Nếu cẩn trọng thì không thể “mổ nhầm”

Những sai sót đáng tiếc xảy ra như mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức, mổ nhầm tay ở Bệnh viên đa khoa 115 Nghệ An..., cho thấy hậu quả của việc không tuân thủ quy trình hoặc là trình độ của cán bộ y tế có vấn đề, mà ngành y tế cần phải rà soát, xem xét lại.


Đây là khẳng định của PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hồ Chí Minh bên hành lang Quốc hội với phóng viên báo Tin Tức ngày 27/7.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan.


Thưa bà, trong khám chữa bệnh đều phải tuân thủ rất chặt chẽ quy trình. Tuy nhiên vẫn có những sai sót xảy ra trong thời gian qua. Phải chăng vẫn có lỗ hổng trong quy trình khám chữa bệnh hiện nay?


Những vụ việc xảy ra vừa qua là rất đáng tiếc, đây là điều không ai mong muốn. Nhưng rõ ràng, sự việc xảy ra như vậy không phải là do xác suất, mà là hậu quả của việc không tuân thủ quy trình hoặc là trình độ của cán bộ y tế có vấn đề.


Về nguyên tắc, không thể để xảy ra sai sót, nhất là với ngành y vì liên quan đến tính mạng của con người. Nhiệm vụ của mỗi người trong ngành là phải làm sao giảm thiểu, thậm chí triệt tiêu được tất cả những sai sót này. Càng không thể nói rằng, khó tránh khỏi sai sót, hoặc đổ lỗi sai sót là đương nhiên. Chuyện này không có đương nhiên. Nếu chúng ta cẩn thận vẫn có thể phòng, tránh được.


Vì vậy, cần phải rà soát lại toàn toàn bộ xem những sai sót có thể xảy ra là do quá tải về bệnh nhân, về cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được hay do chủ quan của bác sĩ. Hơn nữa, đây là những trường hợp đã được phản ánh trên báo chí nhưng còn có thể có những trường hợp khác mà người bệnh người ta bỏ qua, không phản ánh.


Vậy theo bà, ngành y tế cần phải có biện pháp cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn như thế nào để tránh xảy ra những nhầm lẫn, sai sót đáng tiếc như vừa qua?


Đầu tiên, mỗi người trong ngành từ cán bộ, bác sĩ, y tá phải thấy được trách nhiệm của mình, không nên chủ quan, không nên đứng trên đỉnh cao. Thường thường tôi thấy những vấn đề chủ quan vẫn xảy ở mọi nơi kể cả bệnh viện hạng ba, hạng hai, hạng một lẫn hạng đặc biệt. Có rất nhiều người nghĩ rằng mình đã giỏi rồi, mình đã quen rồi. Nhưng thực ra, có những việc hàng ngày hàng giờ vẫn làm quen nhưng một lúc nào đó khi căng thẳng cũng có thể là để xảy ra sai sót. Cho nên ta phải xem xét lại hết và một lần nữa ta cần cảnh tỉnh lại. Tôi nói thật ngành nào cũng có sai sót nhưng những ngành khác thì do đặc thù thì sai sót đó có thể sửa chữa được nhưng đối với ngành y thì sai sót đó ảnh hưởng đến tính mạng của của bệnh nhân, khi đã xảy ra rồi thì day dứt lắm.


Nhưng đứng về mặt vĩ mô, đứng về mặt chính sách, chúng ta cũng phải xem lại là đã tạo điều kiện để cho mọi việc vận hành đúng quy trình hay chưa. Bác sỹ thì cũng là con người, nhân viên y tế cũng là con người nếu cứ phải thường xuyên vật lộn trong một môi trường quá khắc nghiệt với rất nhiều thử thách, căng thẳng, có lúc vượt quá giới hạn sức chịu đựng của con người thì sai sót cũng rất dễ xảy. Và đó cũng là những sai sót có thể đoán trước được.


Vì vậy, hiện nay, nhiệm vụ của người quản lý của cả hệ thống là phải rà soát lại xem chúng ta đang hổng phần nào. Lỗ hổng nào do con người, lỗ hổng nào do đào tạo, lỗ hổng nào do cơ sở vật chất. Cũng có những việc do có thể sử dụng máy móc để thay con người rồi tự động hóa, sẽ giảm thiểu được sai sót. Ở đây tôi không muốn nói bi quan nhưng với tình hình còn nhiều khó khăn như hiện nay, bệnh viện quá tải, đầu tư cho hệ thống bệnh viện, cơ sở vật chất chưa có nhiều hiệu quả thì những khó khăn còn chất chồng. Dù anh em có bảo nhau cố gắng, nhưng một lúc nào đó cũng sẽ có sự việc xảy ra ngoài ý muốn hoặc vượt quá tầm kiểm soát của mình.


Tôi chỉ lấy ví dụ thế này, ta cứ nói nhiều đến giải pháp hạn chế lái xe gây tai nạn nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Trong khi ở nước ngoài người ta giải quyết bằng cách quy định rất rõ ràng là một lái xe không bao giờ được lái quá 12 tiếng đồng hồ, nếu hơn thì đổi lái xe khác. Như vậy, cũng cần phải tôn trọng con người chứ không phải bắt người ta ngày này qua ngày khác cố gắng lái. Với ngành y tế cũng vậy.


Để tránh sai sót, nhầm lẫn không chỉ là nhiệm vụ của riêng bản thân cán bộ y tế mà của cả hệ thống quản lý. Anh phải xem lại đã phân công hợp lý hay chưa và làm nó như thế nào. Đây là trách nhiệm của rất nhiều phía. Đương nhiên cũng còn là cái nhìn của xã hội nữa.


Theo tôi, tất cả chúng ta thì đều đau xót trước những việc đã xảy ra. Nhưng về phía dư luận thì cái đầu tiên sẽ lên án tại sao lại để xảy ra sai sót, tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia. Nhưng suy đi nghĩ lại chúng ta cũng phải có một cái nhìn một cách toàn diện ở đây, không phải là thông cảm để lần sau lại tiếp tục sai sót nhưng chúng ta cũng phải tạo điều kiện để cho người ta có thể sửa chữa.


Theo bà, ngành y tế có nên chủ động thông tin cho báo chí về những vụ việc như vừa qua vì hiện nay thông tin các vụ việc này đều do người dân hoặc chính bệnh nhân cung cấp? Phóng viên cũng hay gặp khó khi thực hiện các thông tin về những vụ việc này.


Thực ra trong ngành đã có việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Ở đây cũng do đặc thù ngành nghề và mỗi bệnh viện trong quá trình quản lý chất lượng thì đều phải có thống kê. Ngay ở TP Hồ Chí Minh thì cũng thực hiện việc thống kê để giám sát, giảm thiểu sai sót. Nhưng thực tế, cũng có tình trạng bệnh viện ngại chia sẻ thông tin, có vụ việc ngoài ý muốn xảy ra thì trước tiên là muốn thương lượng với người nhà bệnh nhân vì vậy không muốn cung cấp thông tin. Hơn nữa bệnh viện cũng lo ngại ảnh hưởng đến uy tín của mình, sợ bị cấp trên “sờ gáy” nên thực tế việc tốt thì thông tin, nhưng việc này việc khác xảy ra thì ỉm đi. Còn về phía báo chí, đôi khi thông tin quá một chiều cũng sẽ làm cho người ta e dè trong việc chia sẻ thông tin.


Tuy nhiên, theo tôi, ngành y tế, các bệnh viên nên chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và có cơ chế rõ ràng. Thông tin đưa ra phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi người nói một cách, vì mỗi người nhìn ở vị trí của mình, nhìn trên phương diện của mình, cách đánh giá của mình. Hơn nữa, đây là những vấn đề liên quan đến chuyên môn, cho nên cũng rất cần ý kiến một cách toàn diên. Tôi mong rằng ý kiến toàn diện đó thống nhất giữa hội đồng với thông tin trên báo chí, đừng nên có tư tưởng thôi ta ém nhẹm lại hay tóm gọn bớt đi. Như vậy thì bản thân phóng viên báo chí sẽ nghĩ người ta giấu mình cái gì đây và càng cố gắng đưa tin cho thảm kịch, giật gân hơn.


Như thế thì hai hai phía đều không đúng. Nếu tin tưởng nhau và có một chỉ đạo rõ ràng từ ở trên là không giấu, và thông tin thì phải nghe nhiều chiều vì một nửa bánh mì thì vẫn là một nửa bánh mì nhưng một nửa sự thật thì sẽ không còn là sự thật nữa.


Còn với những việc xảy như vừa qua báo chí cũng cũng không thể đòi hỏi phải có thông tin ngay. Bản thân tôi làm khoa học làm chuyên môn, để có kết luận một vấn đề gì thì phải tìm hiểu rất nhiều. Chúng ta đều phải tập hợp lại, có chứng cứ rồi mới nói được và cái đó sẽ tốn thời gian. Chúng ta nên thực hiện trên tinh thần xây dựng, hiểu biết lẫn nhau, thông cảm chia sẻ lẫn nhau.



Xuân Phong (thực hiện)
Đình chỉ bác sĩ mổ nhầm tay cho bệnh nhi tại Nghệ An
Đình chỉ bác sĩ mổ nhầm tay cho bệnh nhi tại Nghệ An

Đáng lẽ ra bác sĩ và kíp mổ phải phẫu thuật tay phải để lấy nẹp vít ra, nhưng bác sĩ Tuấn và kíp mổ lại tiến hành phẫu thuật tay lành lặn của bệnh nhi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN