Năm 2011: Giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường-mặt trái của sự phát triển kinh tế đang ngày càng đáng báo động. Giảm thiểu ô nhiễm là 1 trong 6 chương trình đột phá đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) lần thứ IX nhiệm kỳ 2011 – 2015. Tuy nhiên, nhiệm vụ này là hết sức nặng nề.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường luôn được các cấp, các ngành TP.HCM coi trọng. Công tác bảo vệ môi trường đã có những bước chuyển biến tích cực. Song nhìn một cách tổng thể, TP vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, TP.HCM cần nhiều khu xử lý chất thải như Đa Phước.


Các chuyên gia, nhà khoa học đã từng cảnh báo, công nghiệp phát triển quá nhanh đang gây tác hại đến môi trường sống. Thấy rõ nhất là tại các khu công nghiệp như KCN Lê Minh Xuân với chức năng di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm khu vực trung tâm TP giờ đây đang trở thành “điểm nóng” ô nhiễm bởi tốc độ đô thị hóa nhanh và sự quản lý thả nổi về công tác bảo vệ môi trường. Sau 10 năm, người dân đã sống bao vây KCN này và họ đang lãnh đủ những chất thải nguy hại phát ra từ KCN này. Thống kê của huyện Bình Chánh, có đến 30 tuyến kênh trên địa bàn huyện bị nhiễm bẩn rất nặng, gây tác hại đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Các điểm nóng bức xúc khác như KCN Tân Phú Trung (quận Tân Bình), khu chế xuất Linh Trung III (quận Thủ Đức), KCN Sóng Thần (Bình Dương) đang hàng ngày xả lượng nước thải cực lớn ra môi trường. Người dân sống quanh khu vực kênh Ba Bò quận Thủ Đức đang phải đối mặt với nguồn nước ô nhiễm, độc hại. Hàng loạt các loại bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da, thậm chí là ung thư đã xuất hiện tại khu vực này. Và để khắc phục môi trường sống, TP.HCM đã phải bỏ ra 744 tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Điều đáng nói là dự án trì trệ, lẽ ra hoàn tất từ tháng 9/2009 nhưng đến nay vẫn chưa hẹn ngày hoàn thành.

Một vấn đề được sự quan tâm của người dân TP.HCM, đó là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt cũng đã đến mức báo động. Các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải ngày càng bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp. Điều đáng lo ngại là vấn đề nước thải công nghiệp và sinh hoạt trên lưu vực sông Sài Gòn vẫn chưa kiểm soát nổi. Do đặc thù các sông không có biên giới hành chính, chảy từ nơi này sang nơi khác, nên việc hợp tác để giải quyết ô nhiễm và bảo vệ sông Sài Gòn vẫn chưa triệt để.

Đối với vấn đề quản lý tài nguyên nước, TP.HCM đã thực hiện việc cấp phép xả thải, cấp phép khai thác tài nguyên nước, thu thuế sử dụng và xả thải nước, quy định các tiêu chuẩn xả thải nhưng những hoạt động đó vẫn không bảo vệ nguồn nước khỏi các tác nhân gây ô nhiễm. Vì lợi nhuận trước mắt, một số doanh nghiệp đã bất chấp đạo lý coi thường mạng sống, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không được xử lý nghiêm. Do đó, cần phải thức tỉnh các doanh nghiệp về sự nhận thức về ô nhiễm môi trường TP.HCM vì mức độ tổn hại sẽ rất lớn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và hình ảnh của đất nước.

Xác định giải quyết ô nhiễm môi trường là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã thông qua, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết, TP đã chủ động cơ bản hoàn thành tốt việc xử lý chất thải rắn đô thị hợp vệ sinh, từng bước áp dụng các công nghệ xử lý rác tiên tiến như xử lý rác thành phân compost, đốt rác phát điện… Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận (Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh như cải tạo kênh Ba Bò, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xả thải ra sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai-An Hạ...

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường, từ nay đến cuối năm 2015 phải đạt được những mục tiêu chủ yếu như thu gom, lưu giữ, xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, y tế, chất thải nguy hại; 100% KCX-KCN và cụm tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Về công tác bảo vệ môi trường TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đánh giá, TP đã đạt được nhiều kết quả khích lệ như đảm bảo 100% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố được xử lý an toàn ở hai khu xử lý rác lớn: Đa Phước và Phước Hiệp; nhiều cơ sở gây ô nhiễm của thành phố đã được xử lý và di dời ra khỏi khu dân cư; nước thải y tế, nỗi ám ảnh nhiều năm nay từng bước được xử lý… Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường thì TP đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý và đầu tư hạ tầng xử lý ô nhiễm. Trong tương lai TP cần phải đầu tư thêm các khu xử lý rác công nghiệp cũng như các khu xử lý rác thải nguy hại khác.

Bài và ảnh: Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN