Ký ức tuổi thơ về tình thương bao la của Bác

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ lần được gặp Bác Hồ nhưng xúc cảm về lần gặp ấy vẫn luôn in đậm trong tâm trí cô Nguyễn Thị Mão (khối phố 5, phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh). Cô Mão bồi hồi chia sẻ: dù lúc ấy cô chỉ là một học trò nhưng ký ức về tình thương bao la của Bác Hồ trong 75 phút được gặp và trò chuyện cùng Bác, vẫn còn đọng mãi trong cô. Những lời dặn dò và sự quan tâm của Bác lúc ấy đã trở thành động lực giúp cô sống và làm nhiều việc tốt, có ích hơn.

Bác Hồ, vị cha già của dân tộc.


* Ký ức về lần gặp Bác

Những năm 1965 – 1966, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc nước ta. Hà Tĩnh lúc bấy giờ được ví như “cán xoong” của vùng Khu 4 cũ thường xuyên phải chịu những trận rải thảm bom của không lực Hoa Kỳ. Ký ức cô Mão vẫn còn vẹn nguyên sự mất mát, đau thương khi nhớ về buổi chiều kinh hoàng ngày 9/2/1966, Mỹ đã dội xuống ngôi trường Hương Phúc (Hương Khê) – nơi cô đang theo học lớp 6, khiến 33 học sinh chết, 24 học sinh khác bị thương. Cô Mão lúc đó 14 tuổi, là người may mắn sống sót vì xin phép đến muộn do có việc nhà, nhờ vậy mà không bị vùi lấp dưới hố bom của giặc Mỹ.

Sau vụ thảm sát, Bác Hồ đã cho mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến gặp để nói về tình hình giặc Mỹ leo thang hủy diệt các trường học. Đoàn của trường Hương Phúc có thầy chủ nhiệm Thái Văn Nậm, đại diện phụ huynh học sinh và thầy trưởng Ty Giáo dục Hà Tĩnh Lê Sỹ Nghĩa về Hà Nội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trước học sinh, sinh viên thủ đô và 120 nhà báo nước ngoài. Trong chuyến đi đó, cô Mão vinh dự được gặp và thưa chuyện cùng Bác Hồ.

Khi nghe tin đoàn trường Hương Phúc ra Hà Nội, Bác đã dành thời gian cho đoàn đến gặp ở Phủ Chủ tịch khiến các thầy cô và mọi người trong đoàn ai cũng vô cùng xúc động bởi biết Bác Hồ bộn bề trăm ngàn việc lớn của đất nước. Tối 9/3/1966, cả đoàn theo Bộ trưởng vào Phủ Chủ tịch báo cáo với Bác về sự việc tàn bạo vừa xảy ra ở quê nhà.

Lúc vừa đến, cả đoàn đã thấy Bác đã chờ sẵn ở sảnh đường phòng khách của Phủ Chủ tịch. Bác bước tới với bộ đồ ka ki giản dị, bắt tay hỏi han từng người một. Khi đến chỗ cô Mão, thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn, Bác đã bế cô lên và ôm hôn rất lâu. Sau khi hỏi thăm tình hình chung của cả đoàn, Bác bảo cô đến ngồi kề bên rồi hỏi han về hoàn cảnh gia đình, cô đứng dậy trả lời, Bác ân cần bảo cô ngồi xuống. Cô vẫn nhớ như in lời Bác: “Bác cháu ta chứ có phải ai đâu mà đứng dậy”. Theo lời kể của cô Mão, Bác nhẹ nhàng vuốt tóc và an ủi cô, cảm giác thật thân thương mà gần gũi như được ngồi bên một người ông của mình.

Khi biết cô là con liệt sỹ, ông bà nội ngoại đều mất, mẹ đi bước nữa, cuộc sống vất vả, đường đi học xa, Bác nhìn Bộ trưởng Bộ Giáo và trưởng Ty Giáo dục căn dặn: “Các chú phải lo cho cháu học tốt”. Khi được Bác hỏi đã làm được gì để giúp gia đình, cô Mão trả lời biết gánh nước, cấy lúa và còn gánh được khoảng 30 cân lúa. Nghe vậy, Bác còn căn dặn: “Bác khen cháu vừa học vừa biết giúp đỡ gia đình, nhưng tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cháu không nên gánh nặng quá, ở độ tuổi của cháu mà gánh 30 cân là không nên”.

Bác chu đáo bảo các chú phục vụ lấy bánh kẹo ra tiếp đoàn. Bác lấy cho cô Mão một nắm kẹo nhưng thấy áo cô không có túi, Bác nói: “Thiếu niên mặc áo mà không có túi”, rồi Bác quay sang nhắc nhở người lớn xung quanh: “May áo cho thiếu nhi là phải có túi để đựng quà”.

Lúc chia tay, Bác dặn mọi người đều phải cố gắng công tác tốt, học tập tốt, như thế cũng là đánh thắng giặc. Bác còn gửi lời hỏi thăm và động viên đến toàn thể đồng bào Hương Phúc. “Mỗi cử chỉ, lời nói của Bác thật ấm áp, thân thương, lúc ấy bao nhiêu đau thương, mất mát trong cô đều vơi đi hết và thay vào đó là niềm xúc động, tự hào và quyết tâm phải ra sức học tập, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với những lời căn dặn và xứng đáng với tấm gương đạo đức vĩ đại của Người”, cô Nguyễn Thị Mão bồi hồi nhớ lại...

* Học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác


Từ lần gặp Bác, cô Nguyễn Thị Mão có thêm niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, học tập tốt. Nghỉ hè, cô còn đến từng chiến hào kể cho các chú bộ đội nghe về vụ thảm sát đã xảy ra và về lần gặp Bác cùng những lời dặn và tấm gương của Người, qua đó hun đúc thêm ý chí chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc của các chú bộ đội.

Sau này, thầy Lê Sỹ Nghĩa, Trưởng Ty Giáo dục Hà Tĩnh đã trở thành cha nuôi của cô Mão. Ông đã cùng gia đình nuôi nấng, chăm sóc và coi cô như chính con đẻ. Năm 1976, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, khoa Vật lý cô được phân công về công tác tại trường THPT Phan Đình Phùng (thành phố Hà Tĩnh). Hơn 30 năm trong nghề cũng là chừng ấy thời gian cô miệt mài bên trang giáo án, chèo lái con thuyền tri thức. Không thể đếm hết bao nhiêu thế hệ học sinh đã trưởng thành từ mái trường Phan Đình Phùng, từ những ân cần chỉ dạy của cô. Trong từng giờ dạy, cô còn đưa thêm những câu chuyện từ tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kể cho học trò nghe. Những bài học về đức tính giản dị, lối sống khoa học, tiết kiệm… của Bác luôn được cô học tập, noi theo.

Năm 2007, đến tuổi nghỉ hưu, cô trở về tham gia sinh hoạt tại khối phố 5, phường Tân Giang. Cô được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khối phố. Luôn đi đầu trong mọi hoạt động, cô là người khởi xướng nên phong trào “Bát cháo tình thương” dành cho phụ nữ, trẻ em nghèo, trẻ em làng SOS, trẻ nhiễm chất độc da cam và bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện tỉnh, thành phố… Cô Mão đã phát động nhiều phong trào thi đua trong chi hội phụ nữ khối phố 5 như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Mái ấm tình thương”; “Mô hình tiết kiệm theo gương Bác”.

Riêng gia đình cô đã thực hiện phương châm chi tiêu tiết kiệm, góp tiền ủng hộ trẻ em làng SOS, ủng hộ chương trình "Vì biển đảo Việt Nam"... Nhiều năm liền, gia đình cô được vinh danh là “Gia đình hạnh phúc” tiêu biểu của phụ nữ Hà Tĩnh. Năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết trong các hoạt động phong trào, lúc về nhà cô là người phụ nữ đảm đang, khéo vun vén, chăm lo cho cuộc sống gia đình. Chồng cô là thương binh từ chiến trường chống Pháp trở về, cũng là người đồng nghiệp cùng trường với cô. Vượt qua những khó khăn cuộc sống thường nhật, hai vợ chồng cô cùng nuôi dạy 3 cô con gái giỏi giang, thành đạt.

Ngay ở phòng khách nhà riêng, ngoài ban thờ gia tiên, gia đình cô đặt bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hương khói cẩn thận, chu đáo. Ngày 2/9 hàng năm, cô Mão đều làm mâm cơm cúng giỗ Bác Hồ. Cô cũng vận động chị em trong khối phố, con cháu trong nhà mỗi tháng một lần tham gia dọn dẹp vệ sinh tại khu lưu niệm Bác Hồ. Những việc làm tuy nhỏ bé nhưng đã phần nào thể hiện niềm tôn kính của gia đình cô đối với Bác kính yêu.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, cô Mão luôn tâm niệm, còn sức, còn tiếp tục cống hiến cho công tác xã hội, góp phần nhỏ bé của mình vào công việc chung vì sự phát triển cộng đồng.


Hoàng Ngà
45 năm trước Bác Hồ  viết xong Di chúc
45 năm trước Bác Hồ viết xong Di chúc

Năm 1965, vào tuổi 75, Bác yếu đi nhiều. Có lẽ do cảm nhận rõ việc sẽ ra đi khó tránh của mình, nên từ tháng Năm, Bác đã bắt đầu việc viết Di chúc - một công việc mà Bác gọi là “Tuyệt đối bí mật” được tiến hành rất kín đáo trong nhiều năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN