Kon Tum: Thiên tai, sạt lở có lỗi... của con người

Chính quyền và nhân dân huyện Đăk Tô (Kon Tum) đang nỗ lực khắc phục hậu quả của vụ sạt lở đất, đá tại xã Văn Lem. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, trên thực tế tại đây chỉ cần một trận mưa lớn trút xuống thì đất, đá thượng nguồn lại sẽ tiếp tục theo mưa về hạ lưu. Nguyên nhân là do đất, đá từ công trình đường tránh đèo Văn Rơi (do huyện Tumơrông đầu tư, dự kiến đến năm 2016 sẽ hoàn thành) tràn về.

Có lỗi từ con người

Những ngày đầu tháng 8 này, trên địa bàn xã Văn Lem mưa nhiều khiến đất, đá từ các bãi thải của công trình thi công đường tránh đèo Văn Rơi, đoạn qua xã Văn Lem bị cuốn theo nước. Hiện tại, các bãi thải đất, đá đã tràn xuống các lưu vực, lấp cả miệng cống, tràn trực tiếp xuống các con đường. Hơn 4 ha ruộng lúa, hàng loạt công trình thủy lợi như Tea Heang 1, 2 hay thủy lợi Đăk Tăng bị bồi lấp không có khả năng điều tiết nước… Tại hiện trường, quanh các bãi thải, đất theo mưa, hòa vào dòng nước cứ thế trôi về hạ lưu.

Theo ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: "Khi đào đất, đá, đơn vị thi công tập kết về bãi thải. Lẽ ra bãi thải phải cách xa chân công trường khoảng 2km trở lên nhưng nếu vậy rất tốn kém nên đơn vị tư vấn tận dụng các khoảng trống gần công trường làm bải thải. Điều này anh em chủ quan, không tính được. Chính vì vậy nên hàng loạt bãi thải tập kết đất, đá cạnh công trình đã theo mưa về hạ nguồn".

Đầu tháng 8, mưa lớn kéo dài khiến 4,3 ha lúa cùng nhiều công trình thuỷ lợi của xã Văn Lem, huyện Đăk Tô bị bồi lấp. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN


“Trong quá trình lập dự án đầu tư cũng như trong quá trình lập phương án đền bù thì chưa tính đến yếu tố do mưa sẽ bồi lấp diện tích ruộng này”, ông Mười khẳng định.

Trong khi đó, huyện Đăk Tô, địa phương ở cuối công trình, nơi đang nhận những hậu quả cũng chậm xử lý các vấn đề phát sinh. Cụ thể, từ mùa mưa năm 2013 thì đã có hiện tượng sạt lở đất đá, bờ suối Đăk Tăng nhưng đã chậm xử lý. Đến khi ruộng đã mất, nhà bị cuốn thì mới bắt tay vào khắc phục. Cụ thể, trước đó ngày 8/7 chính quyền 2 huyện và đơn vị thi công (Công ty TNHH Tuấn Dũng) đã thống nhất các công trình thủy lợi trên đã bị bồi lấp từ năm 2013, không có khả năng điều tiết nước; một số ruộng lúa hai vụ đang canh tác, một phần bị bồi lấp…

Để khắc phục tình trạng trên, các bên đã thống nhất một số nội dung để khắc phục. Tuy nhiên, sau cả tháng trời mà chính quyền Đăk Tô mới bắt đầu triển khai khắc phục hậu quả (sau khi TTXVN và một số phương tiện truyền thông khác đưa tin). Mặc dù vậy, ông Ngô Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho rằng: “Cái này có chỉ đạo từ sớm rồi nhưng do mưa liên tục rất khó khắc phục”. Trong khi đó, theo một thành viên trong buổi họp trên khẳng định từ sau buổi họp đó chẳng thấy UBND huyện Đăk Tô hay chủ đầu tư nói gì.

Trong khi đó, đối với 9 hộ dân ở thôn Mường Răng xã Văn Lem, chịu ảnh hưởng trực tiếp khi một số công trình như chuồng lợn, nhà vệ sinh đã bị cuốn trôi, nước suối đã sát mép công trình nhà cho rằng nhiều năm qua suối Đăk Tăng đã gây sạt lở nhiều vào đất dân. Dòng suối ngày càng mở rộng, dân đã kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Giải pháp là chờ đợi

Có thể nói, hiện tại các nỗ lực khắc phục hậu quả chỉ dừng lại ở giải pháp tạm thời. Hiện tại công trình đường tránh đèo Văn Rơi chỉ mới thông tuyến kỹ thuật, các mái taluy vẫn chưa gia cố, đường chưa có rãnh. Trên công trình mọi thứ vẫn ngổn ngang. Đất, đá từ các bãi thải ở các triền đồi nếu gặp mưa thì vẫn theo nước về hạ nguồn. Theo tính toán thì ít nhất phải 4-5 năm nữa khi công trình ổn định, các ta luy âm, dương có cỏ mọc mới mong hết sạt lở.

Trước thực tế trên, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm: Hiện đang vào mùa mưa chưa thể xác định chính xác diện tích sẽ còn bị ảnh hưởng. Giờ kinh phí kè (vùng sạt lở) quá lớn không thể thực hiện được. Hiện tại, các biện pháp khắc phục trên chỉ là tạm thời. Về lâu dài thì sau khi mùa mưa năm nay kết thúc, huyện Tu Mơ Rông sẽ phối hợp với huyện Đăk Tô thống kê đầy đủ thiệt hại để đánh giá lại. Theo đó, những diện tích không khắc phục được (ở vùng bị ảnh hưởng) sẽ xin khai hoang để chuyển đổi cây trồng, diện tích nào khắc phục được thì sẽ khắc phục.

Nói là vậy, nhưng với diện tích lúa nước thì không biết liệu chủ đầu tư có còn tìm được địa điểm nào để khai hoang làm ruộng lúa 2 vụ cho dân. Đối với Văn Lem, xã có địa hình chia cắt, đồi núi nhiều, những nơi nào thuận lợi dân đã làm hết ruộng lúa. Trong khi đó, theo ông Ngô Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, nơi bị thiệt hại kiến nghị: “Về lâu dài sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư có phương án khắc phục chống tình trạng bồi lấp này trong quá trình thi công”. Trong khi đó, chủ đầu tư cũng thừa nhận mức đền bù, khắc phục hậu quả là quá lớn nên cũng đã có kiến nghị UBND tỉnh cho phép điều chỉnh, bổ sung một dự án đền bù.

Có thể nói, đường tránh đèo Văn Rơi là “tác nhân” gây ra bồi lấp, sạt lở ở vùng hạ lưu của công trình. Tuy nhiên, công trình trên cũng chỉ là nạn nhân của những con người đang điều hành, triển khai dự án.


Cao Nguyên
Kon Tum: Nhiều công trình thủy lợi và hoa màu bị bồi lấp
Kon Tum: Nhiều công trình thủy lợi và hoa màu bị bồi lấp

Những ngày qua trên địa bàn huyện Đăk Tô đã có mưa lớn xảy ra kéo dài trong nhiều ngày, kèm theo đất, cát, đá làm bồi lấp, thay đổi dòng chảy gây tình trạng sạt lở đất, bồi lấp một số diện tích cây trồng và các công trình cơ sở hạ tầng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN