Nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia  

Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, năm 2022, Văn phòng đã tập trung vào các nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản trình duyệt tại Hội đồng; đi thực tế đến khu vực thăm dò khoáng sản và hướng dẫn thành lập báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân.

Triển khai các nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chỉ đạo, Văn phòng cần tổ chức, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính phê duyệt trữ lượng khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thẩm định, lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia xem xét, phê duyệt báo cáo thăm dò khoáng sản, bảo đảm chất lượng và đúng thời hạn quy định.

Đồng thời, thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia trong thẩm định, phê duyệt các báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác; tham mưu, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên khoáng sản...

Chánh Văn phòng Hội đồng Nguyễn Trường Giang cho biết, năm 2023, Văn phòng Hội đồng sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như: Tổ chức đoàn công tác về các địa phương để thu thập các thông tin về tình hình phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đối với các giấy phép thăm dò do UBND tỉnh cấp; trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo thăm dò khoáng sản.

Tổ chức các đoàn công tác đến các mỏ để hướng dẫn công tác thu thập tài liệu, công tác thăm dò và lập báo cáo kết quả thăm dò khi các tổ chức, cá nhân có yêu cầu, hoặc kiểm tra thực địa theo yêu cầu của công tác thẩm định. Đồng thời, Văn phòng tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính của đơn vị theo hướng gọn nhẹ, chất lượng; chủ động và tích cực thực hiện chương trình xử lý công việc trên hệ thống thông tin điện tử của Bộ.      

Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia Lê Văn Lượng cho biết, công tác tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là một trong những nhiệm vụ chính, trọng tâm của Văn phòng Hội đồng. Các báo cáo trước khi trình Hội đồng thẩm định, phê duyệt đều được kiểm tra, thẩm định, đánh giá theo các quy định (Luật khoáng sản, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật khoáng sản, các thông tư và các văn bản hướng dẫn khác) với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn của Hội đồng là các nhà khoa học.

Tính đến ngày 15/12/2022, Văn phòng Hội đồng đã tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định 33 hồ sơ báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản và báo cáo tổng hợp tài liệu tính trữ lượng khoáng sản; tiếp tục thẩm định 45 hồ sơ báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản và báo cáo tổng hợp tài liệu tính trữ lượng khoáng sản chuyển tiếp từ các năm trước.

Về giải quyết thủ tục hành chính phê duyệt trữ lượng khoáng sản: Văn phòng đã hoàn thành kiểm tra, lập hồ sơ trình Hội đồng xem xét thẩm định phê duyệt trữ lượng khoáng sản kèm theo trong 55 báo cáo, trong đó trả kết quả  45 báo cáo, còn 10 báo cáo đang rà soát, hoàn thiện trước khi trình Lãnh đạo Hội đồng xem xét, ký Quyết định phê duyệt; 16 báo cáo đang bổ sung, hoàn thiện (chưa nộp lại báo cáo); 7 báo cáo đang kiểm tra trước khi chuyển xin ý kiến chuyên gia phản biện; đã kiểm tra hồ sơ, dự thảo 12 văn bản trình Lãnh đạo Hội đồng ký Xác nhận trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác theo yêu cầu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác và cấp Giấy phép khai thác khoáng sản.

Văn phòng Tổ chức 5 đoàn công tác về các địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắc Lắk, Lâm Đồng, Tuyên Quang) để thu thập các thông tin về tình hình phê duyệt báo cáo thăm dò khoáng sản đối với các giấy phép thăm dò do UBND tỉnh cấp, đồng thời trao đổi, giải đáp những khó khăn trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo thăm dò khoáng sản; tổ chức 32 đoàn công tác thực địa để kiểm tra, hướng dẫn công tác thu thập tài liệu nguyên thủy, lập báo cáo tổng kết công tác thăm dò khoáng sản theo đề nghị của các tổ chức thăm dò khoáng sản.

Ngoài ra, Văn phòng Hội đồng đã kiểm tra, nghiên cứu và trả lời 122 văn bản gửi Tổng cục về các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về khoáng sản; tổ chức kiểm tra tài liệu, viết nhận xét đánh giá các đề án thăm dò khoáng sản theo đề nghị của Hội đồng thẩm định đề án của Bộ và các địa phương; tham gia các Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản của Bộ, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản một số địa phương (Bắc Kạn, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội...).

Diệu Thúy  (TTXVN)
Siết chặt quản lý, ngăn chặn các vi phạm về khai thác khoáng sản
Siết chặt quản lý, ngăn chặn các vi phạm về khai thác khoáng sản

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động khai thác trái phép một số loại khoáng sản, nhất là các loại làm vật liệu xây dựng diễn biến phức tạp. Tại các xã ven đồi, ven núi hay địa bàn gần sông nước, việc khai thác cát, đá, sỏi, cao lanh, sét làm gạch ngói, đá xây dựng... trái phép diễn ra khá thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN