Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động

Tại buổi họp báo của Tổng cục Thống kê - TCTK (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT) ngày 23/12, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp (TCTK) cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tăng 5,42% so với năm 2012, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng cao hơn năm 2012; kiểm soát được lạm phát.


Ổn định kinh tế vĩ mô


Theo TCTK, GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012. Trong đó, quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54% và quý IV tăng 6,04%.

 

CPI tháng cuối năm 2013 không tăng đột biến là do nguồn cung được đảm bảo. Quang Quyết - TTXVN


Đánh giá về bức tranh kinh tế năm 2013, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Năm nay, tuy gặp nhiều khó khăn song Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế ở mức hợp lý, trong đó cân đối xuất nhập khẩu được cải thiện.


Tuy nhiên, theo ông Lâm, tăng trưởng dù được cải thiện so với năm 2012 nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn chưa bền vững. Cụ thể, đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP còn lớn: Các tỷ lệ này của giai đoạn 2010 - 2013 như sau: Năm 2010 là 68,79% và 23,11%; năm 2011 là 55,53% và 26,18%; năm 2012 là 59,16% và 30,86%; năm 2013 là 55,79% và 17,12%.


Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP (sau khi trừ đi yếu tố vốn và lao động) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp. Năng suất lao động của nước ta tăng thấp hơn mức tăng lương; làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng...


Tại chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” mới đây, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cũng đã thừa nhận: Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dựa nhiều vào tài nguyên và vốn. Điều này khiến cho chất lượng tăng trưởng thấp. Theo ông Vinh, trong số các nhân tố tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, yếu tố vốn chiếm tới trên 57% và lao động chiếm khoảng 25,5%, trong khi chỉ tiêu về năng suất lao động chỉ chiếm trên 16%.


Theo Bộ KHĐT, tuy đang trên đà phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi hai động lực tăng trưởng chính là tài nguyên thô đang ngày càng cạn kiệt và đầu tư công ngày càng bị siết chặt.


Đề cập tới dự báo GDP năm 2014, TS Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay, nhiều khả năng trong năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ khả quan hơn. Dự báo, GDP năm 2014 có thể tăng 5,67%.


Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thời gian tới, Chính phủ cần tiến hành một số cải cách quan trọng, đặc biệt là phải tạo ra khuôn khổ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, cần nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững.


CPI năm 2013 tăng thấp nhất 10 năm qua


Tại buổi họp báo, đại diện TCTK cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12/2012. Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2013, CPI tăng cao ở quý I và quý III (bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,8%); CPI khá ổn định ở quý II và tăng vừa phải ở quý IV (bình quân mỗi tháng tăng trên 0,4%). Như vậy, mục tiêu kiểm soát được lạm phát đã trở thành hiện thực.


Theo nhận định của TCTK, CPI tháng cuối năm 2013 không tăng đột biến là do nguồn cung được đảm bảo; người dân thắt chặt chi tiêu hơn những năm trước.


Nhìn nhận về diễn biến giá cả năm 2013, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) cho biết: Trong năm 2013 có một số kỳ nghỉ lễ kéo dài như Tết Nguyên đán; ngày 30/4 - 1/5; ngày Quốc khánh 2/9 làm cho giá dịch vụ giao thông công cộng tăng khá cao do nhu cầu đi lại tăng. CPI của nhóm này năm 2013 tăng trên 7% so với cuối năm 2012. Bên cạnh đó, giá gas bắt đầu tăng từ tháng 7/2013 và tăng mạnh vào tháng 12/2013 sau khi giảm liên tiếp trong 6 tháng đầu năm. Tính cả năm 2013, giá gas tăng gần 5%, đóng góp vào chỉ số CPI chung cả nước tăng khoảng 0,08%.


Không chỉ vậy, trong năm, nước ta phải hứng chịu 15 cơn bão, trong đó, cơn bão số 14 và 15 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, làm giá cả tăng cục bộ ở một số tỉnh trực tiếp bị ảnh hưởng bão... Tuy nhiên, nhờ sự điều hành chính sách kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, giá nhiều loại dịch vụ, hàng hóa được giữ ổn định.


Theo ông Nguyễn Đức Thắng, dự báo năm tới, CPI còn tiếp tục tăng nhưng không quá cao. Một số yếu tố có thể tác động đến CPI năm 2014 là việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ, nới bội chi ngân sách lên 5,3% làm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế tăng lên. Ngoài ra, việc thực hiện lộ trình tăng giá giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện cũng sẽ làm CPI tăng. Riêng việc giá xăng dầu tăng 580 đồng/lít ước tính ảnh hưởng đến CPI tháng 1/2014 là 0,1%.



Minh Phương

Rục rịch lương, thưởng Tết
Rục rịch lương, thưởng Tết

Các doanh nghiệp (DN) và cơ quan, ban ngành đang rốt ráo chuẩn bị kế hoạch chăm lo Tết và thưởng Tết cho công nhân lao động với mục tiêu đảm bảo ai cũng có một cái Tết vui tươi, đầm ấm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN