Mục tiêu “Ba không” của LHQ trong phòng, chống AIDS

Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015 là “Getting to zero”, nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Tầm nhìn “Ba không” đã được Tổng thư ký LHQ công bố chính thức tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ về HIV/AIDS hồi tháng 6/2011.

Hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS 2010 ở Tripura (Ấn Độ). Ảnh: Internet

Theo báo cáo của UNAIDS công bố ngày 21/11 vừa qua, số người nhiễm mới HIV và tử vong do các nguyên nhân liên quan đến AIDS đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua do được điều trị bởi phương pháp kháng virút, hay còn gọi là ART (viết tắt của Anti-Retroviral Therapy). Báo cáo Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2011 của UNAIDS cho biết, số ca mới nhiễm HIV giảm 21% kể từ năm 1997 và số người tử vong do AIDS cũng giảm 21% so với năm 2005. UNAIDS ước tính, trong thời gian hơn 30 năm kể từ khi phát hiện căn bệnh thế kỷ này vào ngày 5/6/1981 đã có 34 triệu người nhiễm HIV và gần 30 triệu người chết vì các nguyên nhân liên quan HIV/AIDS.

Theo báo cáo, phương pháp điều trị kháng virút ART đã cứu sống 2,5 triệu người ở các nước có thu nhập trung bình và thấp kể từ năm 1995 đến nay. UNAIDS và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có được kết quả tích cực trên là do số người được tiếp cận điều trị phương pháp mới ngày càng tăng. Khoảng 6,6 triệu (chiếm 47%) trong số 14,2 triệu người nhiễm HIV ở các nước có thu nhập trung bình và thấp đã được tiếp cận với phương pháp điều trị kháng virút năm 2010, tăng 1,35 triệu người so với năm 2009. Những người sống chung với HIV sống lâu hơn và số người tử vong do AIDS giảm từ 2,2 triệu năm 2005 xuống 1,8 triệu năm 2010.

Mặc dù báo cáo của UNAIDS đã đưa ra những dấu hiệu tích cực trong nỗ lực phòng, chống AIDS trên toàn cầu nhưng trên thực tế, xu hướng nhiễm mới HIV vẫn gia tăng ở một số vùng trên thế giới và hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế. Vì vậy, nhận thức và kiến thức về HIV thấp sẽ tiếp tục là những thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn hơn 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị ART trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa tiếp cận được với các thuốc có ý nghĩa sống còn với họ. Ngoài ra, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, đồng thời là rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động... đã được pháp luật các quốc gia quy định.

LHQ khuyến cáo, từ chủ đề chung của Chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015, hàng năm, các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không” nói trên.

Hồng Hạnh

PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS-“Nỗ lực để có đủ thuốc điều trị HIV khi các nguồn tài trợ rút đi”

Hiện nay, khi các nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế vẫn được duy trì,thì thuốc ARV mới chỉ đến được với khoảng 1/3 số bệnh nhân HIV có nhu cầu được điều trị bằng ARV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN