Lại thí điểm trông ô tô dưới lòng đường

Hà Nội triển khai thí điểm trông giữ ô tô dưới lòng đường tại hai tuyến phố trung tâm Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo từ ngày 1/7. Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến “giải pháp mới” này.


Thu hẹp lòng đường


Theo ghi nhận của phóng viên Tin Tức, tại 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo triển khai thí điểm cho ô tô đỗ dưới lòng đường, hễ có xe ô tô tấp vào điểm đỗ đều có nhân viên đồng phục của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, đơn vị được giao triển khai thí điểm, chỉ dẫn đỗ xe theo đúng quy định. Theo đó, xe xếp chéo 45 độ theo mép đường, sát vỉa hè, đầu xe hướng ra ngoài.

 

Xe đỗ chéo 45 độ lấn chiếm thêm lòng đường hơn nửa mét so với trước. Ảnh: Xuân Cường

 

Việc bố trí đỗ xe như hiện nay khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp hơn so với trước tới nửa mét. Nhiều người dân còn lo ngại về nguy cơ mất an toàn giao thông. Chị Hằng, nhà số 48 Trần Hưng Đạo phản ánh: “Việc đỗ xe chéo 45 độ này sẽ tăng lượng xe để nhưng lấn chiếm lòng đường nhiều hơn. So với vạch sơn cũ (xe đỗ theo chiều dọc) thì vạch sơn để xe đỗ chéo 45 độ lấn thêm ra lòng đường nửa mét. Việc lưu thông vì vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng, nhất là vào giờ cao điểm, khu vực gần với đèn giao thông đã xuất hiện ùn ứ”.


Đồng quan điểm này, nhiều người dân trên phố Lý Thường Kiệt cho rằng, việc đỗ xe chéo như thí điểm đã chiếm thêm diện tích lòng đường, ảnh hưởng giao thông giờ cao điểm. Nếu không có người hướng dẫn, xe vòng cua rộng dễ gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, việc đỗ chắn trước cửa nhà dân ảnh hưởng nhiều đến việc buôn bán. Chị Bích Thủy, nhà số 46 Trần Hưng Đạo, cho biết: “Nếu khách dừng vào xem, mua hàng một lúc trước cửa hàng mà cũng bắt đỗ vào điểm rồi thu tiền sẽ bất hợp lý, ảnh hưởng đến kinh doanh. Do đó, cơ quan chức năng cần phải xem xét lại để thuận tiện đi lại và kinh doanh buôn bán”.


Trong khi đó, anh Đỗ Việt Cường, thường đỗ xe trên tuyến phố Trần Hưng Đạo để giao dịch lại rất ủng hộ việc thí điểm trông xe dưới lòng đường. Anh Cường cho biết: “Trước kia, cứ đỗ xe dọc tuyến phố này, trước nhà dân là thấy một số người ra thu tiền, chỉ biết là đỗ trước cửa nhà họ thì họ thu và không đưa vé. Giá thu tùy theo thời gian, đỗ cả buổi sáng tầm 60.000 - 80.000 đồng, đỗ cả ngày hết khoảng 100.000 đồng. Nếu cự lại không trả tiền thì y như rằng nhẹ thì cào xước xe, không thì bị lõm vài chỗ thành xe. Do đó, chúng tôi thường trả tiền gửi xe theo giá họ “hét” để đỡ phiền phức”.


Chính vì vậy, việc tổ chức thí điểm trông xe dưới lòng đường được những người thường xuyên đỗ xe tại đây ủng hộ vì đúng giá quy định, quan trọng hơn là việc xé vé giao cho khách hàng cũng đồng nghĩa tiền gửi xe này được nộp thuế cho Nhà nước.


Chưa hết lúng túng trong quản lý


Để triển khai mô hình thí điểm trông giữ ô tô dưới lòng đường, trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có công văn thu hồi toàn bộ 25 giấy phép đã cấp cho các đơn vị sử dụng tạm thời đường phố để đỗ xe, trông giữ xe ô tô trên hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm).
Theo sơ đồ điểm đỗ xe, trên phố Lý Thường Kiệt, từ nút giao Lý Thường Kiệt - Lê Thánh Tông đến nút giao Lý Thường Kiệt - Bà Triệu sẽ tổ chức trông, giữ ô tô phía bên số nhà lẻ; đoạn từ nút giao Lý Thường Kiệt - Bà Triệu đến nút giao Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn sẽ tổ chức trông, giữ xe ô tô phía bên số nhà chẵn. Còn trên tuyến Trần Hưng Đạo, từ điểm giao với phố Lê Duẩn đến điểm giao với phố Bà Triệu sắp xếp trông xe ô tô bên số nhà lẻ, còn từ điểm giao với phố Bà Triệu đến điểm giao với phố Lê Thánh Tông sắp xếp bên số nhà chẵn.


Ông Bùi Đăng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: “Từ 1/7, công ty bắt đầu nhận trông giữ ô tô, phát hành vé theo quy định tại 12 điểm ở hai tuyến phố trên. Các điểm trông giữ được sơn kẻ vạch sơn diện tích điểm đỗ; điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ... ; lắp đặt biển niêm yết phí trông giữ, trang bị bình phòng cháy chữa cháy và bố trí 68 nhân viên trông giữ”.


Sau thời gian thí điểm, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm để làm cơ sở sắp xếp các tuyến phố, điểm trông giữ xe đủ điều kiện trông giữ xe ô tô dưới lòng đường theo quy định của Chính phủ.


Việc triển khai thí điểm đỗ xe ô tô lòng đường 2 tuyến phố trung tâm Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo phần nào cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý trước vấn đề thiếu chỗ đỗ xe tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, cũng như vấn đề quy hoạch bãi đỗ xe tĩnh. Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có gần 700 điểm đỗ xe với diện tích hơn 12 ha. Các bãi đỗ xe tĩnh Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Chính vì vậy, các chủ xe ô tô thường tìm chỗ đỗ tại công viên, nhà văn hóa, sân trường... và tại các bãi đỗ không được cấp phép.

 

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bãi đỗ xe tại khu trung tâm, Hà Nội đã ban hành cơ chế khuyến khích về phí trông xe, thuế... Bên cạnh đó, Hà Nội đã đầu tư một số điểm đỗ xe thông minh nhưng hiệu quả chưa cao, khó hấp dẫn. Để đáp ứng nhu cầu điểm đỗ xe tĩnh, Hà Nội cho phép các bãi đỗ xe tạm thời hình thành trên cơ sở tận dụng tạm thời các khoảng trống, diện tích đất trống, đất chưa sử dụng... Các điểm đỗ này sẽ được xem xét, quyết định cho từng vị trí cụ thể với điều kiện không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông và đô thị... Việc thí điểm trông xe ô tô dưới lòng đường tại 2 tuyến phố trung tâm được coi là giải pháp tình thế trong khi Hà Nội chưa có những bãi đỗ xe tĩnh theo đúng nghĩa.

 

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Trước đây, Hà Nội cũng đã cấp phép trông giữ xe ô tô dưới lòng đường. Tuy nhiên, việc cấp phép này phụ thuộc vào từng tuyến phố như lòng đường rộng, không ảnh hưởng đến lưu thông. Việc này đáp ứng nhu cầu có chỗ đỗ xe của người dân và cả khách đến giao dịch, nhất là trong khu trung tâm. Việc thí điểm trông xe ô tô dưới lòng đường tại hai tuyến phố trung tâm Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo nhằm sắp xếp lại hoạt động trông giữ xe theo hướng đảm bảo an ninh trật tự, tránh lộn xộn như trước đây. Tuy nhiên, để công tác này đi vào nề nếp, đúng quy định phải có sự tăng cường kiểm tra, giám sát để không phát sinh tiêu cực.

 

Bà Phạm Thị Ngọc, 80 Lý Thường Kiệt: Việc sắp xếp lại điểm đỗ xe trên hai tuyến phố trung tâm cần quy về một mối quản lý, có giá vé rõ ràng. Trước đây, khách hàng đến liên hệ công tác thường rất khó tìm chỗ để xe ô tô và giá trông xe cũng vô tội vạ; nay chủ xe được cấp vé, thu đúng giá, Nhà nước không bị thất thu. Để việc này đi vào nề nếp, đơn vị quản lý điểm đỗ cần có cơ chế giám sát bởi các điểm trông xe này rải rác dọc 2 tuyến phố, xen lẫn với nhiều điểm gửi xe của cơ quan, doanh nghiệp dẫn đến khó quản lý đồng nhất, xe vào ra liên tục, người trông xe có thể “biển thủ” nếu không xé vé và người gửi xe của Việt Nam không có thói quen yêu cầu có vé. Nguy cơ dẫn đến “nhập nhèm” giá vé gửi dễ tái diễn nếu không có cơ chế giám sát hữu hiệu.


Xuân Minh

Các điểm trông xe tự phát đua nhau 'chém giá'
Các điểm trông xe tự phát đua nhau 'chém giá'

Như thông lệ hàng năm, mỗi khi Tết đến xuân về, các di tích lịch sử - văn hóa, chùa chiền trên địa bàn Hà Nội thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí và lễ Phật cầu may khiến nhu cầu gửi xe tại các khu vực này tăng đột biến...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN