Lại thêm 205 ca sốt phát ban dạng sởi

Chiều 24/4, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trong ngày, cả nước ghi nhận 40 ca sởi đã xác định qua xét nghiệm trong số 205 ca sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.


Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 3.600 ca sởi xác định trong số hơn 10.000 ca sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố; trong đó, có 123 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Chăm sóc bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.


Vấn đề rất đáng lo ngại là số bệnh nhân nặng phải thở máy ở các bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Trong ngày, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 20 ca mắc sởi mới, nâng mức bệnh nhi đang điều trị tại đây lên 237 bệnh nhi; trong đó, có tới 22 ca nặng đang phải thở máy.


“Số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã bắt đầu giảm dần song thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc và những trường hợp nặng ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi, do các cháu chưa được tiêm phòng vắc xin”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định.


Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, trong ngày, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp nhóm các chuyên gia tư vấn về công tác phòng, chống dịch sởi để tìm thêm các giải pháp hữu hiệu; đồng thời, họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi để thống nhất các nội dung chỉ đạo phòng, chống bệnh sởi. Các đoàn công tác của Bộ Y tế tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi và việc triển khai chiến dịch tiêm vắcxin sởi tại các tỉnh, thành phố trong cả nước...


Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, các viện và bệnh viện liên quan thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, vi rút, miễn dịch, lâm sàng và hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam năm 2013-2014”. Đề tài đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt thực hiện với thời gian 6 tháng.


Đề tài tập trung vào xác định đặc điểm dịch tễ, đặc điểm miễn dịch và vi rút của bệnh sởi, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân tử vong và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh sởi ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này sẽ đưa ra các bằng chứng khoa học nhằm trả lời câu hỏi tại sao thời gian qua, tỷ lệ tử vong do liên quan đến sởi lại tập trung ở miền Bắc (chủ yếu tại Bệnh viện Nhi Trung ương) mà không phải là các bệnh viện phía Nam, trong khi cả hai miền đều ghi nhận rất nhiều ca bệnh.



Phương Liên


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN