Mùa 'gieo chữ' ở Đồng Sơn

Vượt qua hơn 20 km từ trung tâm huyện Tân Sơn, qua những trái núi cao ngất trời, những con đèo cua đến chóng mặt. Chúng tôi đến Đồng Sơn (Tân Sơn), xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ trước thềm năm học mới. Ở đó, chúng tôi được nghe kể và chứng kiến chuyện "gieo" chữ, chuyện học chữ của thầy và trò nơi đây.


Anh Hà Thanh Giáp, Phó Chủ tịch xã cho biết: Đồng Sơn là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ. Ở đây, có bảy dân tộc sinh sống, trong đó, chủ yếu là Mường, Dao. Trước đây, Đồng Sơn khó khăn mọi cái. Điện, đường, trường, trạm, cái gì cũng thiếu thốn, đời sống của nhân dân rất vất vả.


Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2005, được sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, đời sống kinh tế, xã hội của Đồng Sơn mới có những bước chuyển đáng kể. Đến nay, đường giao thông vào trung tâm xã đã được trải nhựa khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế và các dịch vụ công cộng khác cũng được xây dựng. Nhờ đó, đời sống của đồng bào nơi đây bớt đi những nhọc nhằn.


Đường về Đồng Sơn.


Dời trụ sở UBND xã, chúng tôi đến thăm các trường. Hiện nay, ở Đồng Sơn có đủ ba cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Cơ sở vật chất của các nhà trường được đầu tư xây dựng khá khang trang.


Tại trường Tiểu học Đồng Sơn, thầy Nguyễn Khánh Tường (45 tuổi)- Hiệu trưởng, người đã gắn bó với Đồng Sơn hơn chục năm, kể lại: “Cuối những năm 90, Đồng Sơn còn khó khăn lắm, đường từ trung tâm huyện vào là đường đất, những ngày trời mưa, đường trơn như đổ mỡ, phải đi bộ vào trường tới gần 20km. Nếu có xe máy đi, bánh xe quay ngang và phải cài thêm một thanh tre để cậy đất.


Ở Đồng Sơn, học sinh 100% là người dân tộc, trong đó, chiếm đại đa số là dân tộc Mường và Dao. Học sinh ở xa nhất cách trường 8 cây số. Đó là các bản như Bến Thân, Xóm Mới, nơi cuộc sống của người dân còn đặc biệt khó khăn.


Những năm trước đây, đường lên bản lầy lội, khó đi nên học sinh thường hay bỏ học, giờ đã có đường đổ bê tông nên cũng đỡ vất vả hơn. Những khi mưa lũ, nước tràn đường, học sinh không thể đến trường.


Thầy Tường cho biết, hiện nay, trường Tiểu học Đồng Sơn có hai điểm trường ở hai bản là Bến Thân và Xóm Mới. Ở những điểm trường này, có tới 86 học sinh người Mường và Dao ở đủ các khối lớp, trong đó, có 2 lớp ghép. Lớp học ở điểm trường cũng đã được xây dựng khang trang.


Trường THCS Đồng Sơn, nơi học tập của 164 học sinh dân tộc Mường.


Chuyện học chữ ở Đồng Sơn là cả một câu chuyện dài về sự miệt mài của thầy cô để cho con em đồng bào xuống núi học chữ. Do điều kiện kinh tế khó khăn, sự quan tâm đến việc học chữ của con em cũng hạn chế.


Hơn nữa, nhận thức về tầm quan trọng của việc học của người dân cũng chưa sâu sắc. Vì vậy, để cho trẻ em đúng độ tuổi ra lớp, trách nhiệm nặng nề vẫn thuộc về thầy cô bám trụ ở Đồng Sơn. Thầy Nguyễn Khánh Tường kể rằng, cứ đầu năm học, trường lại tổ chức đi vận động học sinh nghèo trên những bản xa để các em yên tâm đến lớp.


Khi đi vận động, thầy cô thường mang theo sách giáo khoa, nếu em nào không mua được thì cho hoặc cho mượn, như thế các em mới chịu xuống núi đến trường. Ngoài ra, trong năm học, ngoài việc dạy học 2 buổi/ ngày theo quy định, thì luyện thi học sinh giỏi rồi phụ đạo học sinh yếu, kém chủ yếu là do sự tự nguyện và tâm huyết của thầy cô chứ việc đóng góp của phụ huynh chỉ loáng thoáng. Hoặc nếu có chỉ là 20.000 đồng/tháng cho thầy cô đứng lớp.


Ở trường THCS Đồng Sơn, hè về, các em thường lên núi làm việc hay đi làm thuê nơi xa nên quên cả việc học. Vì vậy, nhà trường phải vất vả đi vận động để các em tiếp tục học. Học xong cấp 2, muốn học cấp 3, học trò nơi đây phải đạp xe gần 20 cây số đường dốc để học tại trường THPT Thạch Kiệt.


Học trò Đồng Sơn tại phòng ở bán trú.


Tại trường THCS Đồng Sơn, do học sinh lớn nên nhà trường không có điểm trường. Vì vậy, 94 em học sinh ở các bản như Bến Thân, Xóm Mới, Xóm Măng khăn gói xuống núi ở bán trú.


Tuy có phòng ở được xây dựng khang trang nhưng việc ăn của học trò bán trú còn khá khó khăn. Ngoài tiền trợ cấp của nhà nước, việc ăn hàng ngày của học sinh do phụ huynh thỏa thuận đóng góp và thuê người nấu. Đến bữa ăn, các phòng cử đại diện xuống bếp ăn lấy cơm và thức ăn về ăn theo phòng. Món ăn của các em đơn sơ chỉ có canh rau và đậu kho, có bữa có thịt nhưng không phải thường xuyên.


Nhìn các em ngồi quây quần ăn cơm trưa một cách ngon lành, thức ăn chỉ có đậu phụ kho và canh đu đủ loãng tệch, chúng tôi thấy rõ sự vất vả nhọc nhằn của các em học sinh người Mường nơi đây. Nhìn em nào tóc cũng vàng hoe, khuôn mặt đầy nắng đầy gió nhưng không mất đi sự hồn nhiên và hiếu học. Tuy vất vả nhưng theo lãnh đạo nhà trường, các em rất ham học, thích đi học và gắn bó với trường lớp. Tỷ lệ chuyên cần trong năm học vẫn đạt 100%.


Vì đây là hình thức trường bán trú dân nuôi nên cuộc sống của các em vẫn còn khá vất vả. Chỉ cách đây hai năm, khi người dân bản Bến Thân không có gạo ăn, cả nước chung tay hướng về cùng Đồng Sơn vượt đói thì ở khu nhà bán trú này, những chủ nhân tương lai cũng cùng chung cảnh đói. Khi ấy, đã từng có những bữa cơm giá chỉ 1.000 đến 2.000 đồng dành cho học trò Đồng Sơn.


Yêu nghề, thương học trò, các thầy cô ở Đồng Sơn đến từ nhiều huyện xa trong tỉnh như Thanh Sơn, Yên Lập, Tam Nông... bám trụ dạy học. Nhiều thầy cô ở lại Đồng Sơn, xây dựng gia đình và coi đây là quê hương thứ hai của mình.


Hiện nay, trường Tiểu học Đồng Sơn có 26 cán bộ giáo viên, trường THCS có 18 CBGV. Hầu hết các thầy cô đều ở tập thể trong khuôn viên trường. Dạy học ở Đồng Sơn, ngoài việc dạy chữ, các thầy cô còn gánh thêm trách nhiệm nặng nề hơn qua những chuyến lên núi vận động học trò, động viên các em ra lớp.


Bữa ăn trưa của học sinh bán trú trường THCS Đồng Sơn.


Về Đồng Sơn hôm nay, tuy còn nhiều gian khó ở phía trước nhưng bằng sự nỗ lực, chung tay của chính quyền, nhân dân và đặc biệt là sự tâm huyết của các thầy cô giáo, hệ thống trường lớp tương đối khang trang.


Ở cả ba cấp học, trường đều được xây dựng cơ bản. Riêng trường THCS có 8 phòng học, 2 phòng chức năng với 164 học sinh dân tộc Mường. Trường Tiểu học Đồng Sơn có 17 phòng học, 4 phòng học cấp 4.


Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Tường cho biết, hiện nay nhà trường đã hoàn thiện đủ các tiêu chí trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, qua nhiều lần kiểm tra đến nay đang chờ quyết định. Tuy là giáo dục ở vùng khó khăn nhưng ở các nhà trường, chất lượng hai mặt giáo dục của học sinh trong những năm qua tăng đáng kể và có học sinh đoạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện.


Khi được hỏi về công tác giáo dục ở Đồng Sơn, anh Hà Thanh Giáp cho biết, cùng với sự đổi thay và phát triển của xã, giáo dục Đồng Sơn hôm nay đã có nhiều khởi sắc, mặc dù vẫn còn nhiều những khó khăn trước mắt.


Anh cho biết, xác định được phát triển giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu và trọng tâm để thay đổi diện mạo của xã nên trong những năm qua, UBND xã Đồng Sơn đã đề xuất với cấp trên thường xuyên quan tâm và đầu tư để kiên cố hóa cơ sở hạ tầng trường lớp học cũng như đời sống của anh chị em giáo viên. Xã còn tích cực làm công tác tuyên truyền tới nhân dân về mục đích của việc đưa con em tới trường, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để xây dựng khu tập thể cho các thầy cô giáo.


Tạm biệt Đồng Sơn, chúng tôi biết việc học chữ nơi đây vẫn còn lắm nhọc nhằn, và vẫn mong đợi hơn nữa sự chung tay của xã hội để con chữ được “gieo” tận nơi núi cao, rừng thẳm.



Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN