Làm rõ vấn đề phân cấp, đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành y tế

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội khóa XIII đã nghe Bộ Y tế giải trình về cơ cấu tổ chức, bộ máy ngành y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tham dự.

Thành lập 100% Phòng Y tế và Trung tâm Y tế ở cấp huyện

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay trên phạm vi toàn quốc đã thành lập 100% Phòng Y tế và Trung tâm Y tế ở cấp huyện; Bệnh viện đa khoa cấp huyện được thành lập ở 50 tỉnh, thành phố. Trung tâm DSKKHGĐ được thành lập ở 62/63 tỉnh, thành phố (trừ Thành phố Hồ Chí Minh). Trung tâm ATVSTP được thành lập ở 3 tỉnh.

Mô hình chuẩn về cơ cấu, bộ máy đang là bài toán khó đối với ngành y tế. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Về cơ chế quản lý, đến nay có trên 90% Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện đa khoa huyện trực thuộc Sở Y tế, chỉ có một số ít do UBND cấp huyện quản lý. 59/62 tỉnh quy định Trung tâm DSKHHGĐ thuộc Chi cục quản lý, 3 tỉnh, thành Hà Nội, Quảng Trị, Gia Lai giao cho UBND huyện quản lý. 57/63 tỉnh, thành phố đã bàn giao Trạm y tế xã về Trung tâm y tế huyện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thực tiễn hoạt động của ngành Y tế cho thấy, hệ thống văn bản pháp quy dưới luật quy định vấn đề cơ cấu, bộ máy ngành y tế còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số quy định của Luật tổ chức HĐND, UBND không rõ ràng, chưa phù hợp với hoạt động của ngành y tế.
Bộ Y tế khẳng định, mô hình trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị chuyên môn, kỹ thuật thuộc Trung tâm Y tế huyện; cán bộ chuyên trách DSKHHGĐ là viên chức thuộc trạm y tế xã là mô hình phù hợp và hiệu quả nhất.

Chưa có mô hình chuẩn về cơ cấu, bộ máy ngành y tế

Tại buổi giải trình, các thành viên Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội; các chuyên gia y tế, pháp lý đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành y tế, đặc biệt về vấn đề phân cấp trong quản lý nhà nước về y tế tại địa phương, công tác đào tạo nhân lực ngành y tế, đặc biệt cán bộ y tế dự phòng cấp cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn giữ mô hình Trung tâm y tế thuộc UBND huyện, quận. Tuy nhiên, gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, UBND đã giao Sở Y tế nghiên cứu để trình phương án đưa các bệnh viện huyện về trực thuộc Sở Y tế theo Thông tư liên tịch số 03 ngày 25/4/2008 của liên Bộ Y tế và Nội vụ. Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, mô hình tuyến huyện trực thuộc Sở y tế là tốt nhất để đảm bảo vấn đề chuyên môn, nhưng hoạt động y tế dự phòng, giải quyết dịch bệnh nếu trực thuộc UBND sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn tài chính, huy động nhân lực…

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay chưa có mô hình chuẩn về cơ cấu, bộ máy ngành y tế, vì thế, trong khi chưa có thay đổi về Luật tổ chức HĐND, UBND, trước mắt vẫn nên thực hiện theo quy định TTLT 03. Việc xáo trộn nhiều về cơ cấu, bộ máy y tế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của ngành y tế, ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng các dịch vụ y tế của người dân.

Về vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ làm y tế dự phòng ở địa phương, Bộ Y tế đã mở hệ đào tạo chuyên ngành và sang năm sẽ có lượng cán bộ y tế dự phòng lớn để cung cấp về các địa phương. Bộ cũng đã nghiên cứu dự án về đào tạo cán bộ y tế xã, tăng cường đào tạo chuyên tu cho bác sỹ tuyến xã. Hiện nay, 67,8% số xã có bác sỹ và 70% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia.

Cần nghiên cứu sâu cả về lý luận và thực tiễn

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân. Tổ chức, bộ máy ngành y tế là một vấn đề quan trọng, vì thế cần có những nghiên cứu sâu về lý luận và thực tiễn. Bộ Y tế cần giải trình rõ hiệu lực các văn bản pháp quy mà Bộ đã ban hành; phân tích, xem xét và lựa chọn mô hình cơ cấu, tổ chức bộ máy ngành cho phù hợp. Đồng thời Bộ Y tế cần nghiên cứu đề xuất hướng bổ sung, sửa đổi những điều khoản trong Hiến pháp có liên quan đến hoạt động của ngành.

Kết luận phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chuẩn bị báo cáo đánh giá sâu sắc hơn, cụ thể hơn về hiệu quả và mô hình hoạt động của ngành. Bộ Y tế cần tiếp tục phối hợp cùng Bộ Nội vụ để nghiên cứu đưa ra mô hình hoạt động ngành, trong đó có vấn đề bộ máy DS-KHHGĐ, nhằm thực hiện tốt chức năng nhà nước giao phó, đáp ứng nhu cầu người dân.

Xuân Khu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN