Làng lương y của người Sán Dìu


Nằm nép mình dưới núi rừng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bạt ngàn cây xanh có một ngôi làng lương y của người Sán Dìu. Chẳng ai nhớ nghề bốc thuốc chữa bệnh có từ bao giờ, chỉ biết rằng con cái sinh ra đã được cha mẹ truyền dạy kinh nghiệm và cách sử dụng cây thuốc trong núi rừng Tam Đảo để chữa bệnh cứu người.


Hai bên đường từ Hợp Châu - huyện lỵ Tam Đảo đi Tây Thiên, thỉnh thoảng có nhà treo biển phòng mạch khám bệnh, bốc thuốc nằm khuất dưới những tán cây nhưng vẫn luôn đông khách mỗi ngày.


Theo lời giới thiệu của một vài người dân, chúng tôi tìm đến nhà lương y Nguyễn Công Phượng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Tam Đảo (thôn Lũng Hạ - xã Hồ Sơn – Tam Đảo). Phòng khám của ông là một gian nhà nhỏ nằm khiêm tốn ven trục đường lên đỉnh Tây Thiên, lúc nào cũng đông nghịt khách.


Chúng tôi đến khi mặt trời đã đứng bóng, gần chục bệnh nhân vẫn đang ngồi trước phòng khám chờ đến lượt. Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, tóc điểm bạc nhưng đôi mắt rất tinh anh và bàn tay của ông Phượng còn rất chính xác.


Trước phòng khám của ông Phượng luôn treo tấm bảng "Quy định về y đức của thầy thuốc Việt Nam" do Bộ Y tế ban hành và trích lời của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ông Phượng quan niệm: “Dù bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy thuốc cũng phải giữ cho mình tấm lòng trong sạch. Y đức là hàng đầu”.


Những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh khó khăn, ông Phượng chữa bệnh miễn phí. Tiếp chúng tôi ngay tại phòng khám, bên ấm trà mới pha, ông Phượng trầm tư kể về cơ duyên đến với nghề: “ Mẹ vợ tôi là người Sán Dìu rất giỏi thuốc nam. Trong tất cả các người con, bà chỉ truyền nghề thuốc cho tôi, dù tôi là người Kinh, đến tôi là bảy đời”. Ngoài việc học những bài thuốc quý của người Sán Dìu, ông Phượng còn sưu tầm thêm nhiều bài thuốc dân gian, tham gia các lớp nâng cao kiến thức y học do Hội Đông y Việt Nam tổ chức.


Chia tay lương y Nguyễn Công Phượng, chúng tôi tìm đến phòng khám của lương y Trương Xuân Ba (thôn Đồng Bả, xã Hồ Sơn) đúng lúc phòng khám của gia đình ông đang đông khách. Nhiều người bệnh ở Hà Nội, Phú Thọ, Hà Giang, Nam Định cũng đang chờ đến lượt.



“Thật ra không phải bệnh nào các lương y ở đây cũng chữa được", ông Ba vừa kê đơn thuốc vừa chia sẻ với chúng tôi. "Lương y chúng tôi có phương châm còn nước còn tát, tận tụy hết sức mình vì người bệnh, nhưng cũng có nhiều cơn bệnh hiểm nghèo đành chịu, chúng tôi phải khuyên bệnh nhân đến với y học hiện đại, tiên tiến.”


Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 mang đậm nét văn hóa của người Sán Dìu, lương y Hoàng Văn Thạch – Phó Chủ tịch Hội Đông y Tam Đảo bộc bạch: Hội Đông y huyện Tam Đảo hiện có 113 hội viên chẩn đoán và điều trị bệnh. Phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, điều trị tại nhà”, phương pháp điều trị đa dạng: dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, hút giác, đốt ngải, đốt bấc, chườm... đã giúp công tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân của Hội ngày càng hiệu quả, uy tín. Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật hay những gia đình chính sách đều được khám, chữa bệnh miễn phí.


Ông Hoàng Văn Thạch bên vườn thuốc. Ảnh: Baovanhoa


Ông Thạch đưa chúng tôi đi xem kho thuốc nam được ông cất công hái về từ núi Tam Đảo: “Những vị thuốc ở đây là những thứ trên núi, của thiên nhiên nên chữa bệnh rất tốt, có lẽ chỉ riêng vùng này mới có, mình chỉ tốn công đi hái thuốc thôi.”
Ông Thạch thật thà: "Các anh cứ gọi tôi là lương y, tôi thấy mình chưa xứng đáng với hai chữ đó. Người Sán Dìu chúng tôi nhà nào cũng giữ trong nhà một vài bài thuốc chữa bệnh phòng thân. Tôi mở phòng bệnh cũng chỉ mong cứu người tích đức và để các bài thuốc của người Sán Dìu không bị thất truyền".


 Bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm


Tam Đảo vốn được thiên nhiên ban tặng nhiều cây thuốc quý nhưng cùng với nạn săn bắn thú rừng và khai thác gỗ, nhiều cây thuốc quý đang bị khai thác cạn kiệt. Không chỉ có những người làm nghề lương y lên núi hái thuốc mà một số người dân trong vùng cũng lên núi hái thuốc về bán. Trước chỉ cần đến ven rừng để hái thuốc thì giờ họ phải leo lên tận các đỉnh núi cao, rừng sâu mới tìm được cây thuốc. Một số cây thuốc quý ngày càng hiếm phải mua từ nơi khác về.


Trăn trở, lo ấu trước nguy cơ mất dần những dược liệu quý, nhiều lương y Sán Dìu đã không ngại khó khăn lên rừng tìm lại những giống thuốc quý đem về trồng, nhân giống ngay tại vườn nhà. Mô hình này đã được nhiều lương y Tam Đảo học tập và làm theo.


Lương y Nguyễn Công Phượng cho chúng tôi biết: Trước kia núi rừng Tam Đảo có hơn 1.000 loài cây thuốc quí, trong đó có những cây không có trong Từ điển sách thuốc Việt Nam, chỉ có người lương y dân tộc thiểu số Sán Dìu biết như cây tàu pú shong, cây Ngòi mỵ u, Vong hoi lô, Vong ngòi cú (tiếng Sán Dìu) dùng chữa bệnh thương hàn, xương khớp, thần kinh, đường ruột. Nhưng hiện nay số lượng cây thuốc đã giảm đi nhiều. Để bảo tồn cây thuốc quí, chúng tôi phải đi tìm lại những cây thuốc rồi đem ươm giống ở vườn nhà, vận động bà con trong vùng trồng rồi mua lại với giá hợp đồng từ trước”.

Bà Nguyễn Thị Chung – Phó Chủ tịch Hội Đông y Vĩnh Phúc trăn trở: Hiện nay trên vùng Tam Đảo chỉ còn hơn 100 loài cây thuốc quý. Nhiều cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu cứ tình trạng khai thác cây thuốc ồ ạt như hiện nay thì chỉ khoảng 10 năm nữa Tam Đảo sẽ hết cây thuốc. Chúng tôi đã nhiều lần vận động, tuyên truyền người dân về việc bảo tồn những loài cây thuốc quý trong rừng, phổ biến kinh nghiệm để những lương y Tam Đảo tự trồng cây thuốc trong gia đình mình. Nhưng vì lợi ích trước mắt, họ vẫn cứ vào rừng hái thuốc bừa bãi mang về bán.

Nhiều lương y ở chân núi Tam Đảo đang cố gắng tự bảo tồn những cây thuốc quý trong vườn, nhưng theo họ, nguy cơ thất truyền những cây thuốc, bài thuốc hay đang là điều đáng lo ngại. Không thể tưởng tượng, núi rừng Tam Đảo hùng vĩ lại có một ngày cạn kiệt nguồn cây dược liệu. Thiết nghĩ, cần có sự kết hợp giữa bảo tồn và trồng mới các loại cây dược liệu trên những vùng đất còn hoang hóa tại Tam Đảo, không chỉ đem lại nguồn thuốc chữa bệnh cứu người, mà còn giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định hơn.

 


Nguyễn Thị Thảo

 

Khám mắt, cấp thuốc miễn phí ở Hà Nội, Hưng Yên và Nam Định
Khám mắt, cấp thuốc miễn phí ở Hà Nội, Hưng Yên và Nam Định

Từ tháng 6 đến tháng 12/2012 đề án "Hành động vì đôi mắt" sẽ phối hợp tổ chức khám và tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi hoặc các đối tượng khác có nhu cầu khám mắt tại tỉnh Hưng Yên, Nam Định và Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN