Lò gạch thủ công vẫn đua nhau nhả khói

Theo Quyết định 115 của Thủ tướng Chính phủ, việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công phải kết thúc trước năm 2010. Tuy nhiên, đến nay tại một số địa phương, tình trạng sử dụng lò gạch thủ công vẫn ngang nhiên tồn tại.

Mất mùa vì khói lò gạch

Con đường liên thôn nối 2 xã Hát Môn và Thanh Đa (Phúc Thọ, Hà Nội) mới được bê tông hóa mấy năm nay nhưng giờ mấp mô, đầy ổ trâu ổ gà, bụi mù mịt. Ngay bên đường là một dãy lò gạch thủ công đang đua nhau nhả khói. Cánh đồng lúa kế bên lò gạch đỏ quạch, một số chỗ chuyển màu đen vì cháy khói. Theo chỉ dẫn của người dân trong thôn, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Kim Văn Hòa, là hộ dân bị thiệt hại nhiều nhất trong xã. Cổng trang trại cách lò gạch vài trăm mét, vừa bước chân đến cổng, nhiều người đã ho sặc sụa vì chưa quen không khí đặc quánh mùi khói ở đây.

Một dãy lò gạch thủ công đua nhau nhả khói.


Giọng ngán ngầm, ông Hòa cho biết, cách đây vài năm, khi chính quyền địa phương quyết định xóa bỏ những lò gạch thủ công, gia đình ông dồn vốn đầu tư trang trại nông nghiệp chất lượng cao, rộng hơn 4 ha. Nhưng khi đầu tư xong thì những lò gạch thủ công lại mọc lên, quy mô hơn, gia đình ông hàng ngày phải sống trong khói bụi độc hại từ những lò gạch này. Chỉ hàng cây trơ trọi lá, chờ chết, chủ trang trại này cho biết: “Cây cối cứ trồng là chết, các giống vật nuôi cũng phát triển kém, có đợt chết hàng loạt. Năm qua sơ sơ cũng thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng không biết kêu ai”.

Cùng chung bức xúc, ông Nguyễn Văn Nhi (Cụm 6, xã Hát Môn) cho biết, những lò gạch thủ công này nằm ngay cạnh cánh đồng của xã, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của người dân. “Nhiều người cấy lúa xong không được thu, hoặc bị cháy vì khói lò gạch, hoặc là bị lép, thu hoạch không được bao”, ông Nhi cho biết.

Theo đại diện UBND xã Hát Môn, thống kê vụ vừa qua, Hát Môn bị cháy mất hơn 2 ha lúa, chủ yếu là những cánh đồng ở gần khu lò gạch, lúa bị cháy khói, nhiều bà con mất trắng cả ruộng. Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Môn chia sẻ: “Hát Môn là một trong những xã được UBND thành phố cho phép thí điểm trồng 100 ha lúa hàng hóa chất lượng cao và 50 ha rau sạch an toàn. Nếu các lò gạch cứ tiếp tục hoạt động như hiện nay thì rất đáng lo ngại, không ai đảm bảo diện tích lúa và hoa màu thí điểm có bị ảnh hưởng hay không”.

Vẫn ngang nhiên tồn tại

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, theo phản ánh, khói lò gạch ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Nhiều người dân ở 2 xã Thanh Đa và Hát Môn bị mắc bệnh về tai mũi họng, có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Theo phản ánh của nhiều người dân, trước đây trên địa bàn 2 xã tồn tại khoảng 30 lò gạch thủ công. Đến năm 2008, UBND huyện Phúc Thọ có quyết định dẹp bỏ những lò gạch thủ công này theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, sau đó, một số lò vẫn tồn tại, một số được xây dựng lại, đến nay có khoảng gần 10 lò còn hoạt động. Mặc dù gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sản xuất của người dân, nhưng những chủ lò gạch này chưa từng nộp phí bảo vệ môi trường, chưa từng đóng góp để sửa sang đường xá bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.

Đại diện UBND xã Hát Môn cho biết, xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để xử lý những lò gạch này, nhưng sau nhiều lần kiến nghị, đến nay vẫn chưa thấy có chuyển biến. Còn đại diện xã Thanh Đa thì cho rằng, số lò gạch này đã được xây dựng theo công nghệ ống khói cao nên ít ô nhiễm. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, khi những lò gạch này hoạt động, khói đốt không được nhả ra từ ống cao mà phủ ra ngay chân các lò gạch. Nhiều người dân ở đây phàn nàn, khi tất cả các lò gạch cùng hoạt động, thì nhiều người làm đồng cảm thấy như bị tắc thở.

Việc xử lý lò gạch thủ công đã được quy định tại Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg, Quyết định số1496/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP Hà Nội cũng ban hành kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 17/10/2012, kiên quyết xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn trong năm 2012 và thực hiện phát triển gạch không nung. Tuy nhiên, đến nay, việc tồn tại của gần 10 lò gạch thủ công gây ô nhiễm tại xã Hát Môn và Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) thật sự là thách thức và đã gây bức xúc trong dư luận.

Bài và ảnh: Thu Trang
Hỗ trợ di dời lò gạch thủ công

Bình Thuận đã thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm chấm dứt sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đến nay toàn tỉnh vẫn còn gần 150 vỏ lò chưa tháo dỡ, di dời, hoặc còn hoạt động cầm chừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN