Làm gì để giữ chân giảng viên trẻ?

Không chỉ giảng viên trẻ trong nước, ngay cả giáo viên tu nghiệp ở nước ngoài cũng khó bám trụ với giảng đường. Nhiều trường đại học thường xuyên thông báo tuyển giảng viên với số lượng không nhỏ, từ vài chục đến cả trăm chỉ tiêu nhưng rất khó tuyển. Hiện các trường đang “đau đầu” vì chế độ giữ chân người tài…

Năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm học hàng loạt các trường đại học chủ động tuyển giảng viên (GV) để bổ sung lực lượng. Tuy nhiên cho đến tận thời điểm này, việc tuyển giảng viên vẫn rất khó khăn và hầu như không trường nào tuyển đủ chỉ tiêu dự kiến.

Ông Hoàng Mạnh Dũng, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết, để bảo đảm lực lượng giảng viên cơ hữu chiếm 50% - 60%, trường vừa tổ chức tuyển giảng viên bổ sung nhưng chỉ có khoảng 40 hồ sơ dự tuyển và chỉ tuyển được 25 giảng viên. Trường vận động những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc ở lại làm giảng viên, nhưng hầu hết đều từ chối, chỉ có vài sinh viên loại khá nhưng cũng không mấy quyết tâm.

Giờ học của sinh viên lớp chất lượng cao chuyên ngành tiếng Anh.


Trường ĐH Mỏ Địa chất cũng không khác là mấy. Mỗi năm trường tuyển gần 100 giảng viên vào nhiều chuyên ngành khác nhau của trường. Tuy nhiên, năm nào trường cũng rơi vào tình trạng thiếu chỉ tiêu, bởi số lượng thí sinh đến tuyển nhiều ngành quá ít. Theo ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, chỉ những chuyên ngành chính của trường như Địa chất, Dầu khí… là dồi dào nguồn tuyển, có nhiều sinh viên giỏi. Còn lại hầu hết các ngành khác trong trường đều khó tuyển và phải tuyển sinh viên tốt nghiệp loại khá. Thậm chí có ngành, có năm chúng tôi không tuyển được giảng viên nào.

ĐH Thái Nguyên năm nay cũng tuyển khoảng 70- 80 GV. Ông Ngô Việt Hải, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, mặc dù có rất nhiều hồ sơ dự tuyển nhưng không đáp ứng được yêu cầu nên có ngành trường vẫn thiếu GV. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho biết rất khó tuyển giảng viên, đặc biệt là khó thu hút sinh viên giỏi tiếp tục gắn bó với trường sau khi tốt nghiệp.

Phân tích nguyên nhân tại sao khó tuyển GV trẻ, đại diện các trường đại học công lập đều khẳng định: Lý do là lương quá thấp. Một sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nếu ở lại trường làm GV lương khởi điểm chỉ 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó ra làm tại DN mức lương cao gấp năm, gấp bảy lần nên nhiều em không ở lại. Đó là chưa kể, nếu yêu cầu hàng đầu của những GV trẻ là phải lương cao thì quả thật hầu như (nếu không muốn nói là tất cả) các trường công lập đều phải từ chối... không tuyển!
Hơn 40 năm gắn bó với Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội (từ 1957 - 2001), PGS Văn Như Cương cho rằng, chung quy vẫn là vấn đề đồng lương. Chỉ với khoảng 3 triệu đồng/tháng, người trẻ tài giỏi dù muốn đến mấy cũng khó mặn mà. Còn GS Phạm Phụ từng thốt lên: “Những gì đang diễn ra khiến ngành giáo dục phải lo lắng. Với lương bổng, cơ chế dùng người như hiện nay khó lòng thu hút lớp trẻ ở lại và gắn bó với trường. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các trường đại học thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ”.

Theo thống kê, hiện nay trong tổng số 61.000 giảng viên của các trường đại học, học viện, cao đẳng trong cả nước chỉ có 320 giảng viên có chức danh giáo sư. Trong số cán bộ khoa học đang làm việc tại các trường có tới 75% đã quá tuổi 50.

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hiện có tới 70% cán bộ công nhân viên có độ tuổi dưới 40. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long khi nghe đến điều này phải công nhận rằng đây là một nỗ lực đáng khen của trường nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Không mấy trường có được lực lượng trẻ, khỏe và có trình độ như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

Ấy vậy mà lãnh đạo nhà trường lại rất băn khoăn vì cũng không có cách nào hay để giữ chất xám ở lại. Theo lãnh đạo nhà trường, sự gắn bó của các thầy cô trong trường đôi khi là vì tình cảm. Không thể tránh khỏi việc họ rời giảng đường đại học vì lý do kinh tế bởi một thực tế khách quan là có thực mới vực được đạo. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM rất thiếu cán bộ đầu ngành, hiện chức danh giáo sư của trường chiếm tỉ lệ khoảng trên 1%. Trường cũng rất quan tâm đến việc nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên, cũng như sắp xếp thời gian và nỗ lực tìm kiếm các nguồn học bổng để đưa cán bộ, giảng viên ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ cũng như nghiên cứu ngay ở trong nước. Có những giảng viên chỉ về trường mới một vài tháng nhưng đã được sắp xếp kế hoạch đi nghiên cứu sinh nhưng cũng không tránh khỏi nạn chảy máu chất xám.

Thiếu giảng viên trẻ cũng như chảy máu chất xám trong các trường đại học là thực trạng chung mà nhiều trường vẫn chưa có phương pháp đột phá nào để giữ chân người tài. Bài toán này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thấy rõ và bắt đầu có những chuyển động tích cực. Tuy nhiên, tăng đãi ngộ chỉ là một biện pháp nếu như người tài không có môi trường làm việc thích hợp để gia tăng giá trị và phát triển khả năng của mình thì cũng như không.

Hiếu Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN