Long An: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Long An sẽ tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Chú thích ảnh
Sinh viên trường Cao đẳng Long An. Ảnh minh họa: Đức Hạnh/TTXVN

Theo đó, Long An phấn đấu đến năm 2025 có 75% lao động gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp đã qua đào tạo, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tỉnh định hướng ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tập trung vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, năng lượng, cơ khí, điện tử, viễn thông, tự động hóa, chế biến, quản lý đô thị.

Trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản ứng dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu thị trường.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng và thực hiện các kế hoạch cụ thể, chi tiết góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung về đào tạo nguồn lao động của tỉnh. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phát triển nhân lực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực; thu hút, đãi ngộ nhân tài theo hướng đột phá, cạnh tranh, có lựa chọn ưu tiên; tạo môi trường làm việc tốt để nhân tài phát huy được năng lực và yên tâm công tác lâu dài.
 
Tỉnh tập trung phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, bảo đảm cung cấp đầy đủ kiến thức phổ thông, cơ bản giúp thế hệ trẻ có thể tiếp tục học nghề hoặc học lên trình độ cao; tạo nền tảng xây dựng nguồn nhân lực tương lai. Các cơ sở đào tạo đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển năng lực nhằm tăng khả năng cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Đồng thời, tỉnh phát triển kinh tế, mở rộng cơ hội việc làm và phát triển thị trường lao động; kiến tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đội ngũ thanh niên, học sinh, sinh viên; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy giải quyết việc làm và tự tạo việc làm sau đào tạo; phát triển nhân lực khoa học - công nghệ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cả ba yếu tố cơ bản: sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và cơ cấu hợp lý.
 
Long An cũng định hướng tập trung nguồn lực đầu tư cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia công tác giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
 
Theo UBND tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có trên 1 triệu lao động đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, trong đó lĩnh vực công nghiệp chiếm 33%, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 38% và thương mại, dịch vụ chiếm 29%. Trong thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 60,21% (năm 2015) lên 71% (năm 2020).

Bùi Giang (TTXVN)
Ra mắt Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học
Ra mắt Trung tâm Vật lý Quốc tế và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt Trung tâm Vật lý Quốc tế (ICP) và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (ICRTM).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN