Lụi tàn cau Huế

Ở Huế cách đây hơn bốn mươi năm, có ba vùng chuyên trồng cau nổi tiếng là Nam Phổ (huyện Phú Vang), Kim Long (TP Huế), Mỹ Lợi (huyện Phú Lộc). Tuy nhiên, hiện nay nhiều vườn cau Huế đang mất dần.

Trước đây, cau khô xứ Huế là một mặt hàng có giá trị cao, vì thế nên có câu nói “Cau tươi xứ Nghệ, cau khô xứ Huế”. Giống cau Huế ngon bởi trái “mỏng vỏ, nhỏ xơ, tơ lòng, trong ruột”. Muốn làm cau khô người ta róc vỏ trái cau, tiện chũm, bổ cau ra từng miếng, xong sắp trên những cái xề lớn đường kính hai mét để hong khô trên những chảo than hồng phủ tro, được vây kín lại trong cái bồ bằng cót. Nổi tiếng nhất là cau khô của ông bà Trưởng Huyến, người làng Mỹ Lợi.

Giờ đây, tôi theo anh bạn người Mỹ Lợi, vượt qua cầu Trường Hà bắc ngang phá Tam Giang để về thăm lại làng cau. Vẫn còn đó những mái ngói rêu phong, thấp thoáng sau những hàng cau cao vút. Hết xã Vinh Thanh, Vinh An (huyện Phú Vang) đến xã Vinh Hưng, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), nhưng giờ đây bà con đổ xô đi nuôi tôm, nuôi cá. Thời cây cau còn có giá trị, khoảng năm 1980-1990, đêm đêm hoa cau thơm ngát cả sân nhà. Bây giờ, những vạt cau ấy vẫn ra hoa, quả chín đỏ từng chùm rồi héo úa dần trên ngọn cây, không ai buồn hái. Vườn cau không được chăm sóc, ủ phân xanh như trước kia nên những mo cau héo hon, vàng úa vẫn còn bám chặt trên cây, rụng khi nào cũng được.

Chúng tôi tìm gặp anh Hoàng Đình Tuấn, người quen cũ ở xã Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Anh Tuấn nghỉ tay cho tôm ăn, nói chuyện về cau, anh Tuấn tỏ ra chẳng mấy mặn mà, mặc dù gia đình anh nhiều đời nổi tiếng trồng cau, buôn bán cau tươi và khô. Vào những năm 1990 trở về trước, anh Tuấn kể: “Khi trái cau già, anh hái được vài bao cau tươi về, lách ra từng miếng, phơi khô. Mỗi kg cau khô (4 kg cau tươi phơi khô được 1 kg cau khô) anh bán được 6.000 đồng/kg. Lúc cau được giá, thương lái đến tận vườn mua sỉ cau tươi, mỗi mùa anh bán được 5- 6 triệu đồng…

Hiện nay cau không ai mua, có bán được cũng rất rẻ, tại vườn giá chỉ 200 đồng/trái. Cau bán ngoài chợ cũng chỉ mua về mỗi dịp cúng giỗ, đám hỏi, đám cưới. Thời hoàng kim đã hết, không có người tiêu thụ, cau để lâu rất dễ mốc, ẩm. Vào dịp Tết, cau khô có giá 60.000 đồng/kg nhưng hết tháng hai, cau bắt đầu sụt giá và rất rẻ…

Hồi này đi về các miền quê xứ Huế, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người ta đốn hạ những cây cau già xuống, đem xẻ thành rui, mèn để làm mái nhà lợp ngói, loại gỗ cau này cứng như gỗ kiền, không bao giờ bị mối mọt, tốt hơn những loại gỗ nhóm 2. Trên vùng đầm phá Tam Giang, người dân dùng thân cây cau thẳng, ghép lại thành cầu bắc qua kênh, mương, cầu đẹp và bền vững hơn cầu ván, cầu tre nhiều. Cứ thế, các vườn cau mất dần…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN