Mỗi người dân là tuyên truyền viên phòng, chống sốt xuất huyết

Hiện nay, sốt xuất huyết đang vào mùa cao điểm, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Tại Bến Tre, số ca mắc có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngành Y tế tỉnh Bến Tre tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và sự phối hợp của người dân, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng ở khu vực nguy cơ cao, góp phần kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Không nên chủ quan, lơ là

Ghi nhận của phóng viên tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, số ca mắc sốt xuất huyết những ngày đầu tháng 7/2022 có xu hướng tăng. Chị T.T.H.O, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, cho biết con gái của chị (em N.A, 7 tuổi) đang học lớp 1, sau khi đi học thì sốt cao, gia đình đưa đi khám và có dùng thuốc điều trị nhưng vẫn sốt liên tục, kèm nôn ói, tiêu chảy. Sau đó, gia đình cho em nhập viện thì được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Denge nặng và được chuyển vào Phòng Hồi sức tích cực, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu theo dõi. Sau 2 ngày, bé N.A có giảm sốt, chỉ uống được chút ít sữa và vẫn phải thở máy, theo dõi tại Khoa.

Khi xung quanh nhà phát hiện liên tiếp nhiều ca mắc sốt xuất huyết, gia đình chị Ngô Thị Nhịp ở ấp 2, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, đã chủ động dọn dẹp nhà cửa, diệt lăng quăng. Tuy nhiên, sau 15 ngày, kể từ ca mắc đầu tiên ghi nhận ở hộ bên cạnh nhà, bé gái con chị Nhịp cũng có dấu hiệu sốt. Không chỉ con gái, con trai 7 tuổi của chị cũng mắc sốt xuất huyết sau đó không lâu. Do có yếu tố nguy cơ, ngay từ khi trẻ có biểu hiện sốt cao khó hạ, gia đình đã đưa đến bệnh viện để xét nghiệm. Đến nay, sau thời gian điều trị vài ngày, cả hai cháu đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.

Chị Nhịp chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm, cách tốt nhất để phòng bệnh là ngăn ngừa muỗi đốt gây bệnh. Ngoài việc gia đình chủ động biện pháp phòng, chống, chị cho rằng nên đưa kiến thức về sốt xuất huyết vào trường học, qua đó tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh về tình hình sốt xuất huyết, hướng dẫn các em biện pháp phòng tránh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thông tin, những ngày đầu tháng 7, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 10 bệnh, đa phần có biểu hiện sốc, sốt. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết thường có hiện tượng sốt đi, sốt lại và diễn tiến bất thường. Dấu hiệu sốt xuất huyết thường gặp là đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt hạ nhưng sau đó sốt trở lại. Hai ngày đầu có thể kèm theo một số triệu chứng khác như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như các triệu chứng cảm cúm; sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Khi có biểu hiện sốt cao, bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán xem có bị sốt xuất huyết không. Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi, hạ sốt tại nhà. Khi sốt liên tục trên 2 ngày với các biểu hiện nặng phải nhập viện để tránh diễn biến xấu. Đặc biệt, với trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam máu răng, tay chân lạnh, ói ra máu… cần phải nhập viện cấp cứu kịp thời. Nếu để chậm có thể sốc sâu, chậm phục hồi, thậm chí dẫn đến tử vong.

Hiện chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết. Để phòng bệnh, người dân cần chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà, chú ý mắc màn khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu khuyến cáo.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 682 ca mắc sốt xuất huyết tại 9 huyện, thành phố, trong đó có 11 ca bệnh nặng, chưa ghi nhận ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tăng 287 ca.

Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh

Tại ấp Long Hiệp, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, nơi ghi nhận 4 ca sốt xuất huyết, Tổ y tế cộng đồng đã đến từng hộ gia đình phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết cũng như cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Người dân được hướng dẫn biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, xử lý vật dụng chứa nước có lăng quăng, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy, tất cả dụng cụ chứa nước đều có nắp đậy để muỗi không vào đẻ trứng.

Qua tuyên truyền, bà Lưu Thị Thùy Hương, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách đã nhận thức rõ, sốt xuất huyết là bệnh lưu truyền quanh năm nhưng cứ vào mùa mưa, bệnh lại “nóng”. Nguyên nhân do tập quán sống của dân thường sử dụng nhiều vật dụng chứa nước mưa nhưng đôi khi không xử lý tốt, tạo điều kiện cho muỗi vằn đẻ trứng và phát triển.

Từ các nguồn thông tin, bà Hương biết rằng bệnh sốt xuất huyết không có vaccine cũng như thuốc đặc trị nên theo bà “phòng còn hơn chống”. Vì vậy, bà sẽ tuyên truyền tất cả mọi người ở khu vực dân cư chấp hành dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên nhà ở cũng như môi trường xung quanh không để cho muỗi có điều kiện sinh sản, phát triển.

Theo bác sĩ Trần Hưng Nam, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, sốt xuất huyết có tính chu kỳ 3 - 4 năm/lần, do đó có khả năng năm 2022 hay 2023 có thể lặp lại chu kỳ. Dự báo, giai đoạn sắp tới số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng do thời tiết bước vào mùa mưa. Do đó, nhằm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngành Y tế đã tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và sự phối hợp của người dân về bệnh sốt xuất huyết, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng ở khu vực nguy cơ cao.

Ngoài ra, khi xuất hiện các ổ dịch, ngành chuyên môn xử lý đúng quy trình. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành chuyên môn đã chỉ định dập dịch diện rộng tại 6 ấp thuộc các huyện Ba Tri, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, xử lý 240 ổ bệnh nhỏ...

Trước nguy cơ sốt xuất huyết tăng cao, ngành Y tế theo dõi chặt tình hình qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cũng như báo cáo từ tuyến dưới, vẽ biểu đồ theo dõi xu hướng của bệnh, kịp thời đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Ngành Y tế cũng thực hiện giám sát trọng điểm tại Bệnh viện Cù Lao Minh để nắm tình hình số ca mắc, lấy mẫu xét nghiệm phân lập virus Dengue; khoanh vùng địa bàn nguy cơ cao để có biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh....

Chương Đài (TTXVN)
Bộ Y tế phân tuyến điều trị sốt xuất huyết như thế nào?
Bộ Y tế phân tuyến điều trị sốt xuất huyết như thế nào?

Bộ Y tế phân công cụ thể các tuyến thu dung, điều trị theo mức độ nặng của người bệnh sốt xuất huyết để chủ động điều trị, giảm tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN