Mọi quận huyện Hà Nội sẽ có cảnh sát phòng cháy chữa cháy

Tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội thời gian qua diễn biến phức tạp khi hỏa hoạn xảy ra với tần suất dày, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Nguy cơ "bà hỏa" hỏi thăm vẫn tiềm ẩn khi những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy chưa được khắc phục triệt để; ý thức chủ quan, sự thiếu bài bản trong đào tạo về phòng, chống và xử lý các tình huống phát sinh hỏa hoạn của bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn.


Thời gian qua Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ lớn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN



Diễn biến cháy nổ phức tạp


Nhiều người dân Hà Nội hông thể quên được vụ cháy quán Karaoke Nhật Thực ở ngõ 43 phố Giảng Võ vào trưa 3/5/2014 khiến 5 người thiệt mạng. Ám ảnh họ là cảnh thân nhân của các nạn nhân như hóa điên khi không thể tiếp cận được hiện trường, nơi họ tin còn người thân mắc kẹt. Chung quanh khu vực xảy ra hỏa hoạn là hàng trăm người tụ tập, người khóc, người gọi điện thoại cho người thân, bạn bè.


Phải hơn 1 giờ đồng hồ nỗ lực dập lửa, lực lượng phòng cháy chữa cháy cùng 4 xe phun nước mới khống chế được hoả hoạn. Cảnh sát đã phải đập cửa kính để tiếp cận hiện trường và thông khói.


Vụ cháy gần đây, khoảng 20 giờ ngày 23/12, lửa bốc cao dữ dội tại toàn bộ 5 tầng của Thẩm mỹ viện Bally ở 463 đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, sau đó lan sang hai ngôi nhà liền kề. Dù không có thiệt hại về người, song nhiều tài sản của thẩm mỹ viện bị "bà hỏa" thiêu rụi. 


Trước đó, 0 giờ ngày 22/12, 13 gian hàng chủ yếu là thực phẩm khô và đồ dùng gia đình tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy) bị lửa "hóa vàng" gây thiệt hại nặng về kinh tế đối với các tiểu thương. Hay như vụ cháy rừng Sóc Sơn xảy ra vào ngày 17/12 cũng biến thành than 4 ha rừng tại xã Đồng Quang. Trưa 11/12, do lửa "ghé thăm", 25 gian hàng tại chợ Nhật Tân trên đường Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ đã hóa tro số tài sản, hàng hóa trị giá lên tới hàng tỷ đồng. Hỏa hoạn khiến không ít người ngất xỉu vì trong phút chốc rơi vào cảnh trắng tay.


Theo báo cáo mới nhất của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 166 vụ cháy nổ, làm 18 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 200 tỷ đồng. Nếu so sánh với năm 2013, tăng 5 vụ, thiệt hại về tính mạng tăng lên 12 người, thiệt hại tài sản tăng 150 tỷ. Trong đó, hỏa hoạn tại nhà dân, khu dân cư chiếm tỷ lệ cao với 42%; cháy xưởng sản xuất và các nhà kho chiếm 24%; cháy trong các cơ quan, thành phần kinh tế tư nhân là 29 vụ, chiếm 12%.


Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, có 2 nguyên nhân trực tiếp và cơ bản dẫn đến các vụ cháy nổ trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Đó là do sự cố của hệ thống điện khi các thiết bị tiêu thụ điện chiếm một tỷ lệ rất lớn với 101 vụ, chiếm gần 61% và sự sơ suất trong sử dụng lửa, nguồn nhiệt thiết bị sinh lửa sinh nhiệt và các chất gây cháy nổ như ga, hóa lỏng… khi số vụ cháy trong trường hợp này chiếm 21%.


 Phủ kín mạng lưới phòng chống cháy nổ


Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ ở Hà Nội thời gian qua đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, nhưng bước đầu có thể thấy, hỏa hoạn hầu hết đều bắt nguồn từ sự chủ quan, bất cẩn của bộ phận không nhỏ người lao động. 


Như vụ cháy quán Karaoke Nhật Thực ở ngõ 43 phố Giảng Võ khiến 5 người thiệt mạng, theo một số người chứng kiến, trước khi xảy ra vụ việc có tiếng nổ nhỏ, có khả năng là do chập điện ở tầng một. Vụ cháy Thẩm mỹ viện Bally trên đường Kim Mã tối 23/12 được xác định là có khả năng do thợ hàn xì trong lúc làm biển quảng cáo đã bất cẩn gây hỏa hoạn khiến 2 ngôi nhà khác chịu vạ lây. 


Nguyên nhân này cũng gần như tương tự với vụ cháy ngày 19/11/2013 tại khu vui chơi giải trí Zone 9 tại số 9A phố Trần Thánh Tông, làm 6 người chết. Các vụ cháy chợ Nhật Tân, chợ Đồng Xa… đều được cơ quan chức năng xác định bước đầu là do chập điện.



Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội: Ý thức chủ quan, hoặc sự thiếu hiểu biết của chính thợ hàn, thường là các lao động tự do, đã dẫn đến tình trạng mất an toàn khi hàn xì, sửa chữa, lắp đặt các công trình, từ đó dẫn đến cháy, nổ.


Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho rằng: Nguyên nhân chủ quan dẫn đến cháy nổ liên tục trong thời gian qua chính là tác động của con người. Hiện nay nhiều người đứng đầu các đơn vị cơ sở, các cấp chính quyền, các hộ gia đình chưa nhận thức, đánh giá hết mức độ nguy hiểm, thiệt hại khi xảy ra cháy nổ Nhiều cán bộ cơ sở không thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Việc tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy của các cấp chính quyền, hộ gia đình không được cập nhật, nên thiếu biện pháp phòng ngừa, không biết xử lý tình huống khi xảy cháy. Nhiều cơ quan không đầu tư kinh phí đầy đủ cho yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy. Nên khi cháy nổ xảy ra, các phương tiện hoạt động không có hiệu quả, thậm chí không hoạt động được, không đáp ứng được yêu cầu về phương tiện chữa cháy tại chỗ.


Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, thực tế là nhiều đơn vị chỉ tập trung vào công tác bảo vệ an ninh trật tự, bỏ qua công tác bố trí lực lượng để đảm bảo an toàn phòng cháy, giải quyết đám cháy ngay từ ban đầu. Do thiếu và yếu về trang bị phương tiện,  nên khi xảy cháy thì lúng túng, không có người, phương tiện không hoạt động, không nắm bắt được quy trình tổ chức chữa cháy. Có đơn vị khi xảy ra cháy chủ động chữa cháy đến 15 phút, nhưng sau không giải quyết được đám cháy, mới gọi cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.


Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng mạng lưới cảnh sát phòng cháy chữa cháy phủ kín 20 quận, huyện để góp phần giảm thời gian chữa cháy. 


Tuy nhiên, để khống chế số vụ cháy, ngăn chặn cháy to, cháy lớn, cùng với phát động phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy và nhất là để chặn nguy cơ gây cháy trên địa bàn thành phố, thì trước khi lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thực hiện trách nhiệm của mình, người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành phải khắc phục những tồn tại, yếu kém ở chính cơ quan, địa phương, hộ gia đình. Công tác phòng cháy chữa cháy phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.



Hạnh Quỳnh

TP Hồ Chí Minh phòng chống cháy nổ cuối năm
TP Hồ Chí Minh phòng chống cháy nổ cuối năm

Vụ cháy lớn xảy ra ở phường 7, quận 3, ở TP Hồ Chí Minh, làm một người tử vong và 8 căn nhà bị hư hại nặng vào đêm 30/12 một lần nữa lại dóng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy nổ cao tại một số khu dân cư, điểm kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN