Mối nguy hại cho mỗi gia đình

Lạm dụng rượu bia-Bài 3

Các nghiên cứu, khảo sát gần đây đều đưa ra kết quả: Bia rượu là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ bạo lực gia đình. Đau lòng hơn nữa là nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình này phần lớn đều là phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé, người mất mạng, người tù tội, trẻ con bơ vơ vì gia đình bỗng chốc ly tán cũng vì bia rượu…

Con số và sự thực

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy: Từ năm 2009 đến năm 2012, cả nước xảy ra hơn 178.000 vụ bạo lực gia đình, phần lớn là bạo lực với phụ nữ. Còn Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho thấy: Rượu bia là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.

Thông tin mới đây nhất từ Bộ Y tế đã chỉ ra rằng: Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Gần 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại…Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều người mà chủ yếu là nam giới chỉ có hành vi bạo hành với vợ, con sau khi đã say rượu bia…

Báo chí cũng đã đăng tải nhiều vụ bạo lực gia đình đau lòng, thậm chí dẫn đến cái chết thương tâm của nhiều người phụ nữ do người chồng nghiện rượu gây ra. Gần đây nhất là vụ một phụ nữ ở Phan Thiết, Bình Thuận bị chồng đổ dầu đốt chỉ vì 50.000 đồng tiền rượu. Người phụ nữ 30 tuổi đã chết vì giữ lại 50.000 đồng tiền rượu của chồng để mua thức ăn cho con.

Người chồng nghiện ngập, ma men trong người đã khiến anh ta dùng đầu đổ vào người vợ rồi châm lửa đốt. Chỉ khi lửa bùng cháy thiêu đốt vợ người đàn ông này mới tỉnh ngộ, lao vào dập lửa cứu vợ thì đã quá muộn. Vợ chết, chồng vào tù, bỏ lại 2 đứa con nhỏ bơ vơ…

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên(CSAGA) cho hay: Những vụ bạo hành trong gia đình liên quan đến bia rượu không phải là ít và thực sự là đáng lo ngại. Rất nhiều phụ nữ, nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình thì chồng của họ là người nghiện rượu bia.

Tất nhiên, không phải người đàn ông nào khi say rượu bia, nghiện rượu bia cũng đánh đập, mắng chửi vợ con. Thường những người chồng đã có tính bạo lực mà nghiện rượu bia sẽ là những trường hợp khó giải quyết hơn rất nhiều so với các trường hợp khác.

Người phụ nữ sống trong một gia đình có người nghiện rượu, hay say rượu không chỉ bị bạo lực về thể xác mà còn có nhiều trường hợp về tinh thần, tình dục…Hơn nữa, bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng tới người bị bạo lực, chủ yếu là phụ nữ mà còn gây ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của trẻ em sống trong gia đình có bạo lực.

Theo nghiên cứu của tổ chức Health Bridge về tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng rượu bia của người lớn đã chỉ ra kết quả cho thấy: Có 11% trẻ em bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi; bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn: 6,5%; phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình: 6,1%; bị đánh đập, gây đau đớn về thể xác 3,8%...

Trẻ em lớn lên trong gia đình có bạo lực cũng chịu những tác động tiêu cực do bạo lực gia đình gây ra, ví dụ như buồn bã, rối loạn tâm lý, thiếu động cơ học tập, tách mình ra khỏi bạn bè, ít nói, nếu tình trạng đó kéo dài có thể dẫn đến mắc bệnh trầm cảm. Nghiêm trọng hơn, khi trẻ em trực tiếp chứng kiến cảnh bạo lực ngay trong gia đình, chúng có thể sao chép hành vi của bố, mẹ, từ đó hình thành nên những thói xấu, thậm chí cha mẹ không thể giáo dục con cái khi chúng trưởng thành.

Cũng theo Health Bridge: Trẻ em trong các hộ uống rượu chịu nhiều thiệt thòi cả về dinh dưỡng và giáo dục so với các trẻ em khác. Các em sẽ tới ngưỡng cửa của tuổi lao động với bất lợi kép - sức khỏe yếu, trình độ học vấn kém hơn trẻ em bình thường khác.

Vì vậy trẻ em trong các gia đình có người nghiện rượu sẽ có năng suất lao động thấp hơn ở tuổi trưởng thành, gây thiệt thòi cho cá nhân và xã hội. Thành viên gia đình ở các hộ có người uống rượu bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với các hộ không có người uống rượu bia…

Trước hết là phải biết… chạy

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) là một địa chỉ quen thuộc để những người yếu thế tìm đến khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có nhiều người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà người gây ra bạo lực không ai khác ngoài người chồng nghiện ngập rượu bia của họ.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho hay: Có những anh chồng chỉ đánh vợ khi uống rượu. Ngay khi người chồng về đến cổng là vợ con phải sơ tán vì người chồng đập vỡ đồ đạc, đánh đập vợ con, chửi bới hàng xóm láng giềng, họ hàng nếu họ sang can thiệp. Thế nhưng đến khi tỉnh rượu họ lại không nhớ đã có hành vi gì trước đó.

Chia sẻ về cách thức bảo vệ phụ nữ tránh khỏi thương tích khi có chồng là người thường xuyên say rượu bia, bà Nguyễn Vân Anh cho hay: Việc đầu tiên và quan trọng nhất Trung tâm tư vấn, hướng dẫn cho các chị em là phải biết chạy khi chồng say để tránh tổn thương vì bạo lực.

Khi đó, các chị em không nên đối đầu với người chồng, phải tìm cách thoát khỏi nhà, không chạy vào các “tọa độ chết” như nhà bếp, nhà tắm sẽ dễ bị thương tích nặng về, thậm chí bị chồng đánh đến tử vong. Tiếp đó, Trung tâm cũng hướng dẫn cho chị em cách thức cân bằng lại gia đình, không để người chồng là chủ duy nhất. Điều thứ 3 là cai rượu cho người chồng – đây là một việc hết sức khó khăn và cần có sự trợ giúp của những trung tâm cai nghiện rượu chuyên nghiệp...

Uống rượu là một sinh hoạt văn hoá đã có hàng ngàn năm nay của người Việt Nam – một biểu hiện của văn hóa làng xã. Người Việt Nam cũng có thói quen dùng rượu bia trong các kỳ cuộc lớn của gia đình, làng xã như Tết, đám cưới, đám hỏi, lễ hội… Song nhiều người cũng vin vào tục lệ này mà làm biến tướng một nét đẹp, lạm dụng bia rượu, gây ra nhiều hệ lụy.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho rằng: Đa số người Việt Nam cho rằng khi được mời là phải uống mới là đáp được tấm lòng của người mời; chủ tiệc cũng phải uống khi khách mời mới thể hiện được lòng hiếu khách. Đây là thói quen đang phổ biến trên khắp các vùng miền của đất nước và cần phải thay đổi bởi sự hiếu khách, phong độ của người đàn ông không phụ thuộc vào việc uống ít hay nhiều rượu bia trên bàn tiệc...

Bên cạnh việc thay đổi thói quen sử dụng bia rượu, các cơ quan chức năng cũng nên tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến người dân. Đặc biệt vai trò của Hội phụ nữ cần được phát huy cao độ hơn nữa trong việc chủ phát hiện, giúp đỡ gia đình có các chị em đang gặp phải cảnh ngộ chồng nghiện rượu, bị chồng bạo hành…

Cần những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt

Bản chất của rượu bia là không xấu. Điều quan trọng là mỗi người cần uống hợp phù hợp hoàn cảnh, sức khỏe và biết chừng mực… Đó mới là văn hóa. Những hệ lụy đau lòng từ việc lạm dụng rượu bia bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy, những hệ lụy này không chỉ gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần cho các cá nhân mà còn gây ra nỗi đau cho các gia đình có người nghiện bia, rượu hoặc sử dụng thường xuyên.

Xa hơn nữa, những người lạm dụng bia rượu đã vô tình để lại gánh nặng, hậu quả cho xã hội khi họ mắc các bệnh liên quan đến tâm thần; gia đình họ ly tán khi có người thương tật, tử vong, người vào vòng tù tội .... Kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bia rượu gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.

Rượu bia cũng là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm khi họ ra điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn, nhất là vào các dịp lễ, Tết, lễ hội, kỳ nghỉ dài.

Những người làm công tác nghiên cứu tác hại của rượu bia cũng như những người làm công tác quản lý Nhà nước về những vấn đề liên quan đến y tế, an toàn giao thông đều cho rằng cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa tác hại của lạm dụng rượu bia với sức khỏe, kinh tế của người sử dụng ở các hộ gia đình, đặc biệt tập trung cho vùng nông thôn, dân tộc thiểu số.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tăng thuế, tăng giá bia rượu để giảm sức mua – đây là giải pháp được chứng minh là đạt hiệu quả tốt ở nhiều nước trên thế giới trong việc giảm tiêu dùng rượu bia. Thêm vào đó, việc phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia cũng cần được lồng ghép vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới…

Ở Việt Nam các bộ ngành liên quan đang tích cực hoàn thiện dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Dự thảo Luật này tuy còn nhiều vấn đề gây trang cãi nhưng cộng đồng xã hội đều cho rằng sự ra đời của Luật này là cần thiết, đặc biệt là hạn chế người dưới 18 tuổi uống rượu cũng như việc lạm dụng bia rượu gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, an ninh trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cũng đề cập đến việc nghiêm cấm bán rượu rượu, bia sau 22 giờ đêm đến 6 giờ hôm sau… Nếu Luật này sớm được phê duyệt và thông qua, đi vào thực tế cũng sẽ góp phần tích cực vào việc giảm thiểu những hệ lụy đau lòng từ lạm dụng rượu bia…

TTXVN/Tin Tức
Coi thường tính mạng vì làm bạn với “ma men” - Bài 2
Coi thường tính mạng vì làm bạn với “ma men” - Bài 2

Hàng nghìn vụ tai nạn thương tâm liên quan đến bia rượu xảy ra mỗi năm khiến cả xã hội xót xa cũng chưa thể thức tỉnh được người dân nhận ra tác hại của việc điều khiển phương tiện khi đã có hơi men trong người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN