Làm thế nào để lễ hội trong kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc không bị mất đi bởi những điều tầm thường, để cái “thiêng” không bị cái “phàm” hạ nhục và che khuất ? Làm thế nào để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội trong vòng xoay của kinh tế thị trường vẫn quen lấy lợi nhuận làm thước đo?
Tổ chức theo kinh nghiệm?
Lễ hội sinh ra và được duy trì bởi những nhu cầu văn hóa, tâm linh của xã hội. Lễ hội diễn ra để thỏa thỏa mãn những khát vọng, những mong mỏi của con người. Nhu cầu đó không giảm đi mà ngày càng tăng và biến đổi cùng sự phát triển của xã hội, sự bùng nổ của thông tin, sự thay đổi của tập quán (mang tính thời đại).
Lễ Phù Gióng ở Lệ Chi nam (Gia Lâm) mới được Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH, TT&DL) phục dựng. |
Trái với mọi sự dễ dãi, việc phục dựng lại đầy đủ các yếu tố văn hóa, tâm linh của một lễ hội đòi hỏi nghiên cứu một khối tư liệu đồ sộ, cần sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Nhà nước, của các cơ quan khoa học, của các đơn vị tham gia... Làm được như vậy mới có thể tái hiện lễ hội (gần) chân xác như nó đã diễn ra. Công việc phục dựng những lễ hội (nếu có thể) cần được nghiên cứu tỷ mỷ và luyện tập công phu. Lễ hội phục dựng phải hướng đến cộng đồng. Đây cũng là tiêu chí cần được khuyến khích cho tất cả các lễ hội theo tinh thần của UNESCO.
Tuy nhiên phần lớn lễ hội (đang diễn ra) hiện nay không đủ tư liệu lịch sử để hiểu về nó một cách đầy đủ và chân thực như nó đã từng diễn ra. Hiện nay, đại đa số (nếu không nói là gần như tất cả) lễ hội trong cuộc sống đương đại đang được những người đương thời tổ chức theo kinh nghiệm, hiểu biết (nhiều khi không đầy đủ) của mình, thậm chí sáng tác cả những “truyền thuyết” không hề có trong lễ hội. Kịch bản lễ hội nhiều nơi na ná nhau: Kiệu được rước, lễ vật được bày biện; hết diễn văn của lãnh đạo chính quyền sẽ đến lễ tế của đội tế; sôi động hơn thì có thêm các đội múa lân, múa rồng; góp vui thì có thể có vài tiết mục “văn nghệ dân gian”, vài liền anh liền chị được thuê, vài bài đồng diễn của “phong trào quần chúng”; để “đảm bảo đảm nguồn thu” thì đã có vô vàn hòm công đức được đặt khắp mọi nơi, các vị trí có thể bán hàng tạp nham đều được “đấu thầu”... Và nhếch nhác, lộn xộn, mất an toàn và thẩm mỹ là điều không tránh khỏi dù luôn có nhiều “quyết tâm”, “cố gắng” để “khắc phục” (!).
Xã hội hóa hay thương mại hóa?
Khái niệm xã hội hóa lễ - hội có thể hiểu là việc huy động, tăng cường, mở rộng sự tham gia của nhiều tổ chức, của cộng đồng, của cá nhân trong những hoạt động đa dạng liên quan đến lễ hội. Xã hội hóa có thể có (hoặc không) thu tiền nhưng điều quan trọng là: Lợi nhuận không phải là mục đích tối cao.
Không phải những người chịu trách nhiệm không nhận ra những bất cập diễn ra trong các lễ hội hiện nay nhưng nó cứ diễn ra. Câu trả lời có lẽ nằm ở mặt khác của vấn đề. Đã tổ chức lễ hội, nhà tổ chức nào cũng muốn càng đông người dự càng tốt. Lượng người đến đông gắn liền với “lượng thu”, gắn liền với lợi nhuận từ lễ hội sẽ tăng lên. Đây là nguồn cám dỗ khó cưỡng lại với nhiều người “làm” lễ hội. Họ bất chấp sức chứa của không gian diễn ra lễ hội, bất chấp khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng dịch vụ, không tính đến năng lực điều hành yếu kém của những người tổ chức không chuyên nghiệp... tất cả chỉ để thu lợi dưới một danh nghĩa màu mè. Khái niệm đã bị đánh tráo. Cụm từ thường được những người có trách nhiệm nhắc lại nhiều lần khi tổ chức lễ hội là “xã hội hóa lễ hội” nhưng thực ra họ đã “thương mại hóa lễ hội” một cách không thương tiếc.
Các lễ hội truyền thống nằm trong khái niệm văn hóa phi vật thể. Những giá trị lịch sử - văn hóa của lễ hội cần được bảo vệ trong (và bởi) cộng đồng. Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (2003) định nghĩa và khuyến cáo: “Bảo vệ” là: Một tập hợp các biện pháp có mục tiêu nhằm: nhận diện; tư liệu hóa; nghiên cứu; phục hồi; bảo tồn; củng cố, truyền dạy và phát huy cũng như làm sống lại mọi khía cạnh đa dạng của di sản. Di sản văn hóa phi vật thể được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó được các cộng đồng, các nhóm xã hội không ngừng tái tạo và hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục.
Để bảo vệ di sản văn hóa một cách bền vững, cộng đồng chủ thể văn hóa phải giữ vai trò quyết định. Cộng đồng vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người hưởng thụ (và hưởng lợi) các sinh hoạt văn hóa đó. Di sản văn hóa phải được bảo tồn tại không gian văn hóa nơi nó đã được sáng tạo ra, đồng thời kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn những yếu tố truyền thống với sự biến đổi thích nghi cần thiết.
Việc phục dựng hay tổ chức lễ hội phải được “xã hội hóa” chứ không phải “thương mại hóa”. Phục dựng lễ hội để tăng thêm sự hiểu biết của công chúng về quá khứ của dân tộc, hơn nữa, còn giúp quảng bá hình ảnh văn hóa của đất nước. Điều này nhiều nước đã làm và nhiều lễ hội phục dựng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hội Gióng của Việt Nam là một trong số đó. Cùng với Hội Gióng, một số lễ hội đã được Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) phục dựng gần đây theo tinh thần đó có thể coi là những thành công hiếm hoi.
Bài và ảnh: TS Ngô Vương Anh