“Mạnh tay” với doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài không phép

Ba năm qua, số lượng lao động nước ngoài vào nước ta làm việc không ngừng tăng. Xu hướng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), để quản lý tốt hơn các đối tượng này, cần “mạnh tay” hơn trong việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật quy định về việc cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Tăng do nhu cầu

Thống kê từ Cục Việc làm cho thấy số lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tăng đáng kể, nhất là 3 năm gần đây. Năm 2008, mới có 52.633 người. Đến giữa năm 2011, con số này đã lên tới trên 74.000 người. Lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến từ 60 quốc gia trên thế giới. Chiếm quá nửa số lao động này là người có quốc tịch châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia…). Số lao động có trình độ đại học, trên đại học chiếm 48,3%. Trong đó, số làm theo hợp đồng lao động từ 24 tháng – 36 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất (76,4%). Còn lại là lao động làm việc theo hợp đồng dưới 12 tháng.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, có hai nguyên nhân chính. “Trước hết, do xuất phát từ thu hút đầu tư nước ngoài tăng khiến tăng nhu cầu lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, do hiện nay nước ta có nhiều ngành, lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ, đòi hỏi người nước ngoài có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm để đảm đương. Với đà thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta hiện nay, việc phát triển các lĩnh vực mới, công nghệ mới, các lĩnh vực, ngành nghề mới, thì người nước ngoài vào Việt Nam sẽ còn tăng lên”, ông Trung nhấn mạnh.

Cần có cơ chế kiểm tra giám sát doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài chặt hơn. Ảnh: Anh Huy


Nghị định 34/2008/ NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ đã quy định: Người nước ngoài vào Việt Nam theo 6 hình thức: Thực hiện hợp đồng lao động (tuyển lao động nước ngoài vào Việt Nam làm cho các doanh nghiệp); di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế; nhà cung cấp các dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; đại diện cho các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam. “Hình thức được dư luận quan tâm nhất là lao động được tuyển trực tiếp vào Việt Nam làm theo hợp đồng lao động”, ông Trung nói.

“Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đang được chúng ta thu hút. Họ phải đóng lệ phí cấp phép lao động, visa, các thủ tục cấp phép lao động”.

Cần những biện pháp quyết liệt

Rút ngắn thời gian cấp giấy phép
Theo Nghị định 46/2011/NĐ-CP, việc cấp giấy phép lao động và gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được rút ngắn xuống còn 10 ngày. Nếu cấp lại, chỉ mất khoảng 3 ngày. Người nước ngoài được gia hạn giấy phép lao động phải nộp kèm bản sao hợp đồng học nghề. Nội dung này chỉ áp dụng với đối tượng vào làm việc theo hợp đồng lao động. Việc quy định này không vi phạm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại và dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

“Trên thực tế vẫn còn một số lao động chưa được cấp giấy phép lao động. Chủ yếu, chúng tôi cho rằng, ý thức, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc tuân thủ pháp luật của nước ta. Xem ra, còn có thể do mức xử lý các vi phạm của chúng ta còn thấp, chưa đủ sức để buộc các doanh nghiệp, những người sử dụng lao động làm”, ông Trung nói. Hiện nay, doanh nghiệp tuyển lao động mà không cấp giấy phép lao động, không làm thủ tục cấp lại giấy phép lao động thì bị phạt từ 15- 20 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức của các chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, còn nguyên nhân là việc xử phạt vi phạm với những trường hợp này còn thấp. Công khai rõ danh tính các chủ sử dụng lao động không tuân thủ pháp luật lao động Việt Nam, thậm chí, nâng mức phạt đối với các đối tượng này là những việc cần làm ngay, nhằm quản lý lao động lao động nước ngoài tại nước ta tốt hơn nữa.

Nhằm tăng cường quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Cục Việc làm cho biết thời gian tới sẽ triển khai nhiều biện pháp. Trước tiên, sẽ hoàn thiện các hệ thống, các văn bản pháp luật quy định liên quan đến các đối tượng lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền các địa phương hướng dẫn cho người sử dụng lao động tốt hơn nữa. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chủ sử dụng lao động, của các nhà thầu, chủ đầu tư trong vấn đề sử dụng lao động không cấp giấy phép. Cuối cùng là tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm. “Cần thiết đến mức độ, có thể công khai danh tính của các tổ chức sử dụng người nước ngoài không thực hiện việc cấp giấy phép lao động, không tuân thủ các quy định đối với người nước ngoài”, ông Trung nhấn mạnh.

Nghị định 46/2011/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 17/6/2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/ NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ có hiệu lực từ 1/8, tiếp tục nêu lại và khẳng định rõ hơn điều này.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN