Kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam: Người lính 30 tháng 4 năm ấy

Hàng năm, vào ngày 30/4, kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những cựu chiến binh của Trung đoàn Pháo phòng không 245 thuộc Sư đoàn 673, Quân đoàn 2, lại tề tựu bên nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời hào hùng.

Đại tá Phạm Xuân Huyên, nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn Pháo phòng không 245, Trưởng ban Liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 245 đã ở tuổi 85, nhưng vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông kể lại trận chiến đấu mà đơn vị tham gia mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Vào hồi 17 giờ ngày 26/4/1975, tại căn cứ Nước Trong, địch phản kích quyết liệt, nhiều loạt bom rơi gần trận địa Đại đội 2, Tiểu đoàn 153, nhưng các pháo thủ vẫn bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu. Trung đoàn 245 đã bắn rơi một chiếc máy bay A37, hai chiếc F5 và chiếc AD6. 

Quân giải phóng đánh chiếm trường Thiết giáp Nguỵ tại căn cứ Nước Trong (Biên Hoà). Ảnh: Hứa Kiểm - TTXVN

Với thành tích đó, Trung đoàn đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3. Trong số nhiều chiến sỹ được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Bằng khen và Giấy khen trong chiến dịch này, Đại tá Phạm Xuân Huyên rất ấn tượng với Trung sỹ Tạ Phương Đông, Khẩu đội Trưởng thuộc Đại đội 2, chiến sỹ duy nhất của Tiểu đoàn 153 nhận Huân chương Chiến công hạng Ba bởi sự quyết đoán, nhanh nhẹn, góp phần bắn rơi máy bay địch.

Gặp cựu chiến binh Tạ Phương Đông, quê ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội, ông khiêm tốn không muốn kể lại cuộc đời binh nghiệp của mình. Nhưng nhắc đến ngày toàn thắng, ông chia sẻ ký ức đêm 30/4 là đêm đầu tiên ngủ lại trên đất Sài Gòn vừa giải phóng. Gió sông Đồng Nai thổi mát rượi đã làm dịu đi cái oi nồng của những ngày hành quân đuổi giặc nhưng anh và đồng đội đều thao thức rạo rực, phần vì vui mừng trước chiến thắng, nỗi nhớ quê hương miền Bắc, phần vì luôn cảnh giác trước sự ngoan cố của tàn quân địch, đó đây vẫn rộ lên tiếng súng…

Sinh năm 1954, học xong phổ thông, Tạ Phương Đông gia nhập quân ngũ tháng 5/1972. Sau thời kỳ huấn luyện, trở thành pháo thủ số 1 của Khẩu đội pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn 245, ông tham gia các trận đánh bảo vệ Thủ đô Hà Nội, cầu Hàm Rồng Thanh Hóa và hành quân đi B cho đến ngày toàn thắng. Người lính Tạ Phương Đông được kết nạp Đảng tại trận địa vào ngày 1/4/1975, sau được đi học sỹ quan chính trị, trải qua nhiều cương vị khác nhau trong quân ngũ, ông được phong quân hàm Đại tá và giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình trước lúc nghỉ hưu.

Với phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì công việc, ngay khi vừa nghỉ hưu, tháng 10/2012, Đại tá Tạ Phương Đông được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hòa Bình, Bí thư Chi bộ cơ quan cho đến nay. Với cương vị được giao, ông lại dồn tâm trí xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, lăn lộn với cơ sở, chỉ đạo phong trào Cựu chiến binh giúp nhau xóa nghèo, làm kinh tế giỏi.

Ba năm liên tục 2014 - 2016, ông được công nhận là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sỹ thi đua cơ sở của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Đại tá Tạ Phương Đông chia sẻ, giờ đây, sau 45 năm 1972 - 2017, dẫu phiên hiệu Trung đoàn 245 không còn nữa, cán bộ chiến sỹ các thế hệ của Trung đoàn mỗi người một ngả, mỗi người một công việc khác nhau, nhưng ai cũng lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc một thời hào hùng là người lính của Trung đoàn 245. Ngày Chiến thắng 30/4, đồng đội anh lại gặp mặt tại quê hương Quốc Oai để chia ngọt sẻ bùi, động viên và giúp đỡ nhau trọn vẹn nghĩa tình, xứng danh người lính Cụ Hồ.

Nhan Sinh/TTXVN
Khởi sắc ở địa phương đầu tiên được giải phóng
Khởi sắc ở địa phương đầu tiên được giải phóng

Trải qua 45 năm kể từ sau ngày giải phóng, Hoài Ân (Bình Định) từ một huyện có nền kinh tế thuần nông, độc canh cây lúa đã thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và tương đối toàn diện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN