Nậm Pồ 'khắc khoải' chờ điện lưới quốc gia

Đã 3 tháng sau ngày ra mắt, đi vào hoạt động, các cơ quan đầu não của huyện mới Nậm Pồ (Điện Biên) vẫn chưa có điện lưới quốc gia để vận hành công việc của mình. Tình trạng trên khiến cho việc điều hành của Đảng bộ, chính quyền huyện nhiều lúc rơi vào tình trạng bị động, thậm chí tê liệt trong vài ngày.
 

Lễ ra mắt huyện Nậm Pồ. Nguồn: baodienbienphu.info.vn


Huyện Nậm Pồ ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 23/6 trên cơ sở chia tách từ 2 huyện Mường Chà và Mường Nhé. Trung tâm hành chính của huyện đặt tại bản Huổi Hâu, xã biên giới Nà Hỳ. Địa bàn này tuy có vị trí nằm giữa các xã của huyện mới, song trước đây là địa phương vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Mường Nhé, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, dân cư thưa thớt, hàng hóa rất khan hiếm do không thể vận chuyển vào.

Để có cơ sở hạ tầng tạm thời cho trung tâm hành chính của huyện đi vào hoạt động, từ tháng 3/2013, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án huyện Mường Nhé đã cho phép công ty TNHH thương mại và xây dựng số 6 Điện Biên thi công dự án này trên một vùng đất khá hoang vu. Đến khi ra mắt và đi vào hoạt động, khoảng 70% các hạng mục của trung tâm hành chính tạm thời của huyện đã hoàn thành.

Ban quản lý dự án và nhà thầu hứa sẽ cấp điện lưới quốc gia cho các cơ quan của Đảng bộ và chính quyền huyện đi vào hoạt động ổn định trước ngày ra mắt. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trung tâm hành chính huyện vẫn trong tình trạng thiếu điện, gây đình trệ công việc và tâm lý bức xúc cho cán bộ công chức toàn huyện.

Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch lâm thời UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Để đảm bảo cho các cơ quan đầu não của huyện có thể hoạt động, UBND huyện đã phải thuê một chiếc máy phát điện diezen cung cấp điện cho cả 2 khối Huyện ủy và UBND. Mỗi ngày, chi phí cho vận hành máy tiêu tốn tới 3 triệu đồng, trong khi chỉ chạy được trong giờ hành chính và cấp điện thắp sáng tới 22h hàng ngày.


Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã nhiều lần do mưa lớn kéo dài, đường giao thông vào huyện ách tắc khiến máy hết dầu chạy, toàn bộ hoạt động của trung tâm huyện gần như tê liệt. Điển hình như từ ngày 3 - 5/9 vừa qua, do đường tắc nên dầu chạy máy không thể  chuyển được vào, toàn bộ trung tâm huyện không có điện để hoạt động.


Trong khi đó, một vụ “nứt đất - lở núi” lại đang xảy ra tại bản Pắc A1 cách đó hơn 40 km, gây nguy hại tới tính mạng gần 400 người dân sống trong khu vực. Vậy là cả huyện rối tung lên vì máy móc thiết bị văn phòng không hoạt động, điện thoại di động của cán bộ điều hành hết pin, phương tiện liên lạc duy nhất là điện thoại để bàn.


Huyện đã gửi văn bản, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư công trình là UBND huyện Mường Nhé đốc thúc nhà thầu sớm xử lý nhưng đến thời điểm này, qua nhiều lần hứa hẹn, nguồn điện của Nậm Pồ vẫn trong tình trạng như ngày mới thành lập.


Do chủ đầu tư là UBND huyện Mường Nhé nên huyện Nậm Pồ chỉ nhận bàn giao công trình, không có quyền đốc thúc nhà thầu thực hiện. Trong khi đó, các hộ dân sinh sống quanh khu vực này đã được hưởng điện lưới quốc gia từ 2 tháng qua. Tuy nhiên, đường điện hạ thế này xây dựng theo một chương trình khác, chỉ dành cho nhân dân nên theo quy định không cho phép bất cứ cơ quan, đơn vị nào sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Trung, đại diện nhà thầu cho biết: Hệ thống lưới điện hạ thế và thiết bị điện của trung tâm hành chính huyện đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn phần biến áp hạ thế và đấu nối chưa được thực hiện. Nguyên nhân là do tiêu chuẩn của đường điện trung thế chạy qua khu vực được xây dựng từ trước khi quy hoạch trung tâm huyện, không phù hợp để điện lực tỉnh cho phép đấu nối xuống trạm biến áp.

Cụ thể, theo trả lời của điện lực tỉnh Điện Biên thì cột ở điểm đấu nối phải đạt chiều cao 15m, trong khi thực tế chỉ đạt 12m. Từ tháng 7/2013, nhà thầu đã mua một máy biến áp công suất 250KVA để lắp đặt hạ thế, nhưng cơ quan chuyên môn điện lực tỉnh cho rằng máy có công suất lớn hơn nhu cầu thực tế, gây ra tổn thất điện năng lớn nên không chấp nhận cho đơn vị thi công lắp đặt.


Đến thời điểm này, nhà thầu đã mua một máy biến áp công suất 165KVA thay thế, vấn đề chỉ còn chờ đơn vị kỹ thuật của điện lực tỉnh thực hiện kiểm tra an toàn và đấu nối là có thế cấp điện.

Còn ông Vũ Xuân Toàn, cán bộ tư vấn giám sát của Ban quản lý dự án thì cho biết: Để giải quyết sự việc trên, Ban quản lý dự án đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cho chôn cáp ngầm để phù hợp với chiều cao của cột điện trung thế ở điểm đấu nối. Do nhà thầu đặt mua nhầm chủng loại máy biến áp nên đã đổi lại máy khác đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và tổ chức lắp đặt. Đơn vị kỹ thuật của Điện lực tỉnh Điện Biên đã tổ chức thí nghiệm xong từ ngày 19/9 và đang chờ kết quả. Còn việc đến bao giờ có thể tổ chức đấu nối, cấp điện thì phụ thuộc vào kết quả phối hợp giữa lãnh đạo Ban quản lý dự án, điện lực tỉnh và nhà thầu.

Hiện tại, một số cơ quan rất quan trọng của huyện đã xây xong trụ sở nhưng chưa thể đi vào hoạt động do đặc thù công việc không thể thiếu điện 24/24h cho quản lý cập nhật thông tin. Bởi vậy, các đơn vị này vẫn làm việc ở trung tâm các huyện khác là Mường Nhé, Mường Chà, cách đó trên 100km. Mỗi khi cần giao dịch, nhận kinh phí, nộp thuế… cán bộ huyện Nậm Pồ lại phải đi xe máy đến tận các huyện này, vừa vất vả, lại không đúng quy định về đảm bảo an toàn. 


Cho dù nguyên nhân là từ phía nào, thì thực tế là cho đến thời điểm này, Trung tâm hành chính của huyện Nậm Pồ vẫn trong tình trạng “khắc khoải” chờ điện quốc gia, song vẫn chưa biết đến bao giờ, dù đường điện trung thế đã chạy ngay trên đầu từ nhiều tháng qua.



Chu Quốc Hùng

Ra mắt huyện mới Nậm Pồ

Ngày 23/6, tại mảnh đất biên giới cực Tây của Tổ quốc, tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ ra mắt huyện mới Nậm Pồ theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN