Lo ngại việc Hà Nội giao Trung tâm y tế cho chính quyền quản lý:Bài cuối: Chớ “đâm lao thì phải theo lao”

Y tế là một dịch vụ công đặc biệt, có tính chuyên môn, nghiệp vụ sâu và liên thông giữa các tuyến, nhất là trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy, không thể phân chia quản lý mạng lưới y tế cơ sở theo địa giới hay cấp hành chính như các ngành khác.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình tổ 19B, khu tập thể Lâm sản, phường Trung Liệt. Ảnh: Hữu Oai- TTXVN


Trước những bức xúc của nhiều cán bộ y tế cơ sở sau khi Hà Nội có quyết định thay đổi đơn vị quản lý TTYT quận, huyện, thị xã, báo Tin Tức đã có công văn ngày 6/9/2011, gửi UBND TP Hà Nội đề nghị trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Song rất đáng tiếc cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Nhưng theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời trên báo Tuổi trẻ (ngày 30/8/2011), thì UBND TP Hà Nội cũng đã nhận được phản hồi từ Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội (như Tin Tức đã thông tin trong 2 bài trước). Tiên lượng khi phân cấp các TTYT, Trạm y tế về tuyến quận, huyện quản lý, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thậm chí có cả bất cập trong công tác chỉ đạo và hoạt động về chuyên môn.

“Luật tổ chức HĐND và UBND quy định, quận huyện, quản lý các TTYT, Trạm y tế nên HĐND và UBND thành phố mới quyết định phân cấp việc quản lý về cho quận, huyện. Trong quá trình thực hiện, nếu việc phân cấp này làm cho các trung tâm, trạm y tế yếu đi thì HĐND Thành phố sẽ cho ý kiến và kiến nghị. Còn hiện nay, Luật quy định thì phải thực hiện”, - bà Ngọc nói.

Ngày 28/9/2011, UBND thành phố Hà Nội lại tiếp tục có văn bản số 4495 “đốc thúc” chuyển giao TTYT các quận, huyện, thị xã trực thuộc Sở Y tế về UBND quận huyện, thị xã, quản lý kể từ ngày 1/1/2012. Theo đó, việc chuyển giao cần thực hiện theo nguyên tắc chuyển nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, trụ sở làm việc, tài chính, tài sản, máy móc thiết bị, phương tiện, cán bộ, công chức, việc chức, lao động hợp đồng... Khi cần thiết theo sự chỉ đạo của UBND Thành phố, Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm điều động cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm y tế quận huyện, thị xã phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh hoặc những tình huống khẩn cấp liên quan đến lĩnh vực y tế địa phương…

Như vậy, căn cứ để UBND TP Hà Nội quyết định phân cấp lại, giao cho quận, huyện quản lý TTYT, Trạm y tế thay bằng Sở Y tế như hiện nay chủ yếu dựa trên những quy định tại Luật tổ chức HĐND và UBND. Tuy nhiên, không rõ TP Hà Nội có cân nhắc đến việc Chính phủ đang triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay chưa?

“Nếu mô hình thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tiếp tục được đánh giá tốt thì nhất định sẽ được nhân rộng. Như vậy, việc Hà Nội thực hiện giao quyền quản lý TTYT cho địa phương theo Luật HĐND và UBND sẽ không còn hiệu lực lại. Các đơn vị y tế cơ sở phải trao trả về ngành y tế, đảm bảo quản lý theo ngành”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định tại hội nghị tổng kết công tác ngành y hồi giữa tháng 9/2011.

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, năm 2012 dự kiến Bộ Y tế cũng sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về tổ chức hệ thống đơn vị sự nghiệp y tế địa phương, trong đó đề cập đến việc thống nhất quản lý theo ngành, các TTYT thuộc quyền quản lý của Sở Y tế. Nếu Nghị định này được Chính phủ chính thức phê duyệt thì các địa phương nhất thiết phải thực hiện để đảm bảo tính thống nhất và kỷ cương của pháp luật.
Vì vậy, nếu Hà Nội vẫn quyết tâm “đâm lao thì phải theo lao”, thực hiện chuyển đơn vị quản lý các TTYT quận huyện ngay từ 1/1/2012 thì e rằng khi Nghị định trên được ban hành thì sẽ rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”, lại phải ra quyết định thay đổi đơn vị quản lý TTYT một lần nữa.

“Mỗi lần thay đổi tổ chức là mỗi lần xáo trộn, thay đổi từ việc khắc dấu đến nhân sự. Nguy cơ còn dẫn đến hiện tượng mất đoàn kết nội bộ vì thực tế cũng đã từng xảy ra tình trạng tranh nhau làm lãnh đạo. Trong khi đó, công tác y tế chuyên môn, nhất là hoạt động phòng chống dịch thì ngày càng đòi hỏi có sự thống nhất, kết hợp chặt chẽ từ trung ương xuống đến xã/phường, thôn/bản”, một cán bộ TTYT huyện Ba Vì, chia sẻ.

Điều đáng nói nhiều cán bộ TTYT Hà Nội cũng rất tâm tư, mong muốn được “an cư lạc nghiệp”, không muốn thay đổi đơn vị quản lý một lần nữa.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, UBND thành phố Hà Nội cân nhắc thận trọng về việc thay đổi đơn vị quản lý các TTYT. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định các đơn vị chuyên môn về y tế địa phương cần được quản lý theo ngành. Có như vậy mới tránh những xáo trộn, tổn thất không đáng có và kể cả những dị nghị cho rằng, việc chuyển đổi đơn vị quản lý TTYT là do liên quan đến lợi ích của một số cá nhân nào đó.

Phương Liên

Lo ngại việc Hà Nội giao Trung tâm y tế cho chính quyền quản lý - Bài 1: Những bài học đắt giá
Lo ngại việc Hà Nội giao Trung tâm y tế cho chính quyền quản lý - Bài 1: Những bài học đắt giá

Hiện nay, 93,65% tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện việc quản lý các đơn vị y tế theo ngành, giao quyền quản lý các trung tâm y tế thuộc về Sở Y tế. Nhưng từ đầu năm nay, TP Hà Nội lại quyết tâm “lội ngược dòng”, giao cho các quận, huyện quản lý các trung tâm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN