Kỷ niệm 65 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2011):60 ngày đêm quyết tử bảo vệ Thủ đô

Trong dịp kỷ niệm hội truyền thống liên khu I, chúng tôi có dịp gặp Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, hiện là Trưởng Ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu I Hà Nội. Năm nay đã 91 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm vẫn rất minh mẫn, kể lại những kỷ niệm không quên của cuộc đời binh nghiệp trong 60 ngày đêm quyết tử (19/12/1946-17/2/1947) bảo vệ Thủ đô Hà Nội mùa đông năm 1946.

Thời khắc hào hùng

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm vẫn nhớ hiệu lệnh chiến đấu mở màn lúc 20 giờ ngày 19/12/1946 với tiếng nổ đại bác bắn ra từ pháo đài Láng. Mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính trong trận giao chiến đầu tiên. Cả thành phố Hà Nội chia làm 3 liên khu; trong đó Liên khu I (quận Hoàn Kiếm ngày nay) được coi là trung tâm của cuộc kháng chiến. Liên khu I chỉ có 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 101 khu Đồng Xuân; Tiểu đoàn 102 khu Đông Thành; Tiểu đoàn 103 khu Đông Kinh Nghĩa Thục. Quân số Liên khu I có 200 chiến sĩ làm nòng cốt, trên 100 tự vệ chiến đấu, công an xung phong; còn lại là hơn 1.000 người là nhân dân lao động, học sinh, sinh viên, phụ nữ và hơn 100 em thiếu nhi tình nguyện trang bị vũ khí thô sơ.

Trao quà và lưu niệm cho những chiến sĩ liên khu I năm xưa.


Trong khi đó quân Pháp tập trung đông, với khoảng 6.500 lính và 7.000 Pháp kiều được trang bị vũ khí. Trong vòng vây của kẻ địch, cùng với quân dân Liên khu 2 và 3 phối hợp chiến đấu, Trung đoàn Liên khu I đã chiến đấu 60 ngày đêm giữa lòng Hà Nội, hoàn thành nhiệm vụ cùng với toàn mặt trận cầm chân tiêu diệt 2.000 tên địch, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Với chiến công đó, ngày 12/1/1947, tại hội nghị quân sự toàn quốc họp tại Chương Mỹ (Hà Đông) theo đề nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn Liên khu I Hà Nội đã được tặng danh hiệu cao quý: Trung đoàn Thủ đô và được Bác Hồ khen: “Các chú giữ được 1 tháng đã là thắng lợi mà kéo dài 2 tháng là đại thắng lợi”.

Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của một thời hào hùng, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nói: Vào những dịp này, chúng tôi, những người đã quyết tử tại chiến trường Liên khu I luôn xúc động. Đây là trận chiến mở màn cho ngày toàn quốc kháng chiến và tạo tiền đề chiến thắng nối tiếp chiến thắng; tiến tới giữ vững độc lập thống nhất nước nhà. Mùa đông năm 1946, tôi thuộc Trung đội 2, Tiểu đoàn 102 khu Đông Thành, chiến đấu ở khu phố Hàng Thiếc. Để chống lại kẻ thù, chúng tôi đục tường từ nhà nọ sang nhà kia với mục đích ban đầu là liên lạc trong chiến đấu. Nhưng trên thực tế, đây là một trận đồ bát quái với kẻ thù vì khi vào trong chúng không biết đi lối nào. Những lỗ đục tường thông này chỉ vừa đủ người Việt Nam chui lọt. Trong khi đó, những tên địch to lớn phải loay hoay chui qua. Lúc đó chỉ cần quân địch đang luồn người qua là ta có thể bất ngờ tiêu diệt chúng bằng vũ khí thô sơ hoặc bắn tỉa dễ dàng.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là trận chiến đấu hôm 7/2/1947, lúc đó quân địch rất đông tiến vào vị trí đóng quân của ta. Chúng tôi để quân địch tiến vào khoảng 12 nhà; trong lúc tên dẫn đầu loay hoay chui qua lỗ đục tường, một chiến sĩ phục sẵn phang vào người tên địch, các tên đi sau ùn lại nhà kế bên liền bị chúng tôi ném lựu đạn, nổ súng tiêu diệt.

Ra đi hẹn ngày giải phóng

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại: Thời điểm trung tuần tháng 2/1947 là giai đoạn địch dùng hỏa lực mạnh kết hợp dội bom vào khu chợ Đồng Xuân nhằm tiêu diệt trung tâm chỉ huy Liên khu. Quân ta gặp khó khăn do đạn dược, lương thực đã cạn kiệt. Quân Pháp thắt chặt vòng vây nhằm tiêu diệt hết Trung đoàn Thủ đô. Chiều 17/2/1947, các đơn vị nhận lệnh rút quân. Mọi người đều ngỡ ngàng, lời thề "Quyết tử", "Sống mãi với Thủ đô" ngày đầu vẫn còn in đậm trong các chiến sĩ nên không ai muốn rời xa Hà Nội. “Quân lệnh như sơn”, phải rút quân bảo toàn lực lượng. Khắp các dãy tường nhà, các chiến sĩ đã viết lên tường lời thề "Ra đi hẹn ngày trở về".

Quân và dân Hà Nội chiến đấu, giành giật với địch từng góc nhà, đường phố ( tháng 12-1946). Ảnh: TTXVN


Nửa đêm 17/2/1947, tiếng súng nổ ran khắp Thủ đô, nhiều đám cháy bùng lên khắp Liên khu I. Quân Pháp vẫn cho là đang diễn ra một đợt quấy rối lớn của bộ đội ta. Chính lúc đó, trong mưa phùn, gió bấc, hơn 1.000 chiến sĩ gồm cả phụ nữ, trẻ em, thương bệnh binh đã lặng lẽ rút đi dọc bãi Phúc Xá lên Tứ Tổng, Tàm Xá, chèo đò qua sông Hồng theo chỉ dẫn của đội du kích Hồng Hà. Mấy chục chiếc thuyền tự vệ ngoại thành đưa chiến sĩ qua sông an toàn ngay dưới họng súng những tên lính gác phía trên cầu và bờ đê. Đến khi địch kinh ngạc phát hiện ra thì chiến trường đã im ắng.

Nhân dân Hà Nội dùng đồ đạc, tài sản dựng chiến lũy trên đường, cản bước xe tăng địch ( Phố Mai Hắc Đế tháng 12-1946). Ảnh: TTXVN


Trung đoàn Thủ đô đã thực hiện cuộc lui quân thần kỳ qua vòng vây dày đặc của kẻ thù để cùng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết sau khi Trung đoàn Thủ đô lui quân trọn vẹn: “Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của quân đội Việt Nam. Các chiến sĩ lại mở con đường máu qua vòng vây dày đặc quân địch để thực hiện chỉ thị bảo tồn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam - Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần. Cho đến ngày Tổ quốc độc lập thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được là một nước độc lập thống nhất. Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”.

Và đứng như lời hẹn thề, 7 năm sau đoàn quân ấy chiến thắng trở về trên những phố xưa. Ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng 10/10/1954.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN