“Làng thương vợ ”

Làng thuần nông, nhưng công việc đồng ruộng được “khoán” cho cánh đàn ông hết. Những người phụ nữ ở đây không bao giờ phải… lội chân xuống ruộng. Đó là làng Công Lương, xã Thủy Vân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, nơi được mệnh danh là “Làng thương vợ”.

Những người chồng đảm đang

Từ TP Huế đi gần 6km về phía đông nam, làng Công Lương hiện ra trước mắt chúng tôi với cánh đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay. Màu xanh của lúa non hòa quyện cùng màu vàng nhạt của nắng sớm tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Mới 7 giờ sáng nhưng trên cánh đồng của làng đã có rất đông các bác nông dân đang tỉa lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun thuốc… Dù đã nghe nói nhiều về tục lệ không cho vợ làm ruộng của làng nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi không tìm thấy một “bóng hồng” nào trên cánh đồng. Phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi nhìn qua nhìn lại, cố gắng tìm thật kĩ nhưng tuyệt nhiên chỉ toàn cánh mày râu đang hăng say làm việc.

Chỉ có đàn ông ra đồng làm việc ở làng Công Lương.


Chúng tôi quyết định lội xuống ruộng cùng làm “nông dân” với các bác các chú ở đây để tìm hiểu kĩ hơn về tục lệ lạ lùng này. Đang nhổ cỏ, anh Trần Hữu Cơ (45 tuổi) bật cười giải thích: “Các anh ở xa không biết đấy thôi, có đốt đuốc giữa ban ngày mà soi cũng không tìm được người phụ nữ nào trên ruộng ở làng này đâu. Ở làng này công việc đồng áng đều do cánh đàn ông, con trai bọn tui làm hết chứ đàn bà, con gái không bao giờ phải động tay động chân đâu”. Lội qua thửa ruộng bên cạnh, anh Nguyễn Văn Hậu một nông dân “chính hiệu” đang hăng say làm việc. Miệng vừa nói, tay vừa thoăn thoắt nhổ cỏ, anh tâm sự: “ Ở cái làng này đàn ông con trai mới là nông dân “chính hiệu” chứ đàn bà con gái chỉ là “nông dân hờ” thôi. Giờ mà thả người phụ nữ nào ra đồng là họ ngắc ngoải, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc chẳng biết làm gì đâu”. Anh còn cho chúng tôi hay, dù là mang cái “mác” nông dân nhưng vợ và 2 con gái của anh (đứa nào cũng trên 20 tuổi rồi) nhưng chưa bao giờ phải làm ruộng.

Phụ nữ ở làng Công Lương ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái và làm bánh để bán


Vừa làm ruộng vừa tâm sự với những bác nông dân ở đây, chúng tôi mới vỡ lẽ thêm những điều đặc biệt ở ngôi làng này. Ở làng Công Lương chủ yếu là làm nông nghiệp. Nhưng với quan niệm đàn bà con gái chân yếu tay mềm ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái đã đủ vất vả rồi nên công việc đồng ruộng “bị” cánh mày râu gánh vác hết. Dần dần thành thói quen, bóng dáng phụ nữ trên cánh đồng cũng thưa dần. Gia đình nào mà vợ phải ra đồng làm việc là chồng con cảm thấy xấu hổ với mọi người trong làng. Trải qua các thế hệ thói quen đó trở thành tục lệ của làng. Cái tên “Làng thương vợ” cũng được người dân trong xã gắn cho làng Công Lương từ đó.

Tình cờ khi làm việc trên cánh đồng chúng tôi còn gặp cả ông Trưởng thôn Trương Hữu Chi (58 tuổi). Tuy công việc của xóm làng bận rộn nhưng ông vẫn phải tự tay chăm sóc tới gần 7 sào lúa của gia đình. Ông Chi cho biết: “Tổng diện tích ruộng lúa của làng khoảng 50ha, sản lượng lúa bình quân 14 tấn/năm. Nghề nghiệp chính của làng là làm ruộng, người ít thì 4-5 sào, kẻ nhiều thì vài mẫu. Chuyện đồng áng ở làng đều do cánh đàn ông đảm nhận, từ việc cày bừa, gieo giống, bón phân, dặm, tỉa, cấy, nhổ cỏ, gặt hái… đến cả xay xát lúa. Người phụ nữ ở làng này chỉ có việc duy nhất liên quan đến lúa gạo là… vo gạo để nấu cơm”. Ông Chi còn chia sẻ thêm: “ Giờ mà để vợ ra đồng, đừng nói là phụ chồng làm việc, ngay cả ruộng nhà mình ở đâu, bao nhiêu sào cũng chẳng biết nữa là”. Giống như những gia đình khác vợ con ông cũng chưa hề phải làm ruộng (dù 2 con gái ông đã lập gia đình).

Anh Tuấn đang giặt quần áo cho cả nhà.


Không chỉ làm nông nghiệp giỏi, đàn ông ở làng Công Lương này còn “chuyên nghiệp” với nhiều công việc khác. Chính vụ thì sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trồng rau, trái vụ thì đi làm thợ hồ, thợ mộc, đi thồ, xích lô, đánh bắt cá… hễ có công việc cho dù nặng nhọc đến cỡ nào cũng làm tốt hết.

Đi quanh làng, nơi nào chúng tôi cũng chỉ gặp các anh, các chú làm việc xớt cỏ vườn, trồng môn, khoai, sắn… Thậm chí chúng tôi còn gặp anh Tuấn (33 tuổi) đang giặt chậu quần áo của cả nhà. Với nụ cười hiền lành, anh cho biết: “Đàn ông ở làng Công Lương giặt áo quần cho vợ con là điều bình thường, quan trọng giặt ít hay nhiều là tùy từng người thôi”.

Phụ nữ giỏi việc nhà

Không thể nghe ý kiến một chiều và để cho những người phụ nữ ở đây có cơ hội “phản pháo” lại. Chúng tôi vào làng tìm hiểu thêm về công việc của các mệ, các chị “nông dân hờ” ở làng Công Lương này.

Vừa băm ốc cho bầy vịt ăn xong, rồi lại tất tả quay sang nấu nồi cám cho đàn lợn gần chục con, Chị Nguyễn Thị Hòa (35 tuổi) tươi cười tiếp chuyện: “Từ lúc còn ở nhà với bố mẹ đẻ đến lúc lấy chồng, tôi chưa phải ra đồng lần nào cả, con gái làng này từ xưa đã thế rồi. Một phần do tập tục của làng, phần chắc mấy ông ốt dột (ngại) với làng xóm nên không cho vợ ra đồng”.

Tuy nói là được chồng thương không phải làm nông nghiệp nhưng phụ nữ ở làng này cũng khá vất vả chứ không ngồi chơi. Bên cạnh công việc thường ngày là nội trợ, chăm sóc con cái, họ còn phát triển chăn nuôi gà, vịt, lợn. Không chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, phụ nữ làng Công Lương còn làm đủ thứ nghề như: Chằm nón lá, đan lát, làm hương, buôn bán tạp hóa, và làm các loại bánh mang lên thành phố bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Mệ Hồ Thị Gái (78 tuổi), cho biết: “ Từ thời mệ việc đồng áng đã do cánh đàn ông đảm nhiệm rồi, người phụ nữ có ra đồng thì cũng chỉ mang cơm nước cho chồng con mà thôi. Mấy chục năm trở lại đây, phụ nữ ở làng hầu như không bước chân ra đồng nữa”.

Ở trong cùng một xã Thủy Vân nhưng chỉ có duy nhất làng Công Lương là có tục lệ này. Phụ nữ ở các làng lân cận cũng chân lấm, tay bùn cùng đàn ông làm ruộng như bao làng quê khác. Điều đặc biệt hơn nữa là hễ người phụ nữ nào ở làng mà không may chồng chết sớm thì ruộng đồng sẽ giao cho người khác làm hộ, khi thu hoạch thì chia ra mỗi người một nửa. Còn bản thân họ sẽ làm nghề khác chứ không bao giờ dính dáng đến việc đồng ruộng. Con gái ở làng Công Lương nếu lấy người trong làng thì được “hưởng phúc” không phải ra đồng. Nhưng nếu lấy phải chồng xứ khác mà nhà chồng có làm ruộng thì sẽ được chồng “đào tạo lại” nghề nông.

Chúng tôi rời làng Công Lương về thành phố khi những tia nắng cuối ngày sắp tắt. Trên cánh đồng của làng cánh mày râu vẫn say sưa làm việc. Truyền thống tốt đẹp biết yêu thương, san sẻ nỗi vất vả cho vợ con luôn là niềm tự hào và hãnh diện của người dân làng Công Lương. Và đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam xứng đáng với danh hiệu “Làng thương vợ”.

Huế Thương 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN