Nghe một tiếng “Thưa thầy!”

Mỗi lần đi trên đường, nghe tiếng “Thưa thầy” bất chợt cất lên, tôi thấy lòng trào dâng một niềm vui rất lạ. Có một sự vinh dự, vừa thân thương lại vừa thiêng liêng biết mấy trong tiếng thưa của một học sinh nào đó dành cho mình. Dù tôi bây giờ không phải là một giáo viên. Thường thì tôi chào lại, lúc vội quá thì vẫy tay để các em biết là mình đã nghe được. Nếu rảnh rỗi và cùng đường đi, tôi cũng thường hỏi thăm các em dăm ba câu về chuyện học hành, trường lớp, gia đình.

Học Sư phạm Ngữ văn, khi ra trường, qua 2 đợt thực tập sư phạm, số học trò của tôi đã từng dạy qua lên tới gần 200 người. Không có duyên với bảng đen, phấn trắng, tôi bước vào đời bằng mọi việc chân chính có thể làm trong giai đoạn lập thân không phải là dễ dàng này. Từ viết báo, làm gia sư, bán quán...v..v..., có khi quay về làm rau, làm cải với ba mẹ ở quê nhà. Vất vả nhưng tôi vẫn vui vì những đồng tiền kiếm được là do chính sức lao động của mình. Nhưng dù đi đâu, làm gì, hình ảnh dễ thương, non nớt và đầy tinh nghịch của những em học sinh lớp 6, lớp 7 vẫn cứ ở mãi trong tôi. Không nhớ rõ mặt từng em, nhưng giọng nói, tiếng cười của các em trong những giờ tôi lên lớp vẫn tạo cho tôi một niềm phấn khởi khi nghĩ về quãng thời gian tập làm giáo viên của mình.

Có thể không phải tất cả các em bây giờ gặp lại tôi đều chào. Có em đã quên, có em thấy mà không chào, có em thậm chí còn nói những lời vô lễ. Nhưng, chỉ cần một tiếng “Thưa thầy” lâu lâu xuất hiện khi tôi đang đi trên đường, đang làm việc là đủ cảm thấy ấm lòng rồi. Tôi không có quyền buộc tất cả các em đều phải chào tôi với tư cách thầy trò. Tôi chỉ thầm cảm ơn những em nào vẫn còn tin tưởng, vẫn còn nhớ và nghĩ về tôi như một người thầy. Điều ấy đáng quý biết bao.

Các em làm tôi nhìn lại mình một cách nghiêm khắc. Tôi ra đời, gặp lại biết bao nhiêu thầy cô đã dìu dắt mình suốt quãng đời học sinh, sinh viên. Nhưng thành thật mà nói, có mấy khi cất lên được tiếng “Thưa thầy, thưa cô”. Có nhiều lý do để tôi ngụy biện. Có thể vì giận một điểm kém trong đợt thi học kỳ nào đó... Nhưng rõ ràng, tôi quá vô tâm. Khi không cất lên tiếng “Thưa thầy, thưa cô”, chợt thấy mình là kẻ vô ơn...

Một tiếng “Thưa thầy” với những người từng dạy mình, những tình cảm dù rất nhỏ nhưng chân thành của học sinh đối với giáo viên mới thật là đáng quý. Chính các em đã khơi lại niềm tin, động viên và nhắc nhở một cách chân thành và nghiêm túc nhất cho những thầy cô, cho những người có trách nhiệm phải nhìn lại mình, nhìn lại cách giáo dục của mình.

Sẽ không có gì đáng quý hơn là một tiếng “Thưa thầy, thưa cô” khi chúng ta gặp lại những người dạy dỗ mình hoặc tranh thủ ít thời gian đến thăm viếng, ân cần chia sẻ cùng họ. Tôi chợt thấy thấm thía biết bao một câu mà tôi đã thuộc từ hồi lớp 1 “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đôi khi phải qua nhiều trải nghiệm trong cuộc đời, người ta mới hiểu và thực hiện được những gì biết từ rất sớm.

Nguyễn Thành Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN