Cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng

Làm một cuộc “cách mạng”

Cục Quản lý hoạt động xây dựng (đơn vị chính được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính) cho biết đang rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng chống việc “hành chính hóa”, sửa đổi các quy định theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Chú trọng hơn về lập quy hoạch

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân của việc có quá nhiều thủ tục hành chính khi xin cấp phép xây dựng là do thủ tục trong lĩnh vực xây dựng liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau như đất đai, đầu tư, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường… Thứ hai là trong trường hợp các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết về mặt bằng sử dụng đất thì thủ tục xin cấp phép đầu tư và xây dựng còn phức tạp hơn. Điều này chiếm đến 40 - 45% thời gian hoàn tất thủ tục hành chính của DN.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: Có một nghịch lý đã tồn tại từ lâu, là các địa phương phàn nàn về việc gửi văn bản hàng tháng không thấy sở trả lời, trong khi sở lại cũng bức xúc với việc địa phương không hồi âm với hướng dẫn của sở. Nguyên nhân chính là do cách làm việc hành chính quá máy móc giữa các cơ quan nhà nước với nhau, làm chậm tiến độ giải quyết công việc. Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm hoàn thành 300 đồ án quy hoạch 1/2.000 trong vòng một năm. Việc hoàn thiện về quy hoạch của các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ phê duyệt hồ sơ cho DN một phần nằm ở trách nhiệm của những người thực thi công vụ. “Nếu những người này cởi mở với DN, hướng dẫn cụ thể cho các DN thực hiện đầy đủ thủ tục thì chắc chắn thời gian sẽ giảm bớt. Việc tuyển dụng cán bộ công chức hiện nay còn có vấn đề, chưa đề cao đến đạo đức công chức cũng như sự am hiểu của công chức trong các lĩnh vực hẹp”, ông Dung nói.

Để giải quyết những bất cập trên, ông Bùi Trung Dung cho biết, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tạo thuận lợi nhiều hơn cho DN, quy định rõ trình tự và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phải tiến tới phủ kín quy hoạch để làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng. Mặt khác, cần thống nhất thủ tục giữa Trung ương và địa phương, tránh chồng chéo.

Về việc liệu có nên thay đổi tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ông Dung cho rằng tiền kiểm rất quan trọng và không thể xem nhẹ. “Qua tiền kiểm trong 9 tháng đầu năm đã phát hiện được 55% công trình phải điều chỉnh lại thiết kế, cắt giảm được 8% các chi phí không cần thiết. Chi phí tiền kiểm ít tốn kém mà lại giúp hạn chế sự lãng phí do các lỗi thiết kế gây ra”, ông Dung cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, phải có sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành, địa phương, bởi một phần lớn thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch… do các đơn vị này cấp phép. Về phía Bộ Xây dựng chỉ có thể cắt giảm các thủ tục mang tính kĩ thuật.

Hiệu quả từ cơ chế một cửa liên thông

Trước đây, để hoàn thành một bộ hồ sơ về đất đai thì doanh nghiệp phải mất ít nhất từ 1 - 3 năm, thiệt hại kinh tế là không thể tính được. Hiện nay, thời gian giải quyết cho một hồ sơ theo quy trình mới mất tối đa là 20 - 40 ngày… Kết quả này có được là nhờ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị TP thành lập Tổ công tác liên ngành hoạt động theo cơ chế “một cửa liên ngành, liên thông”. Hồ sơ chỉ nộp tại “một cửa” là Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo quy trình mới này, thời gian giải quyết cho một hồ sơ mới tối đa là 20 ngày làm việc đối với đất đã được giải phóng mặt bằng và 40 ngày làm việc đối với đất chưa được giải phóng mặt bằng. Với cách hoạt động này, đã rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất từ nhiều năm xuống còn từ 20 - 40 ngày.

Một kết quả đáng ghi nhận khác chính là quy trình thủ tục trong việc thực hiện chỉ đạo thu hồi 130 dự án treo tại TP Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây, muốn thu hồi một dự án nào đó thì TP Hồ Chí Minh sẽ phải chờ quận kiểm tra, rà soát, kiến nghị; rồi thành phố phải hướng dẫn, kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư… Tuy nhiên, khi thành phố giao việc này cho liên ngành sở Xây dựng - đầu tư - tài nguyên môi trường - chính quyền quận cùng với chủ đầu tư cũng ngồi lại làm việc với từng dự án một, những khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư đã được giải đáp ngay, những khúc mắc về mặt pháp lý được giải quyết sớm hơn.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn cho rằng, những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn là thủ tục. Sở đang rà soát lại quy trình 8 bước từ lúc chấp thuận đầu tư cho đến khi khởi công dự án. Nếu rà soát lại, những trường hợp nhà đầu tư đáp ứng được các yêu cầu về tài chính, đất sạch, tuân thủ quy hoạch thì dự án sẽ thực hiện đúng quy trình thì sẽ chỉ mất tối đa 27,5 tháng.

Hoàng Dương - L. Hiền - T. Quang
“Dài cổ” chờ phê duyệt giấy phép xây dựng
“Dài cổ” chờ phê duyệt giấy phép xây dựng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, để một dự án của khối tư nhân có thể khởi công thì thời gian hoàn thành thủ tục hành chính lên đến 450 ngày. Dự án sử dụng ngân sách Nhà nước cũng lên đến 300 ngày. Tuy nhiên, chỉ là mức trung bình. Thực tế, thời gian hoàn tất thủ tục của DN còn nhiều hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN