Mùa cào ruốc trên biển Hội An

Ngoài cái nghiệp vươn biển ra khơi đánh bắt, những ngư dân vùng biển Hội An (Quảng Nam) có thêm nghề cào ruốc biển, cái nghề tay trái làm theo vụ mùa này bao năm qua trở thành kế sinh nhai của ngư dân vào những mùa nước lớn, biển động…


Chạy dọc men theo tuyến đường biển An Bàng - Cửa Đại (thành phố Hội An, Quảng Nam) những ngày này đâu đâu cũng bắt gặp bóng dáng của những ngư dân ngực trần, chân đất đạp trên đầu con sóng cuộn tròn vỗ vào bờ, giăng những mẻ lưới kéo hàng cây số để cào ruốc tươi vào thời điểm ruốc từ ngoài miền biển xa theo sóng biển trôi dạt vào bờ.


Làm theo vụ mùa


Cứ đến trung tuần tháng 11, ngư dân vùng biển Hội An lại bắt đầu rạo rực chuẩn bị ngư cụ bước vào mùa cào ruốc trên biển. Có mặt tại vị trí giao thoa giữa hai bãi biển An Bàng - Cửa Đại lúc tờ mờ sáng, chúng tôi bắt gặp từng đoàn người nối đuôi nhau theo từng tốp, từng tốp phân bổ trải dài hàng chục kilômét đường biển bắt đầu một ngày cào ruốc thâu trưa bởi mùa ruốc chỉ kéo dài trong vài tháng nên ai cũng tranh thủ những lúc “gác chân” ra khơi đánh bắt để bươn chải kiếm thêm thu nhập từ cái nghề ăn theo mùa vụ này. “Ở đây hầu như nhà nào nhà nấy đều có người đi cào ruốc.


Đàn ông trai tráng mạnh khỏe thì đảm đương việc cào vớt ruốc, phụ nữ trẻ con thì phụ giúp kéo lưới đưa lên bờ. Công việc dãi dầu mưa nắng này tuy vất vả nhưng ai nấy đều xúm xuýt mỗi người một tay nên cũng thấy vơi đi nỗi nhọc nhằn và vui lắm”, anh Nguyễn Văn Kì, một người dân phường Cửa Đại, người đã có thâm niên hơn 10 năm làm công việc cào ruốc ven bãi biển Cửa Đại chia sẻ.

Mỗi người một đầu giăng lưới cào ruốc.

Cùng nhau đưa ruốc vào bờ.


Theo những người dân quanh năm sống chủ yếu bằng ngư nghiệp thì nghề cào ruốc chỉ làm theo vụ mùa. Mùa cào ruốc bắt đầu từ tháng 11, khi ruốc biển theo những con sóng ngoài xa trôi dạt vào bờ thì cũng là lúc ngư dân trong vùng bắt đầu cho cuộc “hành trình” cào vớt ruốc cho đến hết thời điểm tháng 3, tháng 4 năm sau. “Cũng tùy vào thời tiết trên biển mà ruốc vào sớm hay muộn, có năm đến tháng 12 nơi đây mới bắt đầu bước vào mùa ruốc.


Những năm trước đây vùng ven biển này nước ô nhiễm nhiều nên ruốc khi dạt vào đây bị chết nổi lềnh bềnh dày cộm, bây giờ biển đã trong lành nhờ được giữ gìn vệ sinh nên nói chung bước vào vụ mùa, người làm nghề này ai cũng bội thu, những năm trước có những ngày quăng lưới thất bát lắm”, chị Trần Thị Thà, ngư dân đánh bắt cá gần bờ và cũng là người cào ruốc gần 20 năm qua cho hay.


Thu nhập cao


Nghề cào ruốc theo mùa vụ tưởng chừng như chỉ là cái nghề cải thiện cuộc sống kinh tế vốn khó khăn của những ngư dân vùng biển, ấy vậy mà chính cái nghề này là chiếc cần câu “hái” ra tiền với một nguồn thu nhập dồi dào giúp người dân phất lên như diều gặp gió.


Xắn quần, xắn áo, lọc cọc giẫm lên những con sóng vỗ dập dìu theo chân tốp người đang hăng say cào mẻ ruốc mà họ dự đoán rằng sẽ trúng đậm, chúng tôi hỏi về thu nhập sau một ngày cào ruốc. Vừa nhoi mình từ dưới đáy cát kéo mẻ lưới nhập gọn lại, anh Phan Như Lành cười giòn tan giữa bòng bong sóng nước vỗ vào mặt, đáp lời: “Nói không ngoa chứ ngày thường mỗi lao động ở đây cũng kiếm được đôi ba trăm, có hôm lượng ruốc lớn thì kiếm được năm, sáu trăm ngàn chú à”.

Niềm vui bên mẻ ruốc vừa cào được.


Cũng theo anh Lành cho biết, như tốp anh có 6 người cùng thay phiên kéo chung một lưới, mỗi ngày cào trung bình từ 1,7 - 2 tạ ruốc tươi và với giá ruốc dao động trong khoảng 15 - 18 nghìn đồng/kg, như vậy sau một ngày làm công việc này đang mang lại những lợi ích thiết thực trông thấy cho các ngư dân quanh năm bám biển mưu sinh.



Bài và ảnh: Thanh Ba

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN