“Loạn thu phí” trông giữ xe đạp, xe máy ở Hà Nội: Trị tận gốc bằng “tổng lực”

Nhu cầu mặt bằng cho hoạt động trông giữ xe đạp, xe máy tại Hà Nội ngày càng gia tăng, nhưng hạ tầng kỹ thuật lại không được đầu tư thêm. Đây là điều kiện để các điểm trông giữ xe trái phép mọc lên như nấm sau mưa vì thu nhập “khủng” và nếu bị “sờ gáy” thì mức phạt cũng chẳng đáng là bao. Để siết chặt và chấn chỉnh thực trạng gây bức xúc dư luận này, nhất là tại các điểm vui chơi giải trí trong dịp hè, các lực lượng chức năng Hà Nội vừa ra quân tiến hành nhiều biện pháp xử lý, ban hành nhiều quyết định để quản lý loại hình kinh doanh này.

Ngang nhiên vi phạm vì siêu lợi nhuận

Điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại 73 phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) đã tồn tại từ nhiều năm nay. Hàng ngày, người dân có nhu cầu gửi xe máy tại điểm này đều được nhân viên trông giữ thu phí 10.000 đồng/xe máy, vé xe tự chế, thu tiền gấp 5 lần mức quy định.

Xử lý vi phạm của các điểm trông giữ xe liệu có rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”? Ảnh: lê phú


Nhiều lần, lực lượng kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính, nhưng sau đó đâu lại đóng đấy. Tại thời điểm lực lượng liên ngành kiểm tra điểm trông giữ xe này (trung tuần tháng 5/2011), các nhân viên bãi xe đều không xuất trình được giấy phép trông giữ xe. Bãi trông giữ xe trái phép này vào những ngày nghỉ lễ, Tết còn tự ý tăng lên tới 30.000 đồng/xe máy. Bên cạnh đó, việc gửi xe tại đây còn tiềm ẩn nguy cơ mất xe bởi vé tự chế, không biển hiệu, không biết người trông xe là ai… Việc coi thường pháp luật của những người trông giữ xe tại điểm trông giữ xe này đã tồn tại từ lâu, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Tương tự, tại điểm trông giữ xe số 3 đường Vũ Ngọc Phan (quận Đống Đa) thuộc Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ dán niêm yết quy định ngay ngoài cổng phí trông giữ xe máy 5.000 đồng/xe, qua đêm 10.000 đồng/xe. Nhưng theo quy định, phí trông giữ đối với xe máy ban ngày là 2.000 đồng/lượt, qua đêm 3.000 đồng/lượt. Dạo qua bất kỳ điểm trông giữ xe đạp, xe máy nào hiện nay trên địa bàn thành phố, tình trạng thu vượt mức quy định như trên là chuyện đương nhiên. Riêng các điểm trông xe không có phép thì mặc nhiên nâng phí trông giữ xe.

Một nhân viên trông xe phía cổng phụ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, mỗi ngày điểm trông xe này ghi hết 4 tập vé (mỗi tập 100 vé), bình quân mỗi ngày, 3 điểm trông giữ xe của bệnh viện xuất ra khoảng 1.200 vé, tương đương với 1.200 lượt gửi xe. Như vậy, với giá vé 3.000 đồng/lượt, mỗi ngày 3 điểm trông giữ xe của bệnh viện thu về 3,6 triệu đồng, mỗi tháng chỉ với diện tích vỉa hè nhỏ trước cổng bệnh viện, chủ điểm trông giữ đã thu về hơn 100 triệu đồng. Như vậy, chủ các điểm trông giữ xe này thu lời tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

Theo đoàn kiểm tra liên ngành Sở Tài chính - Thanh tra Giao thông vận tải - Công an thành phố (TP) Hà Nội, qua kiểm tra tại 64 điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực danh lam thắng cảnh, chợ, bệnh viện, trường học trên địa bàn Hà Nội trong đợt ra quân mới đây, có tới hơn nửa số điểm trông giữ xe sử dụng chứng từ tự chế, thu phí cao hơn mức quy định, chưa niêm yết giá thu phí hoặc đã tiến hành niêm yết nhưng chưa đúng quy định, không sử dụng vé trông giữ do cơ quan thuế phát hành... Thậm chí, trong đó có nhiều điểm bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Điển hình là các điểm trông giữ xe tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba… với mức thu phí cao gấp đôi, gấp ba so với quy định. Vi phạm cũng diễn ra ở cả các bãi trông giữ xe theo hình thức khoán quản-mô hình kiểu mẫu được TP Hà Nội triển khai thí điểm vào năm 2009, với phí cao hơn quy định cả chục lần.

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, riêng 10 quận nội thành hiện có tới gần 1.100 điểm trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp thường xuyên hoạt động. Trong đó có hơn 740 điểm có phép và hơn 300 điểm tự phát, không có phép. Hầu hết các điểm trông giữ xe đều có các vi phạm như: Thu tiền không có vé, hóa đơn, biên lai, thu tiền cao hơn mức quy định, tổ chức trông giữ xe không đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, phòng cháy chữa cháy; không kê khai nộp thuế... Những vi phạm này làm thất thu cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Chưa hết, tình trạng “loạn thu phí” đang gia tăng tại một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước, vì đây là loại hình kinh doanh đòi hỏi ít vốn đầu tư nhưng đem lại “siêu lợi nhuận” và có thể “trốn thuế” được. Vi phạm ngang nhiên như vậy nhưng chế tài xử phạt hành vi vi phạm lại quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe khi người vi phạm chỉ bị phạt 750.000 đồng đối với trường hợp vi phạm lần 1, phạt 1.000.000 đồng nếu tái phạm. Việc buông lỏng quản lý, không thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý của các lực lượng chức năng, nhất là ở cấp cơ sở cũng đang là khe hở để các điểm trông giữ xe "nhờn” luật.

Trị tận gốc bằng “tổng lực”

Trước tình trạng vi phạm về việc thu phí và niêm yết giá trông giữ xe diễn ra phổ biến, gây bức xúc dư luận, liên ngành vừa kiến nghị với thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng cấp quận, huyện tăng cường thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các điểm trông giữ xe đạp, xe máy trong nội thành để kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền, kiên quyết thu hồi giấy phép sử dụng hè đường để trông giữ xe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần. Đối với các địa bàn có điểm trông giữ xe nhiều lần vi phạm, chủ tịch cấp quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước TP về những vi phạm. Riêng các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông phải kiên quyết giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép, sai phép, vi phạm pháp lệnh phí và trật tự an toàn giao thông.

Cùng với sự mạnh tay của liên ngành, Cục Thuế TP Hà Nội hiện đã chỉ đạo 29 chi cục thuế các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng vé theo đúng quy định. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (Công an TP Hà Nội) cũng đang tập trung ra quân kiểm tra, xử lý các điểm trông xe thu phí sai quy định; đồng thời phối hợp với ngành giao thông vận tải kiểm tra các điều kiện để chấp thuận cho cấp quận, huyện được cấp phép trông giữ xe, rà soát lại các điểm trông giữ xe theo thẩm quyền, các trường hợp vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị thu hồi giấy phép.

Bên cạnh đó, trước sự phản ánh liên tục của báo chí, về việc nhiều điểm trông giữ xe, nhất là khu vực cổng các bệnh viện, nơi nhu cầu gửi xe của người dân lớn, thường xuyên thu vé trông xe cao hơn quy định, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo 6 bệnh viện: Đa khoa Hà Đông, Lao và Phổi Hà Nội, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn (đã nhiều lần bị lực lượng chức năng phát hiện “chặt chém” người gửi xe) phải kiểm điểm trách nhiệm. Công an TP Hà Nội cũng đã lên kế hoạch bố trí lực lượng vào cuộc để siết chặt việc quản lý các điểm trông giữ xe hiện nay bằng hình thức “hóa trang”. Theo đó, không chỉ phối hợp với lực lượng liên ngành, lực lượng công an sẽ hóa trang kiểm tra công khai, đột xuất để phát hiện và xử lý tại chỗ những điểm trông giữ xe vi phạm.

>>Ý KIẾN

Gọi ngay đến đường dây nóng

Đội trưởng Đội cơ động (Thanh tra GTVT Hà Nội) Nguyễn Quang Lượng cho biết: Trong thời gian tới, lực lượng liên ngành của TP sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn. Bất cứ người dân nào bị "chặt chém" khi gửi xe thì hãy điện thoại ngay đến đường dây nóng của Thanh tra GTVT 043.8217922 để lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Chính quyền cơ sở lơ là, xử lý chưa nghiêm

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Thực tế, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về việc trông giữ xe hiện nay còn khá nhiều hạn chế, nên vẫn tồn tại các sai phạm mà chưa được xử lý kịp thời. Trong khi đó, sự im lặng, bỏ qua, không phản ứng của người dân cũng phần nào tiếp tay cho các điểm trông giữ xe tự ý nâng phí. Qua mỗi đợt ra quân kiểm tra, tình hình vi phạm có giảm nhưng không nhiều. Lực lượng liên ngành cứ đi kiểm tra, phát hiện sai phạm, lập biên bản xử phạt, chủ bãi chấp thuận nộp tiền, nhưng hôm sau lại tiếp tục tái phạm.

Hầu hết các điểm trông giữ xe đều vi phạm

Trung tá Lưu Văn Trượng (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - Công an TP Hà Nội) cho biết: Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô đều có vi phạm dưới nhiều hình thức như: Thu tiền không có vé, hóa đơn, biên lai; thu tiền cao hơn mức quy định; tổ chức trông giữ không đảm bảo các điều kiện về mặt bằng... Nguyên nhân là do các điểm trông giữ xe được giao hoạt động theo hình thức khoán thu, đấu thầu, nên các điểm trông giữ xe đều tự ý nâng giá vé. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận việc quy hoạch chung của thành phố đang tồn tại nhiều bất cập; công tác quản lý nhà nước trong hoạt động trông giữ xe còn lỏng lẻo, thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; mức xử phạt vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe...

Điểm trông giữ xe thu giá cao chủ yếu ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình

Phó Chánh Thanh tra giao thông Hà Nội Hoàng Văn Mạnh, cho biết: Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy thu giá cao tập trung nhiều nhất hiện nay tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Việc các bãi gửi xe tự phát đua nhau mọc ra “chặt, chém” người dân xuất phát từ việc cầu lớn hơn cung quá nhiều.


Nguyễn Tiến thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN