Miền Nam hướng về Giỗ Tổ

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) từ lâu đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc và in đậm trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt, dù họ ở nơi nào. Tại TP Hồ Chí Minh, người dân cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để hướng về ngày Quốc giỗ.

Giáo dục truyền thống yêu nước

Năm nào cũng vậy, vào đúng ngày Giỗ Tổ gia đình ông Đỗ Thanh Diệp (ngụ ở Thủ Đức) lại chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như bánh chưng, bánh giày, hoa quả… theo nghi lễ truyền thống để cúng giỗ các Vua Hùng ngay tại nhà. Ông Diệp tâm sự: “Là một người con đất Việt, dù đi đâu tôi vẫn giáo dục cho con cháu nhớ phải luôn hướng về cội nguồn, nhớ đến những anh hùng dân tộc đã cho chúng ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay. Vì vậy, ngày này các con cháu cũng tụ họp đông đủ ở nhà tôi, đó là niềm vui và hạnh phúc, niềm tự hào nhất, vì không ai có thể quên cội nguồn dân tộc.

Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Thành phố Hồ Chí Minh thường đến các khu đền thờ tưởng niệm các Vua Hùng để dâng hương, dâng hoa.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm trong cả nước đã trở thành một ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp và hướng về Tổ quốc. Trong dịp này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động lễ Tế, văn hóa văn nghệ nhằm thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Gói bánh chưng khổng lồ

Đai diện Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết: Công viên đang thực hiện một chiếc bánh chưng khổng lồ để dâng hương trong nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay. Đây là chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn, được gói và nấu ngay tại công viên từ ngày 11 - 15/4.

Để thực hiện chiếc bánh chưng này, Ban tổ chức đã chuẩn bị 1.200 kg nếp, 300 kg đậu xanh, 200 kg thịt heo, 300 kg lá chuối, 50 kg lá dong và 50 nghệ nhân sẽ cùng thực hiện gói bánh. Sau khi cúng Quốc Tổ xong, chiếc bánh chưng khổng lồ sẽ được cắt ra và mời tất cả khách tham quan. Bởi chiếc bánh có trọng lượng tới 2,5 tấn nên đủ phục vụ cho hơn 1.000 người thưởng thức.

Song song với nghi thức cúng lễ tại các gia đình, các địa điểm có đền thờ các Vua Hùng tại TP Hồ Chí Minh như: Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Thảo cầm viên, Công viên Tao đàn, công viên Văn hóa Suối Tiên… hàng năm cũng luôn thu hút hàng ngàn người dân thành phố đến đây để thắp hương, hướng về cội nguồn trong ngày Quốc Giỗ trọng đại của cả dân tộc. Địa điểm chính diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm tại TP Hồ Chí Minh lại là khu đền thờ tưởng niệm các Vua Hùng đặt tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc. Hàng năm, nơi đây luôn là địa điểm thu hút đông đảo người dân thành phố đến thắp hương, tưởng niệm và tri ân các Vua Hùng và các bậc tiền hiền.

“Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm tại khu tưởng niệm các Vua Hùng (Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc quận 9) là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công đức của các vị Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ Giỗ Tổ còn là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của người dân. Đồng thời, nhằm tôn vinh giá trị di sản “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Trịnh Xuân Huy, Phó Giám đốc Khu đền thờ tưởng niệm các Vua Hùng cho biết thêm.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Theo ông Trịnh Xuân Huy, từ năm 2009, Ban tổ chức các ngày lễ lớn thành phố đã chuyển hoạt động chính của Giỗ Tổ Hùng Vương tại thành phố về Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc. Thành phố cũng yêu cầu phần lễ phải được thực hiện trang nghiêm, trọng thể, còn phần hội phải đảm bảo tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh. Vì vậy, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay cũng có nhiều nét mới khi kết hợp hài hòa giữa phần lễ và hội, đan xen trong các hoạt động văn hóa gian dân truyền thống và hiện đại để phục vụ cho nhân dân, du khách về tham dự.

Trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, các lễ hội với những trò chơi dân gian truyền thống luôn thu hút nhiều em thiếu nhi tham gia.

“Trong phần lễ sẽ có các đoàn rước lễ vật như bánh chưng, bánh giày, trái cây… dâng lên các Vua Hùng tại khu đền thờ. Việc lễ Tế sẽ được thực hiện theo nghi thức cổ truyền của dân tộc, cuối cùng là các lãnh đạo thành phố và người dân sẽ tham gia dâng hương tại khu đền thờ. Những nghi thức này thể hiện lòng thành kính của người dân thành phố dâng lên các Vua Hùng với ý nghĩa tưởng nhớ Tổ tiên, công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước cho con cháu đời này”, ông Huy cho biết thêm.

Song song với lễ Giỗ Tổ, nhiều hoat động hội cũng sẽ được diễn ra tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc như Hội trại Tự hào nòi giống Tiên rồng với sự tham gia của 1.000 trại viên là đoàn viên, sinh viên, chiến sỹ thuộc các trường đại học, cao đẳng, quận huyện, đơn vị quân sự; hội sách do Công ty Fahasa thực hiện với 20.000 bản sách quốc văn và ngoại văn; Tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn như ném lon, đi cầu khỉ, ô ăn quan… Triển lãm trà Việt, biểu diễn Võ cổ truyền, biểu diễn các chương trình văn hóa - văn nghệ…

Theo ông Huy, khu Tưởng niệm các Vua Hùng hàng năm luôn đón khoảng 200.000 lượt khách đến tham dự lễ Giỗ Tổ. Vào dịp lễ này, rất nhiều người dân sinh sống và làm việc tại thành phố còn mang theo hoa quả, trái cây, lễ vật… đến đây để làm nghi lễ cúng giỗ. Họ còn dắt theo con cháu đến tham quan, tìm hiểu về nguồn gốc tổ tiên, cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Chúng ta rất tự hào về cội nguồn thiêng liêng và đất nước ngàn năm văn hiến của Việt Nam. Thể hiện điều này, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố nguyện sống xứng đáng với công đức của các Vua Hùng, tổ tiên, các bậc tiền nhân. Tiếp thu những giá trị truyền thống của cha ông, thế hệ chúng ta cần tiếp tục giữ gìn, vun bồi truyền thống yêu nước, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố nói riêng và đất nước nói chung”.

Cũng chính từ lòng thành kính, biết ơn các Vua Hùng mà từ ngàn xưa cha ông chúng ta đã luôn nhắc nhở nhau:

“Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Thời tiết khu vực Hà Nội và Việt Trì trong dịp Giỗ Tổ
Thời tiết khu vực Hà Nội và Việt Trì trong dịp Giỗ Tổ

Để người dân và du khách chủ động đi lại trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương 16/4 (tức 10/3 Âm lịch), Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phát hành bản tin dự báo diễn biến thời tiết ngắn hạn cho khu vực Hà Nội và Việt Trì (Phú Thọ), từ ngày 14 đến ngày 18/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN