Mưa lũ đe dọa đập thủy lợi tại Đắk Lắk

*Kon Tum: Mưa lũ gây xói lở nghiêm trọng đập Ya Ve

Từ tối 13/9 đến nay, mưa lớn liên tục và kéo dài đã làm xói lở nghiêm trọng vùng hạ lưu của đập tràn Ya Ve, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy với diện xói lở hơn 30 m, rộng khoảng 5m và có độ sâu hơn 5 m; ước tính có tới hơn 750m3 đất, đá bị xói lở.

Theo ông Nguyễn Minh Thuận - chủ tịch UBND xã Sa Bình, Đập tràn Ya Ve được xây dựng từ năm 1994 và đưa vào sử dụng năm 1998, đây là con đường huyết mạch đi vào thôn Bình Loon và khu sản xuất của 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Sa Bình, nếu không sớm khắc phục tình trạng xói lở ở khu vực hạ lưu thì nguy cơ vỡ đập tràn là không tránh khỏi.

Theo tính toán, nếu đập tràn Ya Ve bị vỡ, gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Bình Loon sẽ bị cô lập. Bên cạnh đó, người dân tại các thôn lân cận như: Lung Leng, Khúc Na, Kà Bầy, Bình Loon cũng không thể vận chuyển nông sản ra khỏi khu sản xuất.

Hiện nay, UBND xã đang khẩn trương khắc phục sự cố trên bằng việc thực hiện đắp kè bằng rọ đá nhưng số lượng xói lở quá lớn. UBND xã đã báo với huyện để có phương án giải pháp phù hợp, hỗ trợ địa phương để sớm khắc phục, đảm bảo giao thông trên địa bàn của xã.

*Mưa lũ cuốn trôi tài sản hàng trăm nhà dân, nhiều hồ đập thủy lợi có nguy cơ bị vỡ ở huyện Ea H’leo (Đắk Lắk)


Chiều 17/9, ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk cho biết: Liên tiếp trong 4 ngày qua, trên địa bàn huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) có mưa to và rất to, cộng với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về đã làm cho mực nước các hồ thủy lợi Ea Đrăng (thị trấn Ea Đrăng), Ea Tmốt (xã Cư Mốt) và hồ thủy điện Ea Đrăng 2 (xã Ea Wy) lên nhanh, tràn qua đập, dẫn tới nguy cơ vỡ đập và gây ra ngập lụt cục bộ.

Điển hình là trận lũ quét cục bộ xảy ra rạng sáng 17/9 đã cuốn trôi nhiều nhà và tài sản của hàng trăm hộ dân sống dọc theo suối Ea Đrăng, sông Ea Khanh và sông Krông Búk. Do lượng nước đổ về lớn, nên đập thủy lợi Ea Đrăng bị nước tràn qua gần 1m.

Trước tình hình này, cơ quan chức năng đã phải mở cửa xả hết công suất để tránh nguy cơ vỡ đập. Một lượng nước lớn được xả về hạ du cùng nguồn nước lũ trên thượng nguồn đổ về khiến cầu Ea Khanh trên quốc lộ 14 bị ngập sâu gần 1m, gây ách tắc giao thông nhiều giờ trên quốc lộ 14, đoạn qua thị trấn Ea Đrăng.

Tổng hợp từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk, đến chiều 17/9, mưa lớn còn làm cho các hồ thủy lợi Ea Ghin, Buôn Thia (xã Cư Né) và tràn xả lũ hồ thủy điện Cư Kpô (xã Cư Kpô), thuộc huyện Krông Búk có nguy cơ mất an toàn. Hiện tại, nước đã tràn qua thân đập hồ Buôn Thia; tràn xả lũ hồ Ea Ghin thoát nước không kịp, mức nước dâng chỉ cách đỉnh đập 0,5m; tràn xả lũ hồ thủy điện Cư Kpô do chưa thi công xong, nên không có khả năng thoát lũ, dễ dẫn tới vỡ đập.

Dự báo mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đoàn kiểm tra của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các huyện Ea H’leo và Krông Búk thực hiện phương án xả lũ các hồ thủy điện, thủy lợi, tổ chức lực lượng và phương tiện ứng trực tại những công trình dễ xảy ra vỡ đập, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập; tổ chức sơ tán dân ở vùng dễ xảy ra lũ quét cục bộ đến nơi an toàn, tránh để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiệt hại về tài sản. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cũng đã khẩn trương điều động lực lượng xuống ứng cứu giúp nhân dân trong vùng lũ sơ tán và khắc phục hậu quả của lũ quét.

Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể những thiệt hại về người và tài sản do lũ lụt gây ra.


Việt Dũng, Sỹ Thắng


Khắc phục hậu quả sạt lở, mưa lũ
Khắc phục hậu quả sạt lở, mưa lũ

Trước mắt, các tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có người chết, bị thương và hư hỏng nhà cửa; hót dọn sụt sạt, đảm bảo giao thông cho các tuyến giao thông nông thôn; xử lý, khắc phục tạm thời các công trình thủy lợi để đảm bảo nước sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN