Mùa ươm rau giống ở Đại Lộc

Khu 8 của thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được xem là “cái nôi” ươm rau giống với khoảng 20 hộ ươm giống rau để trồng và bán. Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan khu vườn ươm của chị Đào Thị Hòa (còn gọi là Bé Tí), 49 tuổi, trú tại khu 8, thị trấn Ái Nghĩa.

Từ trong nhà ra tới hiên, sân, vườn bày kín những vỉ rau xanh tốt mỡ màng; có nơi xếp hai, ba tầng để chống lụt. Nói về quy trình ươm rau giống, chị Hòa cho hay, nghề này chị có được là nhờ “mẹ truyền con nối”. Mỗi năm nhà chị ươm khoảng 1.000 - 1.500 vỉ. 

Giá bỏ sỉ cho bạn hàng cao nhất là vạn thọ có giá 100.000 đồng/vỉ, các loại như bí đao, dưa leo, khổ qua có giá 40.000 đồng/vỉ, các loại khác khoảng 30.000 đồng/vỉ. Sau khi trừ chi phí, mỗi vỉ lãi trên 15.000 đồng. 

Cây giống rau của gia đình chị bán cho các bạn hàng về bán lẻ tại chợ ở xã Đại Thắng (Đại Lộc), chợ Đàng của huyện Quế Sơn, chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, các chợ các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Túy Loan (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). 

Vợ chồng cụ Bùi Đình Chương và Lê Thị Ba đang chăm sóc rau giống.

“Trước hết phải làm bầu bằng lá chuối, xong cho vào bầu ba phần đất với một phần tro trấu và một phần phân chuồng hoai, sau đó xếp bầu vào vỉ tre, mỗi vỉ khoảng 100 bầu. Về giống, hạt giống được ngâm trong nước ấm, vớt ra rửa sạch để ráo, dùng khăn ẩm bọc lại và ủ kín ở chỗ ẩm trong vòng 24 giờ, sau ủ vào túi vải đợi khi hạt nứt vỏ thì gieo vào vỉ. Tất cả những vỉ này đều để trên giàn có mái che để chống mưa và lụt. Khi cây cứng cáp, dùng đũa để đưa vào bầu và đến khi xuất hiện 1 - 2 lá thật thì phun thuốc phòng bệnh như rovral, benlat C…”, chị Hòa cho biết.

Khách hàng chọn mua rau giống.

Chị Nguyễn Thị Vạn, người ươm cây giống rau nhiều nhất ở khu 8, thị trấn Ái Nghĩa cho hay, mùa ươm rau giống năm nay, gia đình chị ươm vụ chính với 1.000 vỉ (từ tháng 8 đến tháng chạp âm lịch) và vụ phụ làm 500 vỉ (từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch). 

Lúc cao điểm kêu thêm 3 người làm mới kịp thời vụ. Sau khi trừ chi phí, mỗi vỉ lãi trên 15.000 đồng. Năm vừa qua (2015), nhờ ươm cây rau giống, sau khi trừ chi phí và ăn tiêu, gia đình chị còn lãi trên 20 triệu đồng… Những năm qua, ”làng nghề” ươm rau giống nơi đây phát triển tốt không phải ở huyện nào cũng có…

Chị Nguyễn Thị Vạn giới thiệu vườn ươm cây giống của mình.

Theo chị Vạn, nghề ươm cây giống cũng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, do nghề này đòi hỏi người làm phải hết sức tỉ mẩn, cẩn thận và có trách nhiệm nên nghề này đa phần là phụ nữ và người cao tuổi. 

Chỉ cần một mùa cây giống kém chất lượng đưa ra thị trường là những vụ sau nông dân không lấy giống của mình nữa. Hiện nay, giống cây rau ở khu 8 này đã đi khắp các vùng như Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam), Hòa Vang, Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)…

Công bằng mà nói, nghề ươm rau giống cho thu nhập khá cao ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, có năm do mưa bão liên miên nên dù cây giống đã lớn mà không ai dám mua về trồng vì sợ trời mưa lụt, chuyện thua lỗ là điều không thể tránh khỏi.
Bài và ảnh: Tiên Sa
Hướng thoát nghèo mới cho đồng bào vùng cao
Hướng thoát nghèo mới cho đồng bào vùng cao

Sau cây su su, xã Hồng Thái tiếp tục đưa bí xanh và cà chua vào trồng thử nghiệm, bước đầu những cây trồng này phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hướng thoát nghèo mới cho bà con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN