“Liều thuốc” cho an ninh bệnh viện - Bài cuối: Tăng giám sát và phối hợp liên ngành

Việc xác định rõ nhiệm vụ đảm bảo an ninh BV quan trọng không kém công tác đảm bảo chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh. Nhiều giải pháp cho vấn đề này đã được chính những “người trong cuộc” đưa ra.


Tự vào cuộc


Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: Để đảm bảo an ninh của các BV (BV) tại Thành phố, thời gian tới, Ban An toàn môi trường, thuộc Hội đồng quản lý chất lượng BV (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) sẽ tiến hành giám sát an ninh, thanh tra đột xuất về công tác đảm bảo an ninh tại các BV. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các BV phải tăng cường phối hợp với địa phương, với thân nhân bệnh nhân để đảm bảo an ninh BV. Về lâu dài, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm tải BV. Bởi lẽ, quá tải BV là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh tại các cơ sở y tế hiện nay.

 

Cổng ra vào Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương


Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các BV phải đưa vấn đề về an ninh BV là một trong những nội dung được cụ thể hóa trong kế hoạch hoạt động hàng năm. “Để đảm bảo an ninh cho cả người bệnh và nhân viên y tế, các BV cần phải chuyên nghiệp hoá đội ngũ nhân viên bảo vệ, diễn tập tình huống xấu, rà soát lại và củng cố tất cả những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong BV; tùy vào tình hình mà các BV lắp đặt hệ thống báo động, đường dây nóng... Đặc biệt, các cơ sở y tế phải xây dựng quy chế phối hợp giữa BV và Công an trên địa bàn”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.

 


Về phía mình, Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo an ninh BV như: Rà soát, đánh giá công tác đảm bảo an ninh trật tự trong cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh. “Trên cơ sở đó xây dựng, hoàn thiện lại các quy định để thông báo công khai cho người bệnh biết, hạn chế các sơ hở để đối tượng xấu lợi dụng”, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết. Cũng theo ông Dung, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các giám đốc BV xây dựng quy chế riêng về quản lý nhân viên y tế móc nối với cò BV, đồng thời cải cách khoa khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Các BV phải dành kinh phí để lắp camera tại một số khu vực nhạy cảm như khoa khám bệnh, khoa cấp cứu... và kiện toàn, củng cố lực lượng bảo vệ chuyên trách...


Đưa vào tiêu chí đánh giá, kiểm tra hàng năm


Đó là việc làm của riêng các Sở Y tế, còn về phía Bộ Y tế, với tư cách là cơ quan “đầu não”, cũng có những cơ chế, chính sách riêng của mình.


“Trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng BV, ban hành ngày 3/12/2013, Bộ Y tế đã đưa vấn đề an ninh BV là 1/83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV hàng năm. Điều đó cho thấy, Bộ Y tế rất quan tâm đến công tác an ninh BV, coi nhiệm vụ đảm bảo an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế quan trọng không kém so với công tác đảm bảo chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết.


Theo ông Khuê, Bộ Y tế kết hợp với Công đoàn ngành y tế xây dựng để sớm ban hành Thông tư về quy tắc ứng xử đối với nhân viên y tế và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường kỹ năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế; nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, khẳng định vị trí vai trò, nhân cách của người cán bộ y tế Việt Nam. Song song với tinh thần thái độ, Bộ Y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ BV để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; nâng cao trình độ chuyên môn, theo dõi, quản lý, giám sát các sự cố y khoa; Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của Khoa khám bệnh (theo Quyết định 1313/QĐ - BYT về cải tiến quy trình khám bệnh tại BV); Thực hiện các giải pháp giảm quá tải BV; Thực hiện tốt hoạt động của đường dây nóng... .


Thời gian tới, ngành y tế cũng sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với công an, chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh BV, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh. Ngoài vấn đề an ninh như ngăn chặn tình trạng "cò" níu kéo bệnh nhân, nạn côn đồ tấn công BV hoặc nạn trộm cắp, móc túi, bắt cóc trẻ..., ngành công an cũng sẽ giúp ngành y quản lý tình trạng hoạt động không phép, vấn đề xuất nhập cảnh của bác sĩ nước ngoài, quản lý thuốc men, hàng gian, hàng giả... Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền thành tựu, đóng góp của ngành y tế để nhân dân có được đánh giá khách quan và đúng đắn về người thầy thuốc.


“Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế và các cơ quan chức năng, mong rằng, người bệnh và thân nhân người bệnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, tố giác tội phạm để các cơ sở khám, chữa bệnh trở thành một nơi thực sự an toàn”, ông Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

 

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam:

Hỗ trợ nguồn lực cho bệnh viện

An ninh bệnh viện (BV) là một vấn đề của cả xã hội, do đó, chính quyền các địa phương cũng phải quan tâm hỗ trợ nguồn lực và chỉ đạo các BV, chứ không thể chỉ giao phó cho giám đốc BV tự lo. Về lâu dài, để đảm bảo an ninh BV nói riêng và giải quyết tận gốc những vấn đề tồn tại hiện nay, thì cần phải đổi mới căn bản, toàn diện ngành y tế. Tức là cần chuyển đổi từ nền y tế dở công, dở tư như hiện nay, sang nền y tế thị trường. Bên cạnh đó, cần đổi mới toàn diện, từ quan điểm, chủ trương, chính sách cho đến việc tổ chức, cơ chế tài chính trong BV.

 

TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam:

Cần rõ ràng “công” - “tư”

Hiện nay, hệ thống y tế đang có sự lẫn lộn công tư (nhất là vấn đề xã hội hóa), sự độc quyền “một mình một chợ”, sự thiếu vắng giám sát đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các đơn vị độc lập... Rõ ràng, cần phải có những chính sách điều chỉnh kịp thời những lỗi từ khâu thiết kế hệ thống đó.

Nếu không giải quyết từ gốc “bài toán hệ thống” thì vấn đề quá tải, vấn đề quản lý nhân sự, vấn đề “áo công, ruột tư” sẽ khiến bất kể các kế hoạch nào đưa ra để tăng cường an ninh đều thất bại. Bởi an ninh đâu chỉ có theo dõi, lắp đặt camera và kỷ luật thật nặng những trường hợp vi phạm. Khi tâm tư “mất tiền oan, chết oan” còn nặng trong đầu người dân thì nhân viên y tế tránh sao khỏi những bức xúc dẫn đến những vụ việc đe dọa tính mạng. Nếu còn có khoảng cách thật xa giữa lương và thu nhập, thì tránh sao người bệnh không bị dẫn dắt ngoắt ngoéo, tái diễn tình trạng cò nội, cò ngoại. Khi mọi đánh giá chuyên môn không được thực hiện độc lập, công khai minh bạch, tránh sao ngờ vực của xã hội...

 

BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai:

Thống nhất cách triển khai

Bộ Y tế nên đưa nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại BV (BV) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thống nhất cách làm. Hiện nay, các BV đang triển khai mỗi nơi một kiểu. Trong các văn bản của Bộ Y tế chỉ quy định chung chung là cần đảm bảo công tác an ninh BV nên chưa đủ mạnh để các BV chú trọng công tác này.

Tại BV Đa khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, Ban giám đốc BV rất quan tâm tới vấn đề an ninh BV. Cụ thể, BV đã xây dựng phương án bảo vệ chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng. Chúng tôi đã giải thể đội ngũ bảo vệ, thay vào đó là ký hợp đồng với công ty bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ các vị trí xung yếu như: cổng ra vào, phòng cấp cứu, phòng khám, đóng viện phí... Từ tháng 10/2011, BV đã đầu tư hệ thống camera quan sát 110 vị trí tại các khoa, phòng, vị trí nhạy cảm. BV thành lập đường dây nóng và phối hợp chặt với công an phường Tân Biên, công an TP Biên Hòa và cảnh sát phản ứng nhanh 113... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên y tế. Đổi mới quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân... Nhờ vậy, công tác an ninh BV ngày một tốt hơn, chúng tôi đã xử lý kịp thời được các trường hợp ẩu đả, đuổi đánh nhân viên y tế...


Nhóm phóng viên

“Liều thuốc” cho an ninh bệnh viện - Bài 3: Mạnh tay với việc hành hung bác sĩ
“Liều thuốc” cho an ninh bệnh viện - Bài 3: Mạnh tay với việc hành hung bác sĩ

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng 3 năm qua, đã có hàng chục vụ côn đồ hoặc thân nhân người bệnh đập phá tài sản bệnh viện (BV), đánh bác sĩ, y tá trọng thương, thậm chí dẫn đến tử vong. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn cho y, bác sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN