Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc

Trong thời gian qua, việc triển khai các biện pháp thực hiện hoạt động bình đẳng giới tại vùng dân tộc (DT&MN) bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội tăng, đồng bào dân tộc đã bắt đầu có nhận thức về giới, góp phần giảm dần khoảng cách về giới và dần dần xóa bỏ định kiến về giới.


Tỷ lệ nữ giới là người dân tộc tham gia lĩnh vực chính trị (Hội đồng nhân dân cấp huyện và xã) tăng 4 - 6%; có những vùng đạt tỷ lệ cao như vùng Đông Bắc đạt 16 - 22%. Tỷ lệ nữ vùng sâu, vùng xa có việc làm đã được nâng lên đáng kể, có nơi đạt 47% như huyện Đức Cơ (Gia Lai). Tỷ lệ nữ vùng DTTS biết đọc và biết viết độ tuổi 15 trở lên đã được cải thiện đáng kể, đạt gần 40%.

Trong lĩnh vực y tế, tỉ lệ phụ nữ được hưởng thụ các dịch vụ đã tăng dần qua các năm. Phụ nữ mang thai và được khám thai từ 3 lần trở lên năm 2007 là 86,2%, năm 2008 là 86,4% và năm 2009 là trên 95%. Một số vùng dân tộc, như vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đạt 60 - 70%, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 95%. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bước đầu được triển khai tới cơ sở, một số nơi đã lồng ghép với chương trình phổ biến kiến thức pháp luật như: Câu lạc bộ phụ nữ - pháp luật, phụ nữ không sinh con thứ 3, phụ nữ không có tệ nạn xã hội. Bộ máy làm công tác bình đẳng giới ở cấp huyện bắt đầu được kiện toàn.


Học sinh Thủ đô chúc mừng Nhà giáo Ưu tú Hầu Thị Sải, dân tộc Mông, Hiệu phó trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Ông Hoàng Văn Phấn, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Ủy ban Dân tộc cho biết: Do định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại, nên hoạt động bình đẳng giới chưa hiệu quả và còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và vùng ĐBKK. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay việc xây dựng “Chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện KT - XH ĐBKK” là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo ông Hoàng Văn Phấn, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2011-2015 chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại các xã, thôn, bản ĐBKK vùng DT&MN là: 80% số cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn về Luật Bình đẳng giới, kiến thức và các kỹ năng về giới, biết vận dụng kỹ năng lồng ghép giới trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cấp cơ sở. 65% cán bộ thôn, bản ĐBKK, cộng tác viên, chủ nhiệm các câu lạc bộ và già làng, trưởng bản, người có uy tín được bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức về Luật Bình đẳng giới, kiến thức giới.

Trên 50% số xã, thôn, bản có các hình thức tuyên truyền đặc thù (tờ rơi, băng, đĩa, áp phích… bằng ngôn ngữ một số DTTS trên địa bàn tại trụ sở xã, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi cộng đồng). Trên 50% số đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn được phổ biến, giáo dục, tuyên truyền kiến thức về giới và bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết kỹ năng và hành vi về giới và bình đẳng giới. 100% số trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi và các trường học trên địa bàn được thông tin tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới.

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN