẫn với hành khách, chủ phương tiện uống bia rượu hoặc sử dụng các chất kích thích...


Anh Đức - Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN