Ngành y tế chưa khuyến cáo phải đóng cửa trường học do dịch tay, chân, miệng

Trước thông tin về việc một số cơ sở trường học, nhà trẻ mẫu giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phải đóng cửa trường do dịch tay, chân, miệng, ngày 21/7, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Cục trưởng có thể cho biết ý kiến trước thông tin có một số trường học, cơ sở mẫu giáo, nhà trẻ tại TP.HCM phải đóng cửa do dịch tay, chân, miệng bùng phát mạnh và lan rộng?

Tôi xin khẳng định đó là thông tin hoàn toàn không chính xác. Dịch tay chân miệng tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương... gia tăng mạnh về số người mắc, có trường hợp tử vong, song chưa đến mức phải đóng cửa hoặc cho học sinh nghỉ học. Việc các cơ sở giáo dục, nhà trẻ tại TP.HCM, trong đó có quận 8 cho đóng cửa trường học hoàn toàn là tự phát, không có bất kỳ thông báo hay ý kiến nào từ phía ngành y tế. Theo quy định thì chỉ khi nào Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố hay Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có công văn yêu cầu cho học sinh nghỉ học thì cơ sở đó mới được đóng cửa trường. Đến thời điểm này, ngành y tế chưa có ý kiến yêu cầu các trường đóng cửa và cho các cháu nghỉ học do dịch tay, chân, miệng vì dịch bùng phát.

Khám phát hiện, điều trị cho trẻ em mắc bệnh chân, tay, miệng ở bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Hữu Oai-TTXVN


Thưa Cục trưởng, vậy diễn biến của dịch tay, chân, miệng đang như thế nào?

Các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở nước ta có xu hướng gia tăng liên tiếp từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 27 của năm. Từ tuần thứ 28, số người mắc đã giảm 21,2% so với tuần trước đó, cụ thể khu vực miền Nam giảm 19,4%, khu vực miền Trung giảm 36,2%. Tuy nhiên đến nay số trường hợp mắc tay, chân, miệng trong tuần tại khu vực này vẫn cao hơn so với các khu vực còn lại và so với cùng kỳ năm 2010. Các trường hợp mắc và tử vong do tay, chân, miệng từ đầu năm đến nay tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, chiếm 80,9% số ca mắc và 89,5% số ca tử vong của cả nước. Theo báo cáo giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 20.772 trường hợp mắc tay, chân, miệng ở 47 địa phương, trong đó đã có 57 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2010, số ca mắc của cả nước tăng 3,6 lần. Tuy số ca tử vong ở Việt Nam khá cao, là 57 trường hợp trong số 20.772 trường hợp mắc, nhưng so với thế giới, số ca tử vong thông thường do dịch tay, chân, miệng mới chiếm 0,7 phần ngàn trên tổng số ca mắc.

Dự báo trong thời gian tới, số người mắc bệnh này tiếp tục gia tăng bởi từ tháng 8 đến tháng 11 ghi nhận số ca nhiễm bệnh cao hơn hẳn. Cho đến thời điểm hiện nay, công tác phòng chống bệnh tay, chân, miệng đã được đẩy mạnh tại tất cả các tuyến, bước đầu đã có hiệu quả và đang trong tầm kiểm soát của y tế các địa phương.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng. Đồng thời, ngày 20/7/2011, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã có công văn khẳng định các dịch sát khuẩn, dịch truyền thuốc hỗ trợ điều trị dịch tay, chân, miệng, đảm bảo đủ cung cấp cho các cơ sở y tế cả nước trong mọi tình huống dịch. Cục Y học dự phòng Việt Nam tiếp tục cử lãnh đạo Cục cùng nhiều chuyên gia về các vùng trọng điểm nhằm giúp địa phương tăng cường biện pháp phòng chống dịch, cung cấp cloramin cho các địa phương miền Trung và Tây Nguyên. Cục Y học dự phòng cũng đã có hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tay, chân, miệng cho người dân, đề nghị nhân dân tuân thủ triệt để nhằm ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Nhật Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN