Một công dân thắng kiện UBND thành phố Điện Biên Phủ

Ngày 11/9 trong phiên xét xử lại, Toà án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ đã tuyên cho công dân thắng kiện UBND thành phố Điện Biên Phủ, khi người này khởi kiện các quyết định hành chính của  về việc xử lý các vướng mắc về đất đai.

Đáng chú ý là cách đây gần 7 tháng, vụ kiện này cũng đã được Toà án thành phố Điện Biên Phủ xét xử với kết quả hoàn toàn trái ngược.

Vụ kiện trên là một phần trong một vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra đã 17 năm, song đến nay vẫn chưa được chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên giải quyết.

Nội dung của vụ việc khá phức tạp, có thể tóm tắt lại như sau: Năm 1996, khi trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu chuyển về địa điểm hiện nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã tổ chức qui hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư cho phù hợp với khu đô thị của một tỉnh lỵ. Theo đó, các cụm dân cư được qui hoạch lại để tất cả các hộ dân phía trước và phía sau đều tiếp giáp mặt đường và đủ diện tích làm nhà, loại bỏ các con đường dân sinh, ngõ xóm . Đồng thời cấp Giấy tạm giao đất cho những hộ đã sinh sống ổn định tái định cư tại chỗ.

Tại khu vực đối diện chân đồi A1, giáp mặt đường Quốc lộ 279, có 5 hộ dân đã được Sở Địa chính tỉnh Lai Châu (cũ) cấp Giấy tạm giao đất với diện tích sử dụng là 90m2, chiều rộng bám mặt đường 4,5m.

Song do sai sót của cơ quan chuyên môn đã cấp trùng 2 hộ vào một ô đất, khiến cho hộ bà Chu Thị Thìn ở phía sau không thể nhận phần đất giáp mặt đường của mình, nên vẫn phải sử dụng con đường dân sinh cũ đi vào khu tập thể Thương nghiệp huyện Điện Biên. Con đường này theo qui hoạch mới đã được thu hồi để giao cho 2 hộ phía trước là bà Nguyễn Thị Sinh và ông Vũ Thế Đệ.

Sai sót này cũng đã khiến cho chính quyền địa phương không thể thực hiện bàn giao đất trên thực địa cho các hộ gia đình trên.

Năm 2010, bà Nguyễn Thị Sinh khởi kiện bà Chu Thị Thìn, đòi lại con đường đi qua phần đất của 2 nhà. (bà Sinh đã mua toàn bộ phần đất của ông Vũ Thế Đệ, do có tranh chấp nên chưa làm thủ tục chuyển nhượng được).

Toà án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên căn cứ theo giấy tạm giao đất, qua các bản án sơ thẩm và phúc thẩm (Bản án số 12/2010) đã tuyên bà Chu Thị Thìn phải trả lại phần đất trên cho bà Sinh. Sự việc trên đã khiến gia đình bà Thìn mất lối đi duy nhất vào nhà mình, nên đã gửi đơn khiếu nại tới chính quyền các cấp.

Để giải quyết vụ việc tồn đọng kéo dài quá lâu, UBND tỉnh Điện Biên căn cứ vào kết quả xác minh của Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền cơ sở đã ra Quyết định 905 ngày 9/9/2011, chỉ đạo UBND thành phố Điện Biên Phủ thu hồi, huỷ bỏ Giấy giao đất tạm thời của 5 hộ trên và điều chỉnh lại theo hướng chia đều.

Thực hiện chỉ đạo của cơ quan cấp trên, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã lần lượt ra các Quyết định 667, 780 về việc thu hồi và huỷ bỏ Giấy tạm giao đất do Sở Địa chính tỉnh Lai Châu cấp cho 5 hộ trên vào năm 1996, điều chỉnh lại diện tích của các hộ trên theo phương án chia đều vì qũy đất giáp ranh đã hết, các hộ trên lại đều đề nghị tái định cư tại chỗ. Theo phương án trên, mỗi hộ có diện tích được giao từ 90m2 ban đầu, nay chỉ còn lại 65m2.

Phản đối các quyết định của UBND thành phố Điện Biên Phủ, bà Nguyễn Thị Sinh đã khởi kiện. Tại phiên toà ngày 27/2/2012, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ đã tuyên bố: Bác yêu cầu của các nguyên đơn vì UBND thành phố đã thực hiện theo Quyết định của cơ quan hành chính cấp trên và căn cứ theo Luật Đất đai, cùng các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, qui hoạch sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Tuy nhiên sau đó, Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên toà phúc thẩm, huỷ bản án trên và yêu cầu Toà án thành phố xét xử lại.

Theo quan điểm bà Thẩm phán Vũ Thị Hương, Chủ toạ phiên toà ngày 11/9 thì các Giấy tạm giao đất của 5 hộ gia đình trên vẫn có giá trị pháp lý khẳng định quyền sử dụng đất; Bản án số 12 ngày 11/8/2010 của Toà án nhân dân tỉnh về việc giải quyết tranh chấp lối đi giữa bà Sinh và bà Thìn có hiệu lực pháp luật, bảo vệ quyền sử dụng diện tích đất trên của gia đình bà Nguyễn Thị Sinh.

Từ các căn cứ đó, Hội đồng xét xử đã chấp nhận các yêu cầu của bên khởi kiện, yêu cầu UBND thành phố Điện Biên Phủ huỷ bỏ các Quyết định 667, 780 và 2 Quyết định số 42, 43 về việc thu hồi, điều chỉnh và giao đất làm nhà ở cho bà Nguyễn Thị Sinh và ông Vũ Thế Đệ.

Được biết trước đó, phiên toà trên đã mở lúc 14h ngày 13/8 song phải tạm hoãn, do người đại diện của chính quyền thành phố là ông Đỗ Quốc Thăng vắng mặt không có lý do. Tuy nhiên, theo giấy triệu tập của Toà án thành phố ký ngày 10/8, thì đến 9h ngày 13/8 (trước khi xét xử 5h), ông Thăng mới nhận được nên từ chối tham gia (do ngày 11- 12 là ngày nghỉ, Bưu điện không chuyển công văn).

Với cách giải quyết thiếu thống nhất của chính quyền và cơ quan xét xử thành phố Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên, có lẽ vụ việc trên dù đã diễn ra tới 17 năm, nhưng sẽ không bao giờ có hồi kết. Đó là bởi bên khởi kiện và cơ quan xét xử căn cứ chủ yếu vào Bản án số 12 của Toà án nhân tỉnh Điện Biên, trong khi theo giới chuyên môn, đây là Bản án vừa thiếu căn cứ pháp lý, lại không có tình người.


Chu Quốc Hùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN