Mức phạt vi phạm giao thông giảm, sức răn đe tăng

Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) giảm mức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm. Cả cơ quan quản lý và người dân đều cho rằng, quy định như vậy là hợp lý bởi mức phạt cho nhiều hành vi vi phạm giảm, phù hợp với thực tế nhưng sức răn đe không giảm, thậm chí còn tăng.


Người dân đồng tình


Nghị định 171/CP điều chỉnh mức phạt của 39 nhóm hành vi vi phạm trên tổng số 144 nhóm cho phù hợp với mức độ, hậu quả vi phạm và tính khả thi. Đặc biệt, Nghị định 171/CP bỏ mức xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định và lùi thời hạn xử phạt đến năm 2015 đối với ô tô và đến 2017 đối với mô tô, xe gắn máy...

 

Xử lý nghiêm minh lỗi vi phạm luật giao thông.


Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Hà Nội, Nghị định 171/CP áp dụng nhiều mức phạt có lợi cho người vi phạm. Ví dụ: Điều chỉnh giảm mức phạt của hành vi chuyển làn đường không đúng quy định hoặc không có tín hiệu báo trước của người lái xe, Nghị định 171/CP quy định phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, trong khi Nghị định 71/CP trước đây phạt từ 300.000 - 500.000 đồng; điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, điều khiển xe trên đường khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt 50 - 80 mlg/100 ml máu bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng, trong khi Nghị định 71/CP phạt từ 8 - 10 triệu đồng...


Với hình phạt tước giấy phép lái xe (GPLX) đối với người điều khiển ô tô, Nghị định 171/CP cũng điều chỉnh không bị tước bằng lái vĩnh viễn khi vi phạm các lỗi nghiêm trọng như: Lái xe có sử dụng ma túy hoặc gây tai nạn nghiêm trọng... mà chỉ áp dụng mức thời gian tước GPLX cao nhất là 24 tháng. Ngoài ra, đối với các lỗi vi phạm khác, nếu Nghị định 171/CP quy định mức phạt cao hơn so với các Nghị định 71/CP, 34/CP thì sẽ áp dụng mức xử phạt thấp nhất như trước...


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, lái xe khách Vũ Đức Việt chạy tuyến Móng Cái - Hà Nội, lái xe Nguyễn Minh Đức tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội)... cho biết: Nhà nước giảm mức tiền phạt nhiều lỗi vi phạm xuống là hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân. Trước đây, mức xử phạt theo Nghị định 71/CP đối với các lỗi dành cho người lái ô tô là quá cao, thậm chí có lỗi bị xử phạt mất cả tháng lương, khiến cánh lái xe rất bức xúc. Bên cạnh đó, không phải lái xe nào cũng “nhờn luật”, mà quan trọng là lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm minh, công bằng, đúng người đúng tội, thì vi phạm sẽ giảm.


Tăng sức răn đe


Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thuấn khẳng định: Khi trình Chính phủ dự thảo Nghị định 171/CP sửa đổi, Bộ GTVT đã nhất quán quan điểm mức xử phạt phải phù hợp, khả thi. Việc giảm mức phạt với một số hành vi, nhưng tập trung tăng cường việc nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, siết chặt quản lý vận tải sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Các chế tài đối với chủ doanh nghiệp và lái xe được quy định rõ. Mức phạt của tổ chức cao gấp đôi cá nhân, để nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.


Nghị định 171/CP tăng sức răn đe đối với lái xe ô tô vi phạm các lỗi như: Người điều khiển xe ô tô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng 24 tháng hoặc phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng; mức phạt này với người lái xe máy, xe máy điện là 2 - 3 triệu đồng. Lái xe vận chuyển hàng quá tải sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng nếu chở hàng vượt trọng tải thiết kế từ 10 - 40% đối với xe dưới 5 tấn và từ 5 - 30% đối với xe trên 5 tấn; đồng thời bổ sung thêm quy định lái xe liên quan trực tiếp đến TNGT mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không cấp cứu người bị nạn bị phạt 5 triệu đồng; người đi xe máy điện nếu vi phạm bị phạt từ 60.000 đồng - 20 triệu đồng...


Thực tế, theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, hầu hết lái xe đều đồng tình: Nghị định 34/CP, sau đó là Nghị định 71/CP thể hiện phải tăng mức xử phạt cao lên mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Tuy nhiên, không ít trường hợp người dân vi phạm, do mức phạt quá cao, không thể chi trả, đã cố tình trốn chạy, chống đối, gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Thậm chí, có trường hợp điều khiển xe mô tô vi phạm, do mức phạt cao hơn cả giá trị xe, nên chủ xe bỏ luôn xe... Những hành vi tiêu cực này cũng dẫn đến nguy cơ “nhờn luật”...


Các chuyên gia giao thông cho rằng, Nghị định 34/CP, 71/CP quy định các lỗi không trực tiếp gây hậu quả cũng bị phạt nặng. Ví dụ: Thiếu bản đăng ký chất lượng vận tải dán trên kính xe, bị phạt tới 2,5 triệu đồng hoặc sổ nhật trình thiếu xác nhận một đầu bến cũng bị phạt 1,2 triệu đồng... Rõ ràng, những quy định này rất vô lý, gây thiệt hại cho chủ phương tiện, dễ gây bức xúc, nên việc điều chỉnh là hợp lý.


Đánh giá về tính khả thi của Nghị định 171/CP, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên khẳng định: Nghị định này không làm tăng hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, thậm chí còn có sức răn đe lớn. Người dân không muốn bị phạt, dù đó là hình phạt nhẹ nhất, cũng không ai muốn vi phạm để nộp phạt.


Bài và ảnh:Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN