Liên kết vững chắc “bốn phòng tuyến”

BS.TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề dự phòng các vụ việc xâm hại trẻ em.

´Theo ông, cần làm gì để bảo vệ trẻ, hạn chế các vụ việc xâm hại đáng tiếc như đã xảy ra thời gian qua?

Có bốn phòng tuyến rất quan trọng trong bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), là: Bố mẹ, gia đình trẻ; Họ hàng và người xung quanh; Chính quyền đoàn thể; Luật pháp. Nhưng đáng tiếc, những nghiên cứu về vấn đề này của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng lại cho thấy, nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại trong thời gian dài là do bốn phòng tuyến này bị tê liệt.

Như vậy, để làm tốt công tác BVCSTE trước hết cần hướng tới việc bảo vệ mối liên kết giữa bốn phòng tuyến nêu trên.

Trước tiên cần bảo vệ phòng tuyến gần trẻ nhất là phòng tuyến gia đình. Khi bố, mẹ và người thân trong gia đình không thể thực hiện được chức năng bảo vệ trẻ (không đủ tư cách làm cha mẹ hoặc do nghèo khổ), thì phòng tuyến gia đình bị phá vỡ và sẽ đẩy trẻ ra cộng đồng, khiến các em đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

Hiện nay, do nguồn lực tài chính có hạn nên cần “liệu cơm, gắp mắm”, chú trọng BVCSTE tại những gia đình nguy cơ như: Gia đình nghèo, điều kiện sống khó khăn nên cha, mẹ phải làm việc xa trẻ hoặc mẹ bị rối nhiễu tâm trí…

Một số vụ trẻ bị xâm hại là do cha mẹ có kiến thức hoàn toàn sai lệch, họ cho rằng mình được quyền dạy trẻ theo những biện pháp cực đoan. Do đó, vấn đề đẩy mạnh phong trào tham gia các lớp huấn luyện, cung cấp kỹ năng làm cha mẹ trước hôn nhân rất quan trọng.

Các cấp ngành liên quan như truyền thông, giáo dục… cần tăng cường truyền thông nhằm khắc phục tình trạng cả người dân và chính quyền đều “đói” thông tin về quyền trẻ em cả về lượng và chất như hiện nay.

Chính quyền địa phương rất quan trọng. Nhưng thực tế, hệ thống BVCSTE tại địa phương lại quá xa trẻ và đang ở trong trạng thái “ngủ”. Nhiều trường hợp xâm hại trẻ nghiêm trọng vắng bóng sự can thiệp của chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Vì vậy, cần có biện pháp để nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong BVCSTE.

Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả những kế hoạch này còn cần sự tham gia của các tổ chức dân sự, cộng đồng.

Đồng thời, các chính sách BVCSTE cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể, truyền thông tới tận cộng đồng về các bước cần làm khi xảy ra vụ việc trẻ bị xâm hại... Đến nay, chúng ta chưa có quy định hay một mô hình cụ thể nào về vấn đề này. Cũng chưa có nhà tạm lánh cho trẻ bị xâm hại.

´Việc đánh giá, phát hiện các trường hợp trẻ bị xâm hại rất phức tạp, ngành y tế có thể đảm đương được trọng trách này chưa, thưa ông?

Theo đại diện BV Nhi TƯ, BV đã thành lập ban điều hành chuyên môn lâm sàng, xây dựng quy trình thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ bị xâm hại, tiêu chuẩn nhập viện khi bị xâm hại, sơ đồ sàng lọc phát hiện xâm hại, sách hướng dẫn xử trí xâm hại, tập huấn nhân viên y tế kiến thức cơ bản và kỹ năng phát hiện, xử trí xâm hại… Nhưng khả năng đánh giá, bảo vệ trẻ bị xâm hại ở các cơ sở y tế tuyến dưới rất thiếu và yếu.

Để làm tốt công tác BVCSTE, rất cần thiết lập mạng lưới liên kết giữa các ban, ngành: các cơ sở y tế, phòng lao động, thương binh, xã hội, chính quyền địa phương, công an khu vực, tòa án, trường học, hội phụ nữ, đoàn thanh niên…

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên

Phát hiện sớm để Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Phát hiện sớm để Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đang đặt ra yêu cầu phải thay đổi về phương thức tiếp cận, đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN