Nâng cao năng lực kiểm nghiệm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngành an toàn vệ sinh thực phẩm: Thiếu thốn trăm bề

Hiện nay, ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thiếu trầm trọng cán bộ có năng lực, trang thiết bị kiểm nghiệm lẫn cơ sở vật chất. Đây chính là nguyên nhân khiến đến nay, khả năng cảnh báo ngộ độc thực phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

“Nhân lực cho công tác ATVSTP nói chung còn hạn chế cả về chất lượng, lẫn số lượng. Nhiều tỉnh bố trí biên chế cho Chi cục ATVSTP chưa đáp ứng nhu cầu chuyên môn, một số tỉnh chỉ có duy nhất 1 bác sĩ cho công tác này”, GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị tổng kết chương trình Mục tiêu quốc gia về ATVSTP giai đoạn 2006- 2010 và triển khai Kế hoạch 2011, tổ chức ngày 23/3, tại Hà Nội.

Nằm trong tình hình chung đó, đương nhiên nhân lực cho công tác kiểm nghiệm tại các tuyến cũng thiếu trầm trọng. Khảo sát cho thấy, nhân lực kỹ thuật tại các trung tâm y tế dự phòng hiện chỉ đáp ứng phần nào công tác kiểm nghiệm, cá biệt một số đơn vị còn chưa có cán bộ có trình độ đại học làm công tác xét nghiệm hóa lý (Kiên Giang, Ninh Thuận, Sơn La, Hưng Yên), vi sinh (Khánh Hòa, Lai Châu, Cao Bằng).

Không những thế, tại các cơ sở kiểm nghiệm ATVSTP còn chưa có cơ sở vật chất phục vụ công tác kiểm nghiệm, thiếu về diện tích, nhiều nơi đã xuống cấp nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. Phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm mới theo yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

Nhân lực cho công tác kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm đang thiếu trầm trọng. Ảnh: Hà Thái-TTXVN


Tại nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Ninh Thuận, Hà Giang, Sóc Trăng, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bến Tre, Hưng Yên, Bạc Liêu... trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm ATVSTP dù đã được đầu tư, song vẫn thiếu trang thiết bị so với nhu cầu thực tiễn, hoăc thiết bị đã cũ (hỏng), chưa được đầu tư thay thế. Hệ thống kiểm nghiệm ATVSTP đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương, song chỉ có 16 labo xét nghiệm phục vụ công tác ATVSTP của các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh có máy sắc ký lỏng và hầu hết chưa đạt chuẩn ISO 17025. Năng lực xét nghiệm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh, hóc - môn, kim loại nặng, độc tố… còn hạn chế.

- “Hệ thống labo tuyến huyện ở Lào Cai hiện hầu như không có gì, cán bộ trung tâm y tế huyện vẫn phải mượn dây chuyền lạnh của Chương trình tiêm chủng mở rộng để bảo quản mẫu xét nghiệm. Do đó, họ chủ yếu chỉ lấy các mẫu khô, không phải bảo quản lạnh, rồi tự vận chuyển bằng xe máy, đi ô tô khách chuyển lên tỉnh để làm xét nghiệm. Nhưng do labo của tỉnh chưa đạt ISO 17052 nên hiện chúng tôi cũng chưa thể xét nghiệm được nhiều chỉ tiêu như kim loại nặng, hóc - môn trong thức ăn chăn nuôi…”, Ths Nguyễn Thị Hải Anh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Lào Cai, chia sẻ.

Hạn chế lấy mẫu xét nghiệm

Năm 2010, cả nước xảy ra 175 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 34 vụ ngộ độc trên 30 người, làm 5.664 người mắc, 42 trường hợp tử vong (trong đó, 33% số người tử vong do uống rượu có methanol- cồn công nghiệp, 23,8% do ăn phải nấm, 16,7% do ngộ độc cá nóc...).

Theo BS Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ninh: “Mặc dù đã được hỗ trợ đầu tư, song nguồn lực cho công tác ATVSTP tại Quảng Ninh cũng còn rất hạn chế, nhiều cán bộ chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm kiểm tra, thanh tra, đặc biệt khả năng làm xét nghiệm còn yếu”.

Giải thích về nguyên nhân, BS Chung nói: “Chủ yếu là do thiếu kinh phí. Muốn làm tốt việc cảnh báo chủ động thì càng lấy được nhiều mẫu làm xét nghiệm càng tốt, anh em cũng có điều kiện để nâng cao tay nghề. Nhưng kinh phí cho công tác ATVSTP từ Chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh cũng có giới hạn nên khó có thể triển khai rộng hoạt động mua mẫu, lấy mẫu để xét nghiệm”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, phản ánh: "Hồi trước, các phòng y tế huyện rất hay đi lấy mẫu nhưng từ lúc có quy định đơn vị nào lấy mẫu xét nghiệm phải tự trả tiền thì họ giảm hẳn, thậm chí không đi lấy mẫu xét nghiệm nữa để khỏi mất nhiều kinh phí, khỏi ảnh hưởng đến thu nhập của anh em”.

Bị "bó chân, bó tay” như thế nên công tác lấy mẫu kiểm nghiệm phục vụ thanh tra, hậu kiểm ở nhiều địa phương còn rất hạn chế. Năm 2010, tại Lạng Sơn chỉ lấy được 24 mẫu, Long An là 38 mẫu, Hưng Yên là 40 mẫu...

Việc các cơ sở không lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nguyên nhân đã hạn chế về chất lượng chẩn đoán nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm bằng xét nghiệm, ảnh hưởng không ít đến việc nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý ngộ độc. Hoạt động giám sát chủ động các mối nguy mới hình thành do đó cũng rất yếu, năm 2010 có tới 24 địa phương không báo cáo giám sát mối nguy chủ động.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu trầm trọng, trang thiết bị thô sơ, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí xét nghiệm thì hạn hẹp... là những nguyên nhân khiến công tác kiểm nghiệm chưa thể đáp ứng tốt nhiệm vụ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm.Vậy nên có nhiều vụ việc cơ quan quản lý ATVSTP chỉ "vào cuộc” khi thấy báo chí phản ánh. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại vì hóa chất, phụ gia hiện nay rất đa dạng, mỗi năm có khoảng vài trăm loại hóa chất, phụ gia, phẩm màu… mới ra đời.

Do đó, nếu không sớm đầu tư mạnh hơn nữa cho hệ thống kiểm nghiệm, ưu tiên cho những nơi đông dân cư, và thực phẩm nhập khẩu... thì e rằng chúng ta sẽ mãi mãi thụ động trong việc cảnh báo các yếu tố nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Và hậu quả chắc chắn là sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đến nòi giống Việt Nam trong tương lai.

Phương Liên - An Hòa

Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc
Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ ngộ độc

GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP-Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát ATVSTP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN