'Mảnh đất màu mỡ' đối với phóng viên thường trú nước ngoài

Báo Tin tức đã tiếp thêm động lực cho những phóng viên thường trú xa nhà như chúng tôi, khuyến khích chúng tôi ra sức săn lùng đề tài viết về cho báo, góp phần không nhỏ trong sự trưởng thành của nhiều phóng viên.

Mới đó mà đã 40 năm kể từ ngày báo Tuần Tin tức - tiền thân của báo Tin tức - ra số đầu tiên, ngày 14/5/1983. Từng ấy năm đã trôi qua và tôi cũng đã nghỉ hưu gần 15 năm nhưng vẫn không thể nào quên lúc cố nhà báo Đặng Kiên hỏi có quen họa sĩ nào bên Báo Ảnh Việt Nam để nhờ kẻ dòng chữ Tuần Tin tức cho măng-sét của báo.

Mặc dù không làm việc trong tòa soạn Tuần Tin tức, nay là Tin tức nhưng vì là "lính' của TTXVN nên tôi cũng được chứng kiến quá trình phát triển và lớn mạnh của tờ báo, được hưởng lây niềm vinh dự khi tờ báo nổi tiếng khắp cả nước trong việc tiên phong và kiên quyết chống tiêu cực. Một loạt bài phóng sự điều tra về tiêu cực, tham nhũng trong Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong ngành than... đã tạo ra một cơn địa chấn kinh hoàng trong dư luận lúc bấy giờ.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thị Trang phỏng vấn Phó chỉ huy cuộc tập trận Hổ mang vàng (Cobra Gold) giữa Mỹ và Thái Lan. Ảnh: NVCC

Nhiều người, nhiều bài báo đã nói về quá trình hình thành và phát triển, về những thành tích lớn lao mà tờ báo đạt được trong suốt 40 năm qua. Riêng đối với tôi, một phóng viên thường trú của TTXVN ở nước ngoài qua 4 nhiệm kỳ ở 4 quốc gia khác nhau thì quả thật báo Tuần Tin tức trước đây và báo Tin tức ngày nay như một mảnh đất vô cùng màu mỡ để những phóng viên như chúng tôi thỏa sức canh tác, nhất là khi tòa soạn không chỉ có báo tuần mà còn có cả báo ngày và các chuyên mục Hành tinh xanh, Email về Tòa soạn...

Những tin, bài của chúng tôi không còn bó hẹp trong chính trị, ngoại giao mà mặc sức tung hoành trên mọi lĩnh vực nhằm thông tin cho bạn đọc về mọi mặt đời sống xã hội, tiến bộ khoa học-kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, du lịch... kể cả ẩm thực của những vùng đất chúng tôi đến.

Nói rằng gắn bó hoặc đồng hành với báo Tin Tức thì không đúng nhưng cũng chẳng sai bởi trong 5 năm thường trú ở Lào, từ 1988 đến 1993, tôi đã có rất nhiều bài gửi về cho báo, nhất là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, những dịp Quốc khánh và lễ lớn của Lào, những cuộc phỏng vấn các đồng chí lãnh đạo Lào... Rồi trong 4 năm thường trú ở Thái Lan, từ 1995 đến 1999 cũng vậy. Thời kỳ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á mà xuất phát điểm là Thái Lan vào năm 1997, hầu như ngày nào tôi cũng có tên trên mặt báo. Những nhiệm kỳ sau ở Vương quốc Bỉ và Pháp cũng thế.

Chú thích ảnh
Tác giả phỏng vấn Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước CHDCND Lào Khamtay Siphandone nhân dịp ông tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bangkok năm 1995. Ảnh: NVCC

Ngày trước, chưa có báo điện tử nên chúng tôi không thể theo dõi tin bài của mình một cách dễ dàng như bây giờ. Báo được Tổng xã gửi qua túi thư ngoại giao mỗi tuần 1 lần, có khi 10 ngày 1 lần. Khi tờ báo đến tay cũng đã chậm mất cả tuần, có khi cả nửa tháng nhưng chúng tôi vẫn vô cùng sung sướng được nhìn thấy thành quả lao động của mình. Mà nào chúng tôi có được cất giữ, lại đem biếu cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại bởi bà con cũng khát thông tin từ quê hương.

Còn nhớ khi được tôi biếu tờ Tin Tức có bài "Anh hùng Đề Thám trong ký ức gia đình một cựu binh", anh Claude Gendre, tác giả cuốn Le De Tham đã rất cảm động. Anh đã khoe bài báo đó tại cuộc họp báo ra mắt cuốn Le De Tham, có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Đình Bin. Anh cũng cho tôi biết rằng bài báo đó đã được anh dùng như một “giấy thông hành” trong hành trình tiếp tục tìm hiểu về Đề Thám, để được phép chít chiếc khăn vàng trên đầu, trước mộ cụ Đề Thám và được gia đình cụ coi như con cháu trong nhà.

Chú thích ảnh
Trang báo Tin tức có bài "Anh hùng Đề Thám trong ký ức gia đình một cựu binh" được Claude Gendre, tác giả cuốn Le De Tham trân trọng giữ gìn. Ảnh: NTT

Và đặc biệt hơn nữa là trong chuyến thăm chính thức Pháp tháng 6/2005, khi đến thăm Bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy báo Tin tức, cùng một số ấn phẩm của TTXVN, được trưng bày trang trọng trong khu Không gian Hồ Chí Minh.

Phải nói rằng chính báo Tin tức đã tiếp thêm động lực cho những phóng viên thường trú xa nhà như chúng tôi, khuyến khích chúng tôi ra sức săn lùng đề tài viết về cho báo. Và cũng chính báo Tin tức, cùng những ấn phẩm khác của TTXVN đã tạo điều kiện và góp phần không nhỏ trong sự trưởng thành của nhiều phóng viên như chúng tôi.

Nhìn lại chặng đường 40 năm đã qua, chúng tôi như thấy mình trong niềm vui hân hoan của các đồng nghiệp ở báo Tin tức và thầm mong tờ báo thân thương của chúng ta không ngừng phát triển, tiếp tục là nguồn thông tin chính xác, phong phú, đa dạng và đáng tin cậy đối với độc giả, tiếp tục là một trong những đơn vị đầu tàu của TTXVN - ngân hàng thông tin của cả nước.

 

Nguyễn Thị Trang
Cơ duyên đến với báo Tin tức từ nước Nga
Cơ duyên đến với báo Tin tức từ nước Nga

Ngay từ khi chưa là một phóng viên TTXVN năm 2003, báo Tin tức đã in đậm trong tâm trí của tôi khi còn mang tên “Tin tức buổi chiều” và là tờ báo bán chạy “như tôm tươi” nhờ sự kiện 11/9. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh những cậu bé cầm tờ “Tin tức buổi chiều” bán rong trên đường phố ở TP Hồ Chí Minh, mà chỉ một loáng đã không còn một tờ nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN