Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại miền Trung và Nam bộ

Mưa lũ lớn diễn biến phức tạp ở miền Trung

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mặc dù áp thấp nhiệt đới đã suy yếu và tan rã, nhưng do tác động của không khí lạnh kết hợp với đới gió đông cường độ mạnh, trong 2-3 ngày qua ở các tỉnh Trung bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-300 mm, nhiều nơi thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế từ 400- 600 mm. Mưa đã gây một đợt lũ lớn trên hầu hết các sông suối cao từ báo động 2 đến báo động 3, đỉnh lũ một số sông cao hơn BĐ 3 như: Sông Gianh tại Mai Hóa: 6,43 m dưới BĐ3: 0,07 m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,70 m, trên BĐ3: 1,0 m; sông Hiếu tại Đông Hà: 4,38 m, trên BĐ3: 0,38 m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 5,66 m, trên BĐ3: 0,16 m.

Ngập lụt ở đường Đống Đa, TP Huế sáng 17/10.  Ảnh: Quốc Việt - TTXVN


Dự báo, trong 1-2 ngày tới, mưa ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế giảm dần, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định còn lớn. Lũ các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên.

Tại Quảng Bình, mưa to liên tục trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề cho 5 huyện, thành phố là Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Minh Hóa. Toàn tỉnh có 1 người chết, 1 người mất tích. Tính đến 12 giờ ngày 17/10, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 47.084 ngôi nhà bị ngập chìm trong nước lũ, trong đó 3.461 ngôi nhà bị ngập sâu trên 1 m và đã có 4 người chết và mất tích. Quốc lộ 1A đoạn chạy qua địa bàn huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy bị ngập sâu trong nước từ 1-2 m gây ách tắc giao thông nghiêm trọng và đã có 8 phương tiện ô tô (7 xe tải và 1 xe khách chở 60 hành khách) đang kẹt lại do bị ngập sâu không đi được. Hiện số hành khách đã được lãnh đạo địa phương bố trí chỗ ăn, nghỉ. Ngay trong sáng 17/10 có 1.836 hộ với 7.214 nhân khẩu đã được di dời khẩn cấp, chuyển vào nơi trú ngụ an toàn.

Tuyến quốc lộ 24B từ Sơn Tịnh đi cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) bị ngập. Ảnh: Thanh Long-TTXVN


Tại tỉnh Quảng Trị, đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn cũng bị ngập sâu trong nước ở 3 điểm, có nơi ngập sâu tới 0,5m, khiến giao thông bị đình trệ. Các tuyến giao thông tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn các huyện, thị, thành phố bị chia cắt, đặc biệt là các địa bàn như Ba Lòng (Đakrông), Triệu Giang, Triệu Long (Triệu Phong) và vùng trũng Hải Lăng... Mưa lớn cũng gây ngập lụt 13.849 hộ dân ở độ sâu từ 0,5-2,5m; làm 1.000 ha lúa chưa thu hoạch bị ngập, hư hỏng; 165.000 cá giống bị nước cuốn trôi; quốc lộ 9 bị sạt lở taluy dương khoảng 4.000 m3... Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cứu hộ, cứu 12 người bị kẹt, tổ chức sơ tán 5.000 hộ dân đến nơi an toàn; triển khai công tác đảm bảo an toàn các hồ đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị phương tiện và vật dụng cần thiết để sẵn sàng cung ứng khi các địa phương có nhu cầu. Tính đến 6 giờ sáng 17/10, tỉnh Quảng Trị có hai người chết.

Người dân ở các xã vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị phải đi lại bằng thuyền, bè trong những ngày mưa lũ. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Hiện lũ trên hầu hết các sông ở Thừa Thiên - Huế đang lên; sông Hương trên báo động 2, sông Bồ dưới báo động 3. Mực nước các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trong tỉnh sáng 17/10 đều vượt cao trình đỉnh tràn. Ban quản lý dự án đã cho vận hành mở 2 cửa van, độ mở cửa 2m để điều tiết nước với lưu lượng về hạ du 726 m3/s nhằm đảm bảo an toàn cho hồ chứa, đồng thời tránh ngập lụt cho vùng hạ lưu. Tại thành phố Huế, mưa to với cường độ lớn đã gây ngập úng cục bộ hầu hết các tuyến đường ở khu vực nội thành, có nơi ngập sâu 0,5m. Quốc 1A tại km 829 (cầu vượt Thủy Dương) ngập sâu, giao thông đi lại khó khăn. Đến tối 17/10, toàn tỉnh có 10.141 nhà bị ngập, trong đó huyện Phong Điền: 1.240 nhà, Hương Trà: 850 nhà, Quảng Điền: 3.425 nhà, thành phố Huế 2.820 nhà, thị xã Hương Thủy: 1.806 nhà. Theo tin ban đầu, mưa lũ làm một người chết (bà Nguyễn Thị Dung, 40 tuổi, thường trú tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền), do bị lật ghe; hai người khác bị thương.

Nước lũ ĐBSCL duy trì ở mức cao

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng ngập lụt sâu còn tiếp tục kéo dài ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) do lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng nội đồng ĐTM và TGLX biến đổi chậm và còn ở mức cao. Đến cuối tháng 10, sẽ xuất hiện một đợt triều cường cao hơn đợt triều cường cuối tháng 9/2011 nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và vùng ĐTM, TGLX còn duy trì trên mức báo động 3 đến đầu tháng 11.

Đưa các cháu nhỏ trong vùng lũ ĐBSCL tới khu vực an toàn.Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Ngày 17/10, An Giang có thêm 926 m2 bờ sông bị sạt lở so với ngày 16/10, nâng tổng diện tích bờ sông bị sạt lở lên 30.803 m2, 19 điểm trường bị sạt lở 1.493 m mái taluy và nền phòng học; 18.740 căn nhà; 780 ao cá, bể nuôi lươn, 675 chuồng trại bị ngập trong nước lũ; 6 bè và 1 quầng bị vỡ thất thoát 71,7 tấn lươn, cá thịt, 4,707 triệu con cá giống và làm chết 185.202 cây lâm nghiệp. Hiện tỉnh An Giang còn có 6.296 hộ cần hỗ trợ lương thực và 5.329 hộ có nhu cầu được hỗ trợ về phương tiện sản xuất và kinh phí kê kích nhà ở.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã có 18 người chết (2 người do sét đánh, 16 người chết do lũ), tăng 1 người so với ngày 16/10. Về thiệt hại tài sản có 21.457 căn nhà bị ngập nước, 64 căn nhà bị sập đổ cuốn trôi; đã di dời 2.375 hộ và 9.834 hộ kê kích nhà. Tổng thiệt hại về tài sản gần 900 tỷ đồng , trong đó thiệt hại nặng nhất là các công trình giao thông hơn 398 tỷ đồng.

Tại Tiền Giang, nước lũ từ thượng nguồn tràn về kết hợp với mưa to và triều cường đã gây nhiều thiệt hại cho vùng hạ lưu sông Tiền, trong đó tại 4 huyện vùng lũ là Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Tân Phước đã có trên 400 ha khóm (dứa) ngoài đê bao thuộc các xã Tân Hòa Đông, Mỹ Phước, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ và Tân Lập (huyện Tân Phước); 856 căn nhà thuộc hai huyện Tân Phước và Cái Bè, gần 31 km đường giao thông bị ngập. Tỉnh đã di dời dân đến nơi an toàn đồng thời củng cố các tuyến đê bao ngăn lũ, khắc phục nhanh những công trình giao thông bị ngập, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng ngập lũ.

Nhóm PV

Mưa lũ, gần 2.000 hành khách mắc kẹt tại các ga ở Quảng Trị
Mưa lũ, gần 2.000 hành khách mắc kẹt tại các ga ở Quảng Trị

Trên tuyến đường sắt Bắc -Nam, mưa lũ làm ngập lụt 2 đoạn đường sắt là Đông Hà vào thị xã Quảng Trị và đoạn Mỹ Chánh - Phò Trạch nên 5 đoàn tàu với gần 2.000 hành khách đang mắc kẹt tại các ga ở Quảng Trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN